Trước khi trở thành những tên tuổi có tiếng với lượt khách hàng chen vai nhau để được sở hữu các tác phẩm của họ, năm nhà thiết kế dưới đây – James de Givenchy của Taffin, Fernando Jorge, Mish Tworkowski của Mish Fine Jewelry, Sylvie Corbelin, và Emmanuel Tarpin – từng là sinh viên, chuyên viên đấu giá, nghệ nhân xưởng, và nhà buôn đồ cổ với tình yêu mãnh liệt dành cho trang sức, và con mắt sáng tạo cùng tham vọng cho thế giới thấy những điều mới mẻ.


Gần đây, Robb Report đã ngồi xuống cùng năm nhà thiết kế và nghe những câu chuyện về các tác phẩm đầu tay và ý tưởng ban đầu về nhãn hàng riêng của họ. Trong một số trường hợp, bước khởi điểm của họ là ở trường thiết kế. Với những người khác, họ đã đảm nhiệm công việc bình thường vào ban ngày, nhưng ban đêm chong đèn hì hục với những công trình bí mật của họ.


Và trong tất cả các trường hợp, những thiết kế cho ra mắt đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng khách hàng, cố vấn và nhà sưu tầm để tức thời đưa họ đến tầm cao của trang sức đẳng cấp, nơi họ vẫn đứng vững cho đến ngày hôm nay.



James de Givenchy, Taffin tại New York và Miami

TAFFIN

Vào những năm 1990, khi còn làm việc tại Christie’s ở Los Angeles, ông đã quyết định sẽ thiết kế và sản xuất trang sức. "Tôi có cơ hội quen biết Jim là thợ kim hoàn cho hãng Van Cleef & Arpels ở Beverly Hills, và đã ngỏ ý muốn học làm nghệ nhân xưởng," James chia sẻ.

 

"Tôi từng đến xưởng chế tạo của ông vào ban đêm bằng việc lái xe từ những ngọn đồi tới Venice, nơi Jim đặt xưởng. Tôi vẫn còn nhớ những ngày mùa đông, trời tối rất nhanh. Venice khá nguy hiểm nhưng tôi vẫn đến. Trong xưởng chỉ có khoảng ba nghệ nhân đang chú tâm chế tạo các sản phẩm và tôi làm việc với họ," James nhớ về những ngày đầu khi bắt đầu học việc để trở thành nghệ nhân.

 

Tuy nhiên, sau một thời gian làm tại xưởng, ông nhận ra mình không có khiếu làm thủ công mỹ nghệ. Nếu học sẽ phải mất rất lâu. "Tôi không có nhiệt huyết với công đoạn đó, nhưng lại nhiệt huyết với việc tạo nên thành quả. Và tôi nghĩ nếu biết vẽ, mua đá, và có kiến thức tốt về lịch sử trang sức, quá trình chế tạo và các quy trình, tôi có thể thuê những nghệ nhân đó làm giúp mình."

 

Tác phẩm đầu tiên của ông là chiếc ghim cài áo hình ngôi sao biển được mô phỏng bằng đất sét. "Lúc đó, Boivin đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi vẫn làm việc tại Christie’s ở Los Angeles. Tôi đến cửa hàng trang sức ở trung tâm L.A. để mua những viên đá quý nhỏ như citrine, tourmaline, các viên tròn khác, và đã tạo ra một thiết kế pavé (kĩ thuật đặt các viên đá sát nhau, không để lộ nền ở dưới)," James nói.

 

"Tôi tạo khuôn sáp và đặt các viên đá lên nhưng thành quả trông khá là vụng về," James kể lại. Ở thời điểm ấy, ông đã gặp một người bạn làm trang sức ở Quận Orange, và người bạn này đã giúp ông. "Chúng tôi cùng nhau làm khuôn sáp, rồi đặt hết các viên đá lên. Nhưng sau đó, tôi đổi sang thiết kế ajouré (kĩ thuật đặt các viên đá để vẫn lộ nền ở dưới)," ông nói. Bởi ảnh hưởng từ cả Boivin và Belperron, ông muốn sắp xếp chính xá, tỉ mỉ vị trí từng viên đá lên bề mặt khuôn để tạo một quy luật. Vì thế, ông và người bạn của mình đã phải cắt quanh từng viên đá. Đây là một công đoạn mất rất nhiều thời gian.

