Vào thứ 2 đầu tiên trong tháng 5, mọi ánh mắt sẽ hướng về New York trong sự chờ đợi và hứng khởi, bởi đây là MET Gala 2024, một trong những sự kiện được mong đợi nhất trong giới thời trang, nơi những ngôi sao đình đám sẽ cho khán giả chứng kiến một màn trình diễn nghệ thuật đỉnh cao.


Sự kiện đình đám này khởi nguồn từ bữa tiệc tối mang tên "Costume Institute Gala" vào năm 1948, được tổ chức bởi Eleanor Lambert nhằm gây quỹ cho Viện nghiên cứu Trang phục của Bảo tàng Nghệ Thuật và Trang Phục Metropolitan (hay còn được gọi là Bảo tàng MET). Với giá vé là 50 USD một người, bữa tiệc khiêm tốn đó thu hút những người yêu mến và muốn đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật. Đến những năm 1970, dưới sự chỉ đạo của nguyên Tổng biên tập Vogue Diana Vreeland, MET Gala đã phát triển thành một "Giải Oscars của thời trang," phản ánh những phong cách và trường phái nghệ thuật có ảnh hưởng trong ngành và thị trường. Bà cũng là người đầu tiên tổ chức MET Gala theo những chủ đề được công bố trước đó.


Giờ đây, sự kiện được Bảo tàng Nghệ Thuật và Trang Phục Metropolitan kết hợp với Tạp chí Vogue tổ chức thường niên với giá vé tham dự là 50.000 USD/người. Ngoài việc gây quỹ cho bảo tàng phục vụ những hoạt động và triển lãm trong tương lai, vì lợi ích đưa những kiệt tác vượt thời gian đến với công chúng, đây còn là dịp để những nhà thiết kế và người nổi tiếng thể hiện phong cách và thẩm mỹ của bản thân trên thảm đỏ dẫn đến Bảo tàng MET.

 


Nơi tề tựu của những ngôi sao


Danh sách khách mời đến dự buổi lễ được Tổng biên tập Vogue Anna Wintour chọn lọc vô cùng kỹ lưỡng, có thể là những ngôi sao ca nhạc, người mẫu, nhà thiết kế, hay thậm chí những chính trị gia và nhà hoạt động xã hội. Họ bước trên thảm đỏ dẫn vào bảo tàng trong những bộ cánh độc đáo, dựa theo dress code của bữa tiệc. Dress code của MET Gala không đơn thuần chỉ là màu sắc hay kiểu dáng, mà để thể hiện những góc nhìn, tài năng, và nghệ thuật thiết kế thời trang. Tại lễ hội, các khách mời và nhà thiết kế được thử thách với những chủ đề sâu sắc và thú vị.

Rihanna tại MET Gala năm 2015 trong thiết kế của Guo Pei. TIMOTHY A. CLARY/AFP/Getty Images

Với mỗi kỳ lễ hội, Tổng biên tập Anna Wintour cũng sẽ trao nhiệm vụ Đồng Tổ Chức (co-chair) cho một số nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn. Năm nay tới lượt Zendaya, Bad Bunny, Chris Hemsworth và Jennifer Lopez đảm nhiệm trọng trách này. Ngoài những gương mặt thân quen của bữa tiệc, MET Gala 2024 sẽ đón thêm những nhân vật mới như diễn viên Lily Gladstone - nổi tiếng với màn trình diễn trong phim Killers of the Flower Moon và Ayo Edebiri của The Bear. Chưa hết, những cái tên quen thuộc như Olivia Rodrigo, Uma Thurman, Cara Delevingne, Kendall Jenner and Sarah Paulson chắc hẳn cũng sẽ được gọi tên trên thảm đỏ MET.


Qua mỗi năm, những tài năng sẽ lộ diện trên bậc thềm thạch cao trắng. Khi diện chiếc váy choàng họa tiết hoàng bào của nhà thiết kế Guo Pei đến Gala năm 2015 với chủ đề China Through the Looking Glass (tạm dịch là Trung Hoa Qua Lăng Kính), Rihanna đã khiến thế giới sửng sốt vì vẻ uy nghiêm tráng lệ mà quyến rũ của châu Á thời hoàng kim. Hay tại MET Gala 2019, Lady Gaga cho tất cả mọi người chứng kiến một bài học về tính trình diễn, chủ nghĩa tối đa và lạ kỳ của phong cách Camp.


