Một câu hỏi được đặt ra cho ngành thời trang ở thời hậu Covid: Liệu chúng ta có sẵn sàng khí thế để đón chào thập niên 2020 dẫu muộn màng vài năm?
Hai năm đại dịch đã làm thay đổi cách ăn mặc của mọi người. Đó là khi tủ quần áo của chúng ta được chuyển đổi giữa những bộ trang phục thông thường khi làm việc tại nhà đan xen với những bộ cánh bóng bẩy mà chúng ta chỉ mặc vỏn vẹn vài lần trong tuần.
Một câu hỏi được đặt ra cho ngành thời trang ở thời hậu Covid: Liệu chúng ta có sẵn sàng khí thế để đón chào thập niên 2020 dẫu muộn màng vài năm? Hay đã đến lúc nên tiết giảm mọi thứ vốn thừa mứa và bắt đầu một phong cách sống tối giản, nghiêm túc hơn? Theo góc nhìn của ngành thời trang thì cả hai viễn cảnh này đều có thể xảy ra.
Sự “giằng co” giữa chủ nghĩa tối giản và chủ nghĩa tối đa đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, sự phân định này ở thời điểm hiện tại lại mang một sắc thái to lớn hơn, ít khoa trương và tôn kính hơn. Một số người đã xem đại dịch như cơ hội để thử thách bản thân ở một sân chơi lớn, vừa thấm nhuần phong cách truyền thống nhưng với một chút biến tấu. Ngay cả Brunello Cucinelli – bậc thầy về trang phục ton-sur-ton – cũng đã kết hợp các thiết kế mới nhất của mình với sắc cam rực rỡ hay tông đỏ bùng cháy. Đây có thể là một tuyên ngôn hết sức ý nhị rằng: Bạn có thể tỏa sáng theo bất kỳ cách nào mà mình mong muốn.
Trong khi đó, một số thương hiệu lại trở về với cốt cách cổ điển vốn dĩ của thời trang nam, sau khi cơn sốt mỹ cảm kiểu phóng khoáng thường nhật vốn thống trị nhiều năm trước đã qua đi. Dù đó là đôi oxford của John Lobb hay áo sơ-mi công sở của Finamore, thì phong cách này cũng giúp tạo nên sự hài hòa và thanh lịch cho kiểu ăn vận chỉn chu với hầu hết các chi tiết trang trí được giản lược. Hãy nhớ rằng trang phục tuy đơn giản vẫn có thể tạo ấn tượng sâu sắc; và một minh chứng vô cùng cụ thể chính là dòng sản phẩm mùa thu đơn sắc của nhà Ralph Lauren lừng danh.
Đây là hai phong cách bao quát xu hướng thời trang nam thời gian qua. Tuy nhiên, hai năm đại dịch đã cho chúng ta một bài học về cách ăn vận thông minh. Đơn cử như lễ trao giải Oscar gần đây khi bên cạnh những bộ suit nam vô cùng sang trọng vẫn có những anh chàng diện sequin lấp lánh, đi giày combat boots, và thậm chí ngay cả Timothée Chalamet còn chẳng mặc áo sơ mi. Vấn đề cơ bản là cuối cùng chúng ta cũng chẳng cần phải đắn đo lựa chọn giữa phong cách này hay phong cách khác. Xu hướng của năm 2022 chính là việc bạn khoác lên mình một bộ trang phục mang bản sắc của riêng mình mà thôi!
Trang phục dạ tiệc: Brioni
Brioni từ lâu đã được biết đến với những thiết kế tuxedo vô cùng ấn tượng, nhưng bộ sưu tập mới nhất của thương hiệu này lại mang đến dáng vẻ nhã nhặn và tinh tế bằng những bộ suit tối màu. Một bộ phối hoàn hảo sẽ bao gồm chiếc áo sơ-mi tông màu nâu vỏ cây và quần satin mang sắc xám ngọc trai kết hợp cùng áo khoác tuxedo đen hoặc trắng cổ điển – tất cả giúp mang đến cho quý ông một vẻ ngoài phóng khoáng cùng cảm giác thư thái khi xuống phố. Ngoài ra, để tổng thể bộ trang phục thêm phần trẻ trung, việc xắn nhẹ phần tay áo và không gài khuy blazer sẽ là một ý tưởng không tồi.
