Điểm độc đáo của AW609 là khả năng cất cánh và hạ cánh như một chiếc trực thăng thông thường khi cặp cánh quạt chạy bằng động cơ tăng áp xoay theo phương ngang, còn khi được xoay dọc, bộ phận này giúp cho AW609 đạt tốc độ và tầm bay tương tự hầu hết máy bay cánh quạt. Cụ thể, vận tối đa của cỗ máy này lên đến 510 km/h với tầm bay xa 2.000 km, đủ sức đáp ứng các tuyến bay từ Dallas đến Los Angeles hoặc từ New York đến Miami… Chiếc máy bay của Leonardo sở hữu khoang cabin điều áp và trần bay 7.620 m, tạo nên khác biệt đáng kể so với trực thăng thông thường khi có thể bay trên vùng thời tiết xấu.
Sở hữu thiết kế độc đáo cùng độ tiện dụng cao, song số phận của chiếc máy bay đặc biệt này lại khá “lận đận”. Mặc dù đã có kế hoạch chế tạo chiếc máy bay nguyên bản này từ năm 1998 qua dự án mang tên Bell/Agusta BA609, nhưng sau đó công ty Bell quyết định từ bỏ kế hoạch đầy tham vọng này, còn Leonardo, cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ chế tạo được 3 nguyên mẫu bay thử, và một trong số đó đã gặp sự cố nghiêm trọng 4 năm về trước. Phải đến đầu năm nay, khung máy bay của một nguyên mẫu khác tiếp tục được chế tạo tại cơ sở của Leonardo ở Philadelphia, Hoa Kỳ, và nếu thành công, đây sẽ là mẫu máy bay cánh quạt xoay (tilt-rotor) đầu tiên được sử dụng cho mục đích thương mại.
Leonardo sẽ bàn giao những chiếc máy bay 9-chỗ-ngồi này vào năm sau với mức giá bán vẫn chưa được công bố chính thức. Có vẻ như vô cùng tin tưởng vào thành công của sản phẩm này nên thương hiệu đến từ nước Ý thậm chí đã bắt đầu xây dựng cơ sở đào tạo phi công với máy mô phỏng bay tiên tiến.
leonardocompany.com