Những “bậc thầy vũ trụ” ở Thung lũng Silicon sử dụng công nghệ tối ưu vào thử thách cuối cùng: chinh phục cái chết. Nhưng liệu có phép màu cho sự trường sinh?
Kế hoạch cuối đời của Dave Asprey khá đơn giản, dù nghe thì có vẻ lạc quan đến mức buồn cười với hầu hết chúng ta. “Tôi muốn tự chọn thời điểm và cách thức ‘ra đi’ cho mình, đồng thời tiếp tục làm những điều tuyệt vời cho đến tận ngày đó”, ông chia sẻ, “Tôi không nghĩ quá khi tin rằng mình sẽ sống thọ 180 tuổi”. Khi chúng tôi trò chuyện qua Zoom cho bài viết này cũng là lúc Asprey đang đi dạo trong trang viên trù phú của mình ở British Columbia. Ông đội chiếc mũ trông hơi “kỳ cục” và đeo một chuỗi hạt, với mỗi hạt đều có tuổi thọ hơn 100 năm và được tập hợp từ nhiều nền văn hóa trên thế giới.
Là nhà sáng lập “đế chế” chăm sóc sức khỏe Bulletproof, doanh nhân 48 tuổi Asprey có tầm ảnh hưởng đến phong trào kéo dài tuổi thọ qua mốc 100 tuổi. Ông đã kiếm được hàng triệu USD nhờ thử nghiệm trên chính cơ thể mình và đưa các khám phá đó vào sách, podcast, dịch vụ tư vấn và sản phẩm tiêu dùng. Từng giữ chức Giám đốc điều hành bảo mật web trước khi trở thành Giám đốc điều hành Bulletproof, Asprey chỉ là một trong những nhân tài công nghệ thu hút sự chú ý – và hàng núi tiền – cho lĩnh vực kéo dài tuổi thọ. Jeff Bezos, Peter Thiel, Sergey Brin, Larry Ellison là những nhân vật “nhóm A” ở Thung lũng Silicon có thể tài trợ cho các nghiên cứu về tuổi thọ, thử nghiệm biện pháp can thiệp chống lão hóa hoặc cả hai. Những “bậc thầy vũ trụ” này không thấy có lý do gì ngăn họ sử dụng công nghệ tối ưu vào thử thách cuối cùng: chinh phục cái chết.
Và nỗ lực của họ dường như đã được đền đáp: Nhờ sự bùng nổ gần đây của tiến bộ y học về tuổi thọ, ý nghĩ về việc sống mạnh khỏe vào thế kỷ thứ hai của Asprey có vẻ không quá điên rồ. Thực tế cho thấy một số liệu pháp trong các thử nghiệm lâm sàng có khả năng biến đổi diện mạo với người ở độ tuổi trung niên hiện nay, vốn cũng là lần đầu tiên trong lịch sử loài người. Nếu đúng như những gì mà “các chuyên gia về lĩnh vực kéo dài tuổi thọ” nói, thì một người 40 tuổi vẫn có thể trượt tuyết lao dốc, chạy cự ly 10km hoặc chơi tennis khi ở tuổi 100.
“Nếu chống lão hóa đúng cách, bạn sẽ có khả năng phục hồi để đối mặt với mọi thứ. Nếu mắc Covid-19, bạn khó bị ốm nặng hơn. Ý tưởng ở đây là khiến bản thân mình khó bị đánh bại từ cấp độ tế bào”.
Phương pháp can thiệp khắc nghiệt nhất gây tranh cãi mà Asprey đã trải qua là chiết xuất tế bào gốc từ tủy xương và chất béo của chính mình, sau đó tiêm vào hàng trăm vị trí trên cơ thể. “Vào các khớp, giữa mọi đốt sống, vào dịch não tủy, mặt và cơ quan sinh dục”, ông nói, “Khoản chi này tính ra đủ để tôi mua một chiếc Tesla ‘cực phẩm’”.
Nếu đúng như các “chuyên gia tăng tuổi thọ” nói, người 40 tuổi có thể trượt tuyết, chạy cự ly 10km, chơi tennis ở tuổi 100.