Trang phục may đo: Edward Sexton
Ngày nay, khi việc mặc suit không được xem là quy chuẩn của xã hội mà chỉ còn thuộc phạm trù cá nhân, đã đến lúc chúng ta cần lựa chọn những bộ phối phù hợp với cá tính riêng. Đó cũng chính là tuyên ngôn của Edward Sexton kể từ khi thành lập. Ve áo thời thượng cùng kiểu quần dài đặc trưng của Sexton đã góp phần tái định nghĩa nghề may đo tại Anh quốc theo cách rất riêng. Dominic Sebag-Montefiore, Giám đốc sáng tạo của thương hiệu, cho rằng suit không hề lụi tàn mà đang hồi sinh mạnh mẽ.
Mới đây, nhà mốt từ xứ sở sương mù đã cho ra mắt mẫu áo khoác mềm mại nhất từ trước đến nay: một thiết kế mang phom dáng của áo cardigan nhưng vẫn giữ nét kịch tính đậm chất Edward Sexton. Dù đó là bộ suit kiểu Anh chuẩn chỉ hay không tuân theo bất cứ quy tắc nào, nhà mốt đều có thể đáp ứng nguyện vọng của khách hàng một cách hoàn hảo nhất.
Áo sơ-mi: Finamore
Một chiếc áo sơ-mi hoàn hảo không cần phải cải tiến gì so với hình dáng nguyên bản, mà chính là sự tổng hòa của các chi tiết tinh tế và không quá phô trương.
Finamore đã theo đuổi triết lý này trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm kể từ ngày thành lập. Mỗi thiết kế sơ-mi mang thương hiệu Finamore đều sở hữu phần vai mềm nhẹ chuẩn Ý cùng những đường may tỉ mỉ để mang đến sự thoải mái cho người mặc. Dù thuộc dòng may sẵn hay may đo riêng, mỗi một chiếc áo sơ-mi Finamore cũng đều được cắt may thủ công ngay tại trụ sở chính của nhà mốt ở Napoli, Ý.
Túi da: Hermès
Mặc dù túi Hermès sinh ra để dành riêng cho phái đẹp, nhưng thiết kế mới nhất này lại được tái hiện từ vẻ đẹp phi giới tính của chiếc túi Haut à Courroies. Xuất phẩm này vốn không chỉ “gây bão” làng thời trang quốc tế vào đầu thế kỷ 20, mà còn còn giúp nhà Hermès khẳng định vị thế trong phân khúc thời trang nam. Phiên bản Haut à Courroies Rock – với phần thân túi được làm từ da bê màu đen bóng bẩy cùng các túi nhỏ tiện lợi – gợi liên tưởng tới chiếc áo khoác da của những chàng biker nổi loạn. Siêu phẩm này hứa hẹn sẽ trở thành món phụ kiện được nhiều tín đồ thời trang săn đón trong năm nay.
Bộ sưu tập: Dior
Vào sinh nhật lần thứ 75 của Dior, giám đốc nghệ thuật Kim Jones đã biến sàn diễn Dior Men Thu-Đông 2022 thành cây cầu Pont Alexandre III huyền thoại. Phô diễn trên chiếc cầu ấy là các thiết kế cổ điển mang hơi hướng thể thao: từ chiếc áo blazer khuy đúp ngực được cắt may sắc sảo, áo khoác Bar thắt eo đặc trưng của nhà mốt, cho tới những chiếc quần cargo đậm chất punk-rock. Cùng với sự kết hợp của hai gam màu xám và vàng, điểm xuyết bởi họa tiết da báo hoang dại trên nền lụa jacquard trang nhã, tất cả đã góp phần mang tới một bộ sưu tập thời trang nam đầy phá cách mang thương hiệu Dior Men.
Quần chinos: The Armoury
Có lẽ nhờ tính linh hoạt và cảm giác thoải mái mà chất liệu vải của kiểu quần chinos đã khiến món đồ này trở thành sự lựa chọn hàng đầu của cánh mày râu. Nắm bắt xu hướng ăn mặc của phần đông khách hàng, The Armoury, hãng thời trang nam cùng với nhà may Ring Jacket nổi tiếng tại Nhật Bản, đã ra mắt thiết kế mới với phần ống dài và rộng hơn, thắt lưng tích hợp cùng các đường may nổi bên hông giúp chiếc quần thêm phần năng động và thời thượng. Bên cạnh đó, tính bền bỉ của vải chinos còn giúp người dùng không phải lo ngại khi giặt chiếc quần này bằng máy.