Năm nay, những nét cổ điển được đưa trở lại sàn catwalk cùng các cải tiến công nghệ đột phá. Theo đó, dress code của MET Gala sẽ bộc lộ những nỗi trăn trở, nuối tiếc và nổi loạn đã trở thành não trạng của thời đại. Dựa trên tác phẩm văn học mang tên The Garden of Time (tạm dịch là Khu Vườn Thời Gian) của nhà văn J. G. Ballard, chủ đề của MET Gala 2024 hẳn sẽ khiến các nghệ sĩ, khách mời, nhà thiết kế, và cả khán giả theo dõi phải lắng tâm suy nghĩ.



Khu Vườn Thời Gian - Chủ đề của MET Gala 2024


Chủ đề năm nay của MET Gala - Khu Vườn Thời Gian - được lấy cảm hứng từ truyện ngắn cùng tên năm 1962 của tác giả J.G. Ballard. Trong tác phẩm này, nhân vật chính Bá Tước Axel và vợ ông ngắt những bông hoa trắng với mong muốn quay ngược thời gian về những tháng ngày bình yên trước khi đoàn quân tiến đến dinh thự của họ. Nhưng với mỗi bông hoa ngắt đi, cành cây đó sẽ không bao giờ đơm hoa được nữa, vì dù sao thời gian cũng là thứ tài sản hữu hạn, không thể lấy lại được. Dù biết rằng điều họ lo sợ là không thể tránh khỏi, họ vẫn tiếp tục. Cuối cùng, khi đẩy sập cánh cửa vàng lao vào trong, đội quân chỉ nhìn thấy khu vườn trống trơn không còn một bông hoa và hai bức tượng đá đứng âu yếm trong vòng tay nhau.


Vậy câu chuyện này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh thời trang nói chung và MET Gala 2024 nói riêng?

Bad Bunny tại MET Gala 2023 trong thiết kế của Jacquemus. MIKE COPPOLA/GETTY IMAGES


Sự kiện đình đám này khởi nguồn từ bữa tiệc tối mang tên "Costume Institute Gala" vào năm 1948, được tổ chức bởi Eleanor Lambert nhằm gây quỹ cho Viện nghiên cứu Trang phục của Bảo tàng Nghệ Thuật và Trang Phục Metropolitan.


Thời gian


Được giám tuyển và tổ chức bởi Andrew Bolton, triển lãm thời trang năm nay của Bảo Tàng MET mang tên “Sleeping Beauties: Reawakening Fashion” giới thiệu các bộ trang phục lịch sử được lưu lại từ những thế kỷ trước. Việc lưu giữ, tái hiện lại như thể là một hành động đi ngược với thời gian, cố gắng níu kéo, bảo tồn sự vật mà theo lẽ tự nhiên đã không còn. Mặc cho các nỗ lực vô biên của các nhà sử học, kỹ thuật viên, và chuyên gia giám tuyển, những bộ trang phục ấy vẫn không thể được khoác lên người lần nào nữa, tựa như hình ảnh Bá Tước Axel và Phu Nhân hóa đá vào cuối truyện giờ đây chỉ là những hình tượng còn sót lại từ văn hóa nơi nó được sinh ra. Không bao giờ có thể hoàn thiện như ban đầu.

 

Hoài cổ


Có vẻ như MET Gala năm nay là dịp để các nhà thiết kế tái hiện lại phong cách và phong trào nghệ thuật từ những kỉ nguyên trước. Chính MET Gala năm 2023 với chủ đề cuộc đời và sự nghiệp của nhà thiết kế Karl Lagerfeld đã chứng kiến nhiều ngôi sao đưa những tác phẩm lưu trữ của Chanel trở lại với công chúng, và những nhà thiết kế khác thì thỏa sức sáng tạo, tái hiện lại bộ suit tweed thanh lịch và biểu tượng của Chanel dưới góc nhìn của riêng mình.


Năm nay, triển lãm của Bảo Tàng MET chào đón sự xuất hiện của các thiết kế từ những tên tuổi đình đám như Elsa Schiaparelli, Christian Dior, Yves Saint Laurent và Hubert de Givenchy. Vậy nên, người xem có thể sẽ bắt gặp lại một số bộ trang phục từ kho lưu trữ của những nhãn hàng này. Ngoài ra, chắc hẳn chúng ta cũng có thể mong chờ những cải biên mới trên nền lịch sử từ những nhà thiết kế hiện đại.

