Thỏa thuận với Dior “cho thấy cam kết của gia đình tôi và nhấn mạnh vào sự tin tưởng của chúng tôi về triển vọng trong dài hạn của LVMH cùng những thương hiệu con”. Đồng thời, bước đi này còn giúp “đơn giản hóa cấu trúc công ty cũng như củng cố mảng thời trang và đồ da của LVMH”, Arnault chia sẻ. Gia đình của ông hiện đang nắm giữ 47% cổ phấn LVMH – công ty sở hữu nhiều thương hiệu mang tính biểu tượng như Louis Vuitton, TAG Heuer, Moët & Chandon và Benefit Cosmetics.
“Theo quan điểm của chúng tôi, đây là thương vụ M&A tốt với LVMH, do Christian Dior là một thương hiệu mạnh, có bảng cân đối kế toán tốt. Thương vụ này cũng sẽ gộp Christian Dior với mảng nước hoa lợi nhuận cao của LVMH”, Barclays phân tích. Christian Dior Couture hiện có 198 cửa hàng tại 60 quốc gia. Doanh số cũng tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
LVMH đã chi trả khoản tiền gấp 15,6 lần lợi nhuận trước thuế và khấu hao vào năm ngoái của Dior để mua lại thương hiệu thời trang Pháp. Thế nhưng, chưa cần đợi lâu, thương vụ chục tỉ đô này đã ngay lập tức đem lại tín hiệu tích cực cho cả hai bên. Cổ phiếu LVMH hôm qua tăng gần 5% lên mức kỷ lục 225 Euro/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu của Dior cũng tăng kỷ lục lên 256 Euro/cổ phiếu. LVMH ước tính thương vụ này sẽ giúp tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) thêm 3% trong năm đầu sau sáp nhập.
Các nhà đầu tư Dior có thể chọn thanh toán bằng tiền mặt hoặc đổi lấy cổ phiếu của LVMH. Hội đồng quản trị của Christian Dior và LVMH hiện đã nhất trí với thỏa thuận này và bổ nhiệm những chuyên gia độc lập để đàm phán những điều kiện liên quan. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa cuối năm nay.