Áo len: Massimo Alba
Trang phục dệt kim đang được “lăng xê” mạnh mẽ trong thời gian gần đây và hứa hẹn trở thành một phần không thể thiếu trong tủ đồ của nam giới. Cùng với sự chuyển mình của xu hướng thời trang năm 2022, các mẫu thiết kế từ chất liệu này cũng đã vượt ra khỏi những gam màu trung tính và có phần “già cỗi”, để mang tới nhiều sắc thái mới lạ và cá tính hơn. Massimo Alba đã dành nhiều năm trong lĩnh vực dệt kim trước khi ra mắt thương hiệu cùng tên vào năm 2006. Mới đây, nhãn thời trang đã tung ra chiếc áo len lụa-mohair mát, nhẹ với họa tiết trên thân được vẽ hoàn toàn bằng tay.
Áo khoác da: Stefano Ricci
Áo khoác M-65 huyền thoại có nguồn gốc gắn với quân đội Mỹ thời chiến, nhưng chính phom dáng thể thao và tính đa dụng đã khiến M-65 trở thành mẫu áo khoác ngoài luôn được săn đón bởi những tín đồ thời trang sành điệu. Dưới bàn tay ma thuật của Stefano Ricci, mẫu áo khoác biểu tượng không chỉ toát lên vẻ sang trọng, lịch lãm, mà còn sở hữu đường nét nam tính vốn dĩ. Được hoàn thiện từ da lộn lót lông cừu cùng phần khóa kéo mạ kẽm-paladi, phiên bản M-65 đến từ nhà mốt Ý là sự kết hợp hoàn hảo giữa thời trang đa năng và đẳng cấp thời thượng.
Giày thể thao: Almini
Kể từ khi thành lập vào năm 1921, hãng giày tại Milan, Ý, đã chuyên sản xuất những đôi giày da khâu hai mặt trái (reverse-stitch) – kỹ thuật khâu giày thủ công từ trong ra ngoài và từ phần mũi đến phần đế – nhằm tạo ra những đôi giày đặc biệt với phom dáng thon gọn và đem đến sự thoải mái khi sử dụng. Almini đã áp dụng kỹ thuật này lên đôi giày thể thao đầu tiên của thương hiệu, với phần thân làm từ chất liệu da bê cao cấp.
Kính mắt: E. B. Meyrowitz
Thương hiệu mắt kính nổi tiếng Vương quốc Anh cho rằng không một món phụ kiện nào có thể làm tăng vẻ lịch lãm của các quý ông như một đôi mắt kính. Vừa qua, E. B. Meyrowitz (EBM) đã trình làng bộ sưu tập kính Gala mang phong cách Old Hollywood cổ điển với các đường vân táo bạo cùng bản lề ba chấu chắc chắn. Mọi chiếc kính EBM đều được các nghệ nhân chế tác thủ công.
Áo denim: Ralph Lauren
Bên cạnh món bánh táo trứ danh, điều khiến mọi người liên tưởng ngay đến nước Mỹ có lẽ là chiếc quần bò “chất lừ” của thập niên 90 hay hào quang của đế chế thời trang xa xỉ Ralph Lauren. Ra mắt cùng BST Xuân thuộc dòng trang phục nam Purple Label, chiếc áo cao bồi được thực hiện dựa trên quy trình may đo nghiêm ngặt do đội ngũ nghệ nhân ở Ý đảm trách. Với chất liệu cotton-linen vừa mềm mại nhưng cũng vô cùng bền bỉ, thiết kế này sẽ mang đến cho cánh mày râu một phong thái tự tin cùng sự quyến rũ khó cưỡng của những chàng cao bồi miền Tây phóng khoáng.
Áo thun: Sébline
Trước khi thành lập hãng thời trang riêng, Charles Sébline từng có thời gian làm việc cho hai “ông lớn” Yves Saint Laurent và Tom Ford. Tuy vậy, những thiết kế của Sébline không bị ảnh hưởng bởi sự hào nhoáng đến từ hai nhà mốt kể trên, mà tập trung vào tính giản đơn và sự thoải mái. Cụ thể, chiếc sơ-mi cổ trụ bằng vải cotton hai lớp mang lại cảm giác khỏe khoắn, trẻ trung nhưng cũng rất phù hợp cho các sự kiện đặc biệt.
Cửa hiệu thời trang: Beige Habilleur
Trang phục nam giới đang trở nên đa dạng hơn bao giờ hết, nhưng phần lớn các địa điểm trải nghiệm thời trang nam đều được xây dựng theo khuôn mẫu khá cứng nhắc. Hiểu được nhu cầu này của người tiêu dùng, cửa hiệu Beige Habilleur tại Pháp chính là “thánh địa” dành cho các tín đồ thời trang yêu thích sự trẻ trung, năng động. Mọi sản phẩm trưng bày tại đây đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, từ phong cách đến chất liệu. Các mẫu giày hợp tác với Edward Green và bộ sưu tập áo khoác Teba mang thương hiệu Justo Gimeno đến từ Tây Ban Nha là những thiết kế thời trang không thể bỏ qua.