Văn phòng tại gia của Asprey tọa lạc trong một phòng thí nghiệm trị giá hàng triệu USD với các tiện ích sức khỏe như phòng lạnh cryo chống tế bào ung thư, thiết bị tập với chế độ giảm oxy và xe đạp cố định có hỗ trợ AI. “Đối với một người giàu có, đầu tư vào cơ thể nên là phần chính trong chiến lược khẳng định bản thân. Tôi nghĩ bạn nên chi ít nhất 2-3% giá trị tài sản ròng của mình cho sức khỏe và tuổi thọ, ví dụ như tìm đầu bếp riêng nấu cho bạn những món ăn phù hợp”.
Liz Parrish – Giám đốc điều hành BioViva – tin rằng cái chết là một lựa chọn, nhưng với bà, mục tiêu 180 tuổi của Asprey có vẻ vẫn thiếu tham vọng. “Nếu bạn có thể đạt được cân bằng nội môi (homeostasis), nơi quá trình tự phục hồi nhanh hơn thoái hóa, thế thì sao phải chết? Tất nhiên cũng có thể do tai nạn hoặc thiên tai, nhưng làm gì có ‘ngày hết hạn’ ở tuổi 90 hay 100”.
Cao ráo và khỏe khoắn, Parrish sở hữu mái tóc vàng mượt cùng một thân hình trẻ trung ở tuổi 49 – điều có thể thuyết phục bạn mua bất cứ thứ gì mà bà bán. Nhưng cũng giống như Asprey, bà bị cộng đồng nghiên cứu tuổi thọ chỉ trích vì đã tự thử nghiệm trên cơ thể mình loại thuốc hướng tới việc ngăn chặn lão hóa ở cấp độ tế bào. Năm 2015, ở Bogotá (Colombia), Parrish đã trải qua liệu pháp telomerase và follistatin. Theo đó, 100 mũi tiêm chứa hỗn hợp gen và một loại virus đã được sửa đổi để đưa các gen mới vào tế bào cơ thể với mục tiêu ngăn ngừa sự teo cơ do tuổi tác và kéo dài các telomere: đoạn ADN có trình tự lặp lại nhiều lần ở đầu mỗi nhiễm sắc thể. Các nhà khoa học xác định rằng telomere ngắn đi không chỉ là dấu hiệu của sự lão hóa, mà còn là nguyên nhân tiềm ẩn của các hiện tượng suy giảm liên quan đến tuổi tác.
“Tất nhiên cũng có thể do tai nạn hoặc thiên tai. Nhưng làm gì có ‘ngày hết hạn’ ở tuổi 90 hay 100”.
Parrish đã nói với giới truyền thông về thí nghiệm “bí hiểm” của mình, cập nhật định kỳ về tình trạng cơ thể trong 5 năm kể từ đó và cho rằng bà đã thực sự tăng được khối lượng cơ và kéo dài được telomere. Cách làm có phần khoa trương của Parrish bắt nguồn từ niềm tin rằng cộng đồng nghiên cứu y tế – cả Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lẫn các nhà nghiên cứu không có đầu óc kinh doanh – đang quá chậm chạp và cứng nhắc khi nói đến liệu pháp điều trị lão hóa nâng cao. Nhưng liệu pháp gen là một lĩnh vực y học tương đối mới, chứa đựng nhiều rủi ro gồm ung thư, các phản ứng miễn dịch nghiêm trọng và nhiễm trùng do véc-tơ virus được sử dụng để giúp thuốc thẩm thấu vào cơ thể.
“Có thể có rủi ro, nhưng một rủi ro mà ai cũng biết là chắc chắn chúng ta rồi sẽ chết, và bạn phải tự quyết định liệu lợi ích tiềm năng có đáng để chọn hay không”, bà chia sẻ với Robb Report.
