Ánh đèn rọi sáng sân khấu của một quán rượu xập xệ, chàng ca sĩ cất lên tiếng hát khơi lòng, căn phòng có chút nào đó ấm áp hơn. Một người sống, một di ảnh, một tiếng động. Đám người che mình trong làn sương mờ ảo phủ kín hai bên bờ sông. Người trong quán nín thở, chờ đợi những diện mạo mới từ bàn tay được mệnh danh là “boy wonder” của thời trang. Từ một bóng đen thành một dáng người. Anh dừng chân, gập người xuống, bờ vai cong lên nuốt lấy những hơi thở buốt giá.
Những người mẫu xuất hiện.
Đó là phần mở màn của buổi trình diễn bộ sưu tập Artisanal 2024 của Maison Margiela.
Bộ sưu tập đặt bối cảnh đêm London bị kẹt giữa hiện tại và quá khứ thời kì Victoria. Với những thiết kế mạnh bạo mang tính chất biểu diễn, phần đẹp phần lạ, John Galliano kết hợp những sự đối nghịch trong cùng một thiết kế và bộ sưu tập, khiến những yếu tố trở nên hài hòa và hoàn thiện lẫn nhau.
Bộ sưu tập cho ra mắt nhiều thiết kế sử dụng vải xuyên thấu như tuyn và organza. Dù bao phủ toàn thân, đây là những bộ quần áo để lộ, chứ không phải để che. Qua màn vải mờ, cái đẹp của hình thể con người được tôn lên, như bức tranh được treo trong chiếc khung tinh tế. Những chiếc váy rủ xuyên thấu được phối với corset, hai sự đối nghịch trong cấu trúc – một bên mềm mại, gần như vô hình, trong khi một bên chắc chắn, tạo nên hình thể. Sự kết hợp này cũng được thử nghiệm trên trang phục nam, với phụ kiện vải tuyn và corset.
Đặc biệt, Look 6 sử dụng vải tuyn để mô phỏng lại hình dáng của khung váy crinoline. Thiết kế này biến những chiếc khung cứng cáp, có tác dụng tạo và dữ dáng váy bồng, thành yếu tố trang trí, nhẹ nhàng và mỏng manh. Biến đồ mặc trong thành đồ mặc ngoài.
Khi nghĩ về thời kì Victoria, có thể những hình ảnh đầu tiên trong trí nhớ hiện đại sẽ là những bộ quần áo lộng lẫy, những bữa tiệc long lanh ánh thủy tinh và những cử chỉ thanh lịch. Tuy nhiên, với bộ sưu tập này, John Galliano đưa lên sàn diễn quốc tế một mặt trái của thời đại. Một London tối tăm, lạnh lẽo và bí ẩn, với những bóng người bước đi chệnh choạng. Yếu tố trang phục của tầng lớp lao động thời Victoria được thể hiện trên sàn diễn như chiếc áo len tay bồng, bộ vest xám nâu, và những chiếc mũ newsboy và bowler.
Sự trái ngược về tầng lớp được nhấn mạnh ở Look 28. Thiết kế có hình thù một chiếc áo khoác dài lộng lẫy, xa hoa với chiếc mũ cùng bộ, như trang phục của một quý cô London khá giả. Dù vậy, chất vải được xử lí để có những đường gập rãnh và tơ rách, như thể ai đó đã nhặt một tấm bìa các tông bị vứt bên đường và xé ra, làm thành bộ áo. Có thể nói đây là sự phối hợp đầy khiêu khích, khiến người xem phải suy nghĩ về bối cảnh và tính chất của bộ trang phục.
Thể hiện rõ nhất hai thái cực của bộ sưu tập chính là lời mở đầu và lời kết của buổi trình diễn: Look 1 và Look 45. Đối ngược hoàn toàn về màu sắc, Look 1 lấy màu chủ đạo là đen than trong khi Look 45 lấy màu trắng bóng.
Mang yếu tố của trang phục lao động, Look 1 bao gồm chiếc quần đen ống côn, đôi loafer cổ điển và chiếc mũ newsboy. Nhưng một điểm nhấn đặc biệt của bộ trang phục này là chiếc corset thắt chặt, sơ vin vào quần rộng đùi, tạo nên hiệu ứng vòng eo hóp nhỏ. Mặc dù dáng người đồng hồ cát thường là biểu tượng cho sắc đẹp lí tưởng của phụ nữ, người mẫu nam Leon Dame trong bộ trang phục này mang nét khơi gợi bí hiểm và kì dị.
Ngược lại, với sự long lanh và lộng lẫy, Look 45 có thể khiến người ta liên tưởng đến chiếc váy cưới. Người có công biến màu trắng thành màu váy cưới không ai khác chính là Nữ Hoàng Victoria, khi bà mặc một chiếc váy trắng trong đám cưới với Công Tước Albert xứ Sachsen. Vì dễ bám bẩn và ngả phai, màu trắng thời đó là biểu tượng của sự giàu sang, chỉ dành cho các cô dâu thượng lưu. Look 45 gợi lại câu chuyện đó. Với chất liệu organza bóng bẩy và xuyên thấu, cùng với miếng cổ cứng, chiếc váy sáng lên như thể làm bằng nhựa dẻo, uốn theo từng cử động uyển chuyển và nghệ thuật của người mẫu Gwendoline Christie.
John Galliano đã trình bày ở nhà Maison Margiela một trải nghiệm về sự đối nghịch, về sự giao thoa của tâm hồn bên trong và trang phục bên ngoài. Bộ sưu tập mang đến chiều sâu của nghệ thuật thời trang và những sáng tác mới cho những gì đã qua.
Nguồn ảnh: Maison Margiela