Rihanna trong thiết kế của Valentino, trang sức bởi Bulgari và A$AP Rocky trong thiết kế của Gucci tại MET Gala 2023. CINDY ORD/MG23/GETTY IMAGES


Liệu rồi chúng ta cũng sẽ “hóa đá” trong sự tiện dụng vô cảm? Hay chính bữa tiệc đầy mong đợi này là một lời tuyên bố chống lại phong cách nghệ thuật mang tính máy móc và sao chép? Có lẽ, chỉ thời gian mới là câu trả lời chính xác nhất cho những câu hỏi này.


Phù du


Một phần ý nghĩa chủ đạo của chủ đề là về sự phù du của thời trang. So với công trình kiến trúc lịch sử chắc chắn, vải vóc là thứ mỏng manh hơn rất nhiều. Những gì còn sót lại của lịch sử thời trang chỉ là một lát cắt bé nhỏ trong suốt chiều dài của lịch sử loài người.


Để thể hiện được tầng ý nghĩa này, các nhà thiết kế có thể sẽ mượn cảm hứng từ những nền văn hóa đã qua như Zuhair Murad để tìm về nền văn minh Phoenicia với bộ sưu tập Couture cho Mùa Xuân 2024. Hay họ sẽ nhắc nhở chúng ta mũi tên thời gian chỉ phi thẳng về phía trước với bộ váy hình dạng chiếc đồng hồ quả lắc của Moschino Thu 2022, hoặc gợi lại tác phẩm văn học chủ đề bằng thiết kế của Robert Wun với lớp vải voan trong suốt in những dòng chữ thư pháp đen.

 

Đó còn là tính phù du của trào lưu, nơi thời trang là một dòng nước chảy xiết, luôn luôn thay đổi, luôn luôn hối hả. Liệu MET Gala 2024 sẽ chứng kiến những màn biểu diễn biến hoá trang phục như Lady Gaga đã làm vào năm 2019 với thiết kế của Brandon Maxwell chăng? Việc thể hiện được những tầng ý nghĩa này qua trang phục sẽ là điều được mong đợi trên thảm đỏ năm nay.

 

Tinh thần điển lễ


Tinh thần hoài cổ trở nên phổ biến khi thời đại công nghệ mang đến những hoang mang về việc máy móc thay thế con người. Ngay từ Bộ Sưu Tập thứ 13 của Alexander McQueen ra mắt vào năm 1998 cho mùa xuân năm 1999, nhà thiết kế huyền thoại này đã cảnh tỉnh về sự lên ngôi của máy móc. Khi hai cánh tay robot liên tục phun sơn lên chiếc váy trắng tinh, người mẫu Shalom Harlow chỉ có thể gồng lên chống đỡ trong vô vọng, như minh chứng cho sự bất lực của nghệ thuật sáng tạo trong một thế giới ngày càng máy móc. Giờ đây, nỗi sợ của nhân loại không chỉ đơn thuần là cỗ máy có thể móc chỉ hay phun màu nhanh hơn người bình thường nữa, mà là các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Những nghệ sĩ đang hàng ngày phải đấu tranh cho giá trị và tác phẩm của mình.

 

Trên sàn catwalk cũng vậy. Thời gian gần đây, những nhà thiết kế hàng đầu tập trung nhiều đến vẻ đẹp cổ điển và gợi nhớ những kiệt tác trong quá khứ. Với hai bộ sưu tập dành tặng cho anh trai quá cố, Donnatella Versace đã đưa tinh thần sáng tạo và cách tân từ những tác phẩm nổi tiếng của Gianni. Hay khi Alessandro Michele đưa hơi thở vui nhộn của thập niên 1970 đến với Gucci. Và cả lá thư tình của Peter Hawkings chất chứa vẻ tinh tế trường tồn, không rườm rà được tái hiện qua những bộ sưu tập đầu tiên của Tom Ford.


Phải chăng vì cảm nhận được tinh thần sống chết vì nghệ thuật của các nhà thiết kế, mà Bảo tàng Metropolitan đã đánh thức những bộ váy áo lịch sử từ giấc ngủ băng giá? Những bộ trang phục tồn tại vượt thời gian để nhắc lại cho chúng ta về vẻ đẹp của sự sáng tạo.

Màn trình diễn của Lady Gaga tại MET Gala 2019 với những thiết kế của Brandon Maxwell. Theo Wargo/Getty Images

Dù thế nào đi nữa thì MET Gala 2024 cũng sẽ là dịp để các nhà thiết kế thỏa sức thể hiện những cảm xúc, suy tư về quá khứ, tương lai, và tâm hồn nghệ sĩ với những lo âu, trăn trở.