“Con người vẫn luôn khao khát về ‘suối nguồn tươi trẻ’, vì vậy có thể hoài nghi về tính khả thi của công nghệ chống lão hóa hiện nay”, nhà đầu tư kiêm doanh nhân người Anh Jim Mellon nói, “Nhưng sự thật là điều này cuối cùng sẽ xảy ra, và ta cần nắm bắt thời điểm”. Mellon, nhà đồng sáng lập Juvenescence, một công ty dược phẩm ba năm tuổi, đầu tư vào nhiều công nghệ cùng lúc để tăng khả năng đưa sản phẩm thành công ra thị trường.
Doanh nhân 63 tuổi Mellon đã đặt cược tài sản của mình vào các cơ hội đầu tư đúng lúc, và ông dự đoán rằng một “cơn sốt thị trường chứng khoán” mới trong lĩnh vực tăng tuổi thọ đang đến rất gần. “Nếu đầu tư vào Internet từ những ngày đầu, bạn sẽ là một trong những người giàu nhất hành tinh. Chúng ta đang ở giai đoạn sơ khai của ngành công nghệ sinh học trường sinh, vì vậy, cơ hội cho các nhà đầu tư là rất lớn”. Theo báo cáo của Bank of America Merrill Lynch thì Mellon không sai: Thị trường công nghệ tăng tuổi thọ con người dự kiến sẽ tăng gấp 6 lần và đạt 610 tỷ USD chỉ trong 5 năm tới.
Khi tôi nói chuyện với Mellon vào cuối mùa xuân, ông đang ẩn dật ở Đảo Man, một mũi đất nhỏ trên biển Ireland. Ông cho biết mình quan tâm đến việc tăng tuổi thọ hơn là tài chính. “Nghiên cứu về tăng tuổi thọ mang căn nguyên đạo đức. Nếu ta có thể giúp mọi người sống khỏe mạnh đến cuối đời, thế giới sẽ thay đổi hoàn toàn. Hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ giảm được áp lực. Điều này nên đứng đầu danh mục đầu tư của bất kỳ ai”.
Nếu có thể loại bỏ được các căn bệnh do tuổi tác, Mỹ có thể tiết kiệm được khoảng 7,1 nghìn tỷ USD trong 50 năm tới.
Ở những khu vực giàu có nhất Hoa Kỳ, tuổi thọ trung bình là khoảng 88 năm. Với hầu hết mọi người, sức khỏe bắt đầu giảm dần trong 15 năm cuối đời với các bệnh mãn tính. Theo các chuyên gia, nếu loại bỏ được các căn bệnh do tuổi tác, Mỹ có thể tiết kiệm khoảng 7,1 nghìn tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe trong 50 năm tới.
Mellon đặt một trong những “ván cược” của mình vào senolytic, loại thuốc có tác dụng phá hủy các tế bào lão hóa trong cơ thể. Nhiều bệnh liên quan đến tuổi tác như viêm khớp, tiểu đường, Alzheimer, ung thư có yếu tố viêm và các nghiên cứu cho thấy sự tích tụ của tế bào lão hóa đóng vai trò lớn.
Tiến xa nhất trong cộng đồng khởi nghiệp về công nghệ sinh học phát triển các loại thuốc nhắm vào tế bào lão hóa là công ty Unity Biotechnology (ở Nam San Francisco) với 3 loại thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng để giải quyết các tình trạng lão hóa, bắt đầu từ chứng thoái hóa khớp gối. Unity đã huy động được hơn 200 triệu USD từ những tên tuổi lớn như Thiel và Bezos trước khi ra mắt năm 2018. Mellon cũng mua một ít cổ phần kể từ thời điểm đó.
Sự phát triển của liệu pháp loại bỏ tế bào già cỗi trong cơ thể trước khi chúng gây ra tình trạng lão hóa sẽ là “Chén Thánh” của senolytic. Vào tháng 6 năm ngoái, một nhóm từ Sloan Kettering đã công bố nghiên cứu đột phá mới cho thấy các tế bào CAR T – thường dùng cho liệu pháp điều trị ung thư chính xác – cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt các tế bào lão hóa. Còn phải chờ nhiều năm nữa, chúng ta mới có các loại thuốc senolytic kê theo toa. Và cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi những người thích sống thọ muốn tiếp cận phép màu này – và những phương pháp không được FDA công nhận sẽ vô phương bắt kịp. Trên Internet tràn ngập những lời khuyên về tuổi thọ, trong khi vô số công ty thất đức vẫn ngày đêm đếm tiền trên nỗi tuyệt vọng của những người cả tin, chẳng hạn như một công ty nọ đã thu 8.000 USD cho việc truyền huyết tương từ máu của thanh thiếu niên và người trẻ ở độ tuổi 20.