Giày: John Lobb
Giữ vững vị trí của mình trong ngành sản xuất giày suốt 156 năm qua, John Lobb chưa một lần làm giới mộ điệu thất vọng bởi những xuất phẩm giày hợp xu hướng nhưng vẫn giữ được chất riêng vốn có. Giày chukka da lộn tinh tuyển, đôi oxford kết hợp đế Goodyear cao cấp, double-monk với tạo hình thời thượng,… là những mẫu thiết kế mang tính biểu tượng và làm nên di sản cho John Lobb.
Cửa hiệu thời trang: Casa Cucinelli
Brunello Cucinelli đã tân trang cửa hàng nằm trên Đại lại số 5, New York thành điểm hẹn trang nhã. Casa Cucinelli là một không gian riêng tư, sang trọng và gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Khách hàng có thể mua sắm dường như mọi thứ được trưng bày tại đây, từ bộ sưu tập cho quầy bar và bàn ăn làm từ sừng trâu hay gốm Umbria, đến những bộ sưu tập thời trang và phụ kiện đương thời. Nhâm nhi một ly Brunello và thưởng thức món bruschetta nóng giòn sau đó thoả sức đắm mình trong thú vui mua sắm quả là một ý tưởng tuyệt vời dành cho các tín đồ sành điệu.
Trang phục thể thao: Ron Dorff
Đối với cánh mày râu, việc chọn được một bộ trang phục thể thao ưng ý và vừa vặn quả là điều không hề dễ dàng. Cùng với sự kiện khai trương cửa hiệu tại New York, Ron Dorff đã cho ra mắt bộ sưu tập thời trang thể thao hướng đến mọi phong cách và cá tính của khách hàng. BST lấy cảm hứng từ trang phục thi đấu của các cựu vận động viên nổi tiếng như Björn Borg hay Steve McQueen, kết hợp cùng phong cách may đo kiểu Pháp trên nền vải mềm mại và thoáng mát như cotton hay polyester, không chỉ tôn vinh dáng vóc người mặc mà còn mang lại cảm giác thoải mái khi vận động.
Máy bay do Jet Edge cung cấp, chụp tại sân bay Van Nuys; flyjetedge.com.
Bộ ảnh được chụp tại 9322 Hazen Drive ở Beverly Hills, hiện được niêm yết với giá 11,9 triệu đô la tại Compass; donhellergroup.com.
Người mẫu: David Enrico
Biên tập viên phong cách: Kareem Rashed
Giám đốc casting: Luis Campuzano
Biên tập viên thị trường cao cấp: Luis Campuzano
Trang điểm: Valery Gherman
Trợ lý hình ảnh: Hunter Zieske
Trợ lý thời trang: Darryl Anderson
Thành tựu trọn đời: Virgil Abloh
Sự ra đi của “ông hoàng thời trang đường phố” Virgil Abloh đã để lại cho làng mốt không ít bất ngờ và tiếc nuối. Giới yêu thời trang dường như “chết lặng” trong đau buồn bởi ít ai biết rằng nhà thiết kế đã âm thầm chiến đấu với căn bệnh ung thư trong suốt gần 2 năm. Có thể nói, ông là người gây ảnh hưởng lớn đến cách ăn mặc của cánh mày râu trong thập kỷ qua. Các bộ sưu tập của Abloh dành cho Louis Vuitton luôn có sự khác biệt khi ông luôn biết cách mang sự xa xỉ vào thời trang đường phố. Đồng thời, nhờ sự hợp tác lâu dài với các thương hiệu – từ Nike, Ikea cho đến Mercedes-Maybach – phạm vi tiếp cận của Abloh đã vượt xa ra khỏi thế giới thời trang cao cấp. Mọi dấu ấn của Abloh – từ thương hiệu thời trang Off-White do ông thành lập với khả năng càn quét thế giới xa xỉ cho đến vị trí Giám đốc sáng tạo mảng thời trang nam tại Louis Vuitton vào năm 2018 – đều là những yếu tố quan trọng cho thấy tài năng thiên bẩm và khả năng phá vỡ mọi giới hạn trong thời trang của nhà thiết kế quá cố.