Eric Verdin, 63 tuổi, là chủ tịch và giám đốc điều hành của Viện Buck, một trung tâm nổi tiếng toàn cầu về nghiên cứu lão hóa ở Marin County, gần San Francisco. Verdin lạc quan với cam kết sống khỏe mạnh ít nhất tới 100 tuổi. Đó là tính đến hôm nay. Nhưng 180 tuổi ư? Đừng tin. “Theo tôi dự đoán, dựa trên tất cả những gì ta biết hiện tại, con số 120 là khả năng tốt nhất của chúng ta trong tương lai gần. Tôi dám cược cả căn nhà của mình là sẽ không có ai sống thọ 180 tuổi trong 200 năm tới. Nhưng giúp mọi người trở thành những người lớn tuổi khỏe mạnh là điều ta có thể làm được”.
Phòng thí nghiệm riêng của Verdin tại Viện Buck nghiên cứu hệ thống miễn dịch lão hóa và cách nó bị ảnh hưởng bởi lối sống, như dinh dưỡng và tập thể dục. Verdin tuân thủ chế độ ăn 16:8 và luyện tập đạp xe leo núi.
Ông nhấn mạnh chăm sóc sức khỏe cũng cần có giới hạn, như tránh các liệu pháp thử nghiệm. Ông nói: “Một nhóm người đã quyết định thử vài biện pháp can thiệp tốn kém và nguy hiểm, nhưng không có bằng chứng cho thấy nó giúp họ sống lâu hơn”. Theo ông, vấn đề là kết quả của các biện pháp can thiệp lão hóa thử nghiệm trên chuột trông có vẻ rất hứa hẹn nhưng hiếm khi thành công ở người. Mặt khác, Verdin cho biết có những cách thức mới đáng để quan tâm. Ví dụ rapalog, nhóm thuốc tương tác với protein mTOR, giữ vai trò chính trong nhiều quá trình sinh học quan trọng, gồm tăng trưởng và chuyển hóa tế bào. Rapalog làm giảm lượng mTOR, ngừa các bệnh liên quan đến tiểu đường, đột quỵ và một số bệnh ung thư. Rapamycin được phê duyệt ở Mỹ năm 1999, ngăn phản ứng đào thải khi ghép nội tạng.
“Hơn 90% nguyên nhân gây ra các bệnh về lão hóa là do môi trường, điều đó có nghĩa là bạn có thể can thiệp được”.
Năm ngoái, công ty công nghệ sinh học resTORbio (tách ra từ Novartis), dự kiến xin FDA phê duyệt thuốc rapalog RTB101, với kết quả thử nghiệm lâm sàng có khả năng làm chậm quá trình suy giảm hệ thống miễn dịch do tuổi tác và cải thiện phản ứng miễn dịch ở người cao tuổi.
Một trong các tác dụng của rapamycin là bắt chước cơ chế hạn chế calo. Trong các loại thuốc có tác dụng này, metformin đã trở thành một phần không thể thiếu của chế độ chăm sóc sức khỏe ở Thung lũng Silicon, sau nghiên cứu cho thấy bệnh nhân tiểu đường loại 2 có dùng thuốc này sống lâu hơn người không bị bệnh.
Mellon đã đóng góp tài trợ cho nghiên cứu của nhà nội tiết học nổi tiếng Nir Barzilai về tác dụng chống lão hóa của metformin, điều ông tin sẽ là công cụ để kéo dài được tuổi thọ con người trên diện rộng.
(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng 7&8 mang chủ đề “Health Or Wealth”)