 

"Chúng tôi rất tự hào khi hoàn thành xong mẫu thiết kế đó," James chia sẻ. Sau đó, ông đã bán nó cho một khách hàng nữ và thậm chí bà còn hỏi ông còn món trang sức nào để bán nữa không. Vài năm sau, ông biết được rằng vị khách này đã bán tác phẩm đầu tay của ông cho Fred Leighton. Sau đó, khoảng những năm 1999, 2000, nó được bán tại một buổi đấu giá của Sotheby’s. "Tôi được biết tác phẩm của mình đã được bán với giá cao hơn nhiều so với giá bán lúc đầu của mình. Đó là một điều tuyệt vời," James nói.



Fernando Jorge, London

FERNANDO JORGE

Lần đầu tiên Fernando Jorge được tiếp xúc với giới trang sức là khi ông học đại học. "Lúc đó, tôi 21 tuổi và vừa chuyển hướng nghề nghiệp từ ngành cung ứng. Tôi nhớ là mình rất thích vẽ. Sau đó, tôi được nhận vào vị trí thực tập sinh tại nơi sản xuất trang sức và bắt đầu thiết kế những bản vẽ kĩ thuật," Fernando kể.

 

Sau sáu tháng, giám đốc xưởng cho ông cơ hội thiết kế sản phẩm của riêng mình. Tác phẩm đầu tay của ông lấy cảm hứng từ hoa phong lan. Hình dáng hoa được tạo bằng dây thép, và từ giữa bông hoa, một dây Venetian nhỏ rủ xuống với điểm kéo ở cuối. "Nhiều năm sau, tôi vẫn định hình các tác phẩm của mình bằng những đường nét đó. Fluid - bộ sưu tập đầu tiên của tôi thể hiện những yếu tố đó," nhà thiết kế chia sẻ.

 

Mẫu thiết kế làm tác phẩm tốt nghiệp đại học của ông là một chiếc nhẫn lấy cảm hứng từ môn võ capoeira của Brazil. Nó được hoàn thiện với những đường chuyển, chất liệu không phổ biến cùng topaz Hoàng Đế - một loại đá quý chỉ có thể tìm thấy ở Brazil. "Khác với lần trước, đây là cơ hội để tôi thể hiện mong muốn thiết kế các mẫu mang đậm chất Brazil," ông nói.

 

Điểm xuất phát giúp khẳng định phong cách của ông là lúc tạo ra bộ sưu tập đầu tiên trong thời gian học chương trình thạc sĩ ở Central Saint Martins năm 2008 – 2009. "Những ý tưởng của tôi sống dậy vào năm 2009, và tôi đã bắt đầu tạo những bộ trang sức có tính quyến rũ, mang đường nét uyển chuyển và đưa vào đó nhiều nét Brazil một cách tinh tế và thu hút. Tác phẩm đầu tiên kết hợp những mảnh quartz trắng sữa kẹp giữa hai dây chuyền rắn vàng 18 karat. Nó trở thành vòng cổ Fluid đặc trưng của tôi và được bán trong buổi thuyết trình tốt nghiệp cho một giáo viên," nhà thiết kế kể lại.



Mish Tworkowski, Palm Beach, Florida

MISH TWORKOWSKI

Mish Tworkowski bắt đầu thiết kế trang sức từ khi còn là một cậu bé như một thú vui và rồi trở thành sự nghiệp của ông. "Hành trình đó có những cột mốc quan trọng," ông nói.


"Khi còn bé, tôi luôn hứng thú với những viên charm đính vòng và yêu thích sưu tầm những thứ tí hon," nhà thiết kế nhớ về thời thơ ấu của mình. Vốn gia đình quen biết một số người bạn sở hữu doanh nghiệp làm trang sức, ông có cơ hội làm việc tại đó trong những tháng hè.


"Công việc đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp đại học là tại Sotherby’s. Làm việc ở Bộ phận Sưu Tầm, ông đảm nhiệm mọi thứ từ thời trang cao cấp đến các món đồ chơi."


Tác phẩm thiết kế đầu tay của ông là chiếc vòng tay xâu charm dụng cụ làm vườn bằng vàng 18-karat. "Tôi hoàn thiện nó vào cuối những năm 1980. Các charm là hình hạt giống, bình tưới và cái xẻng, trông rất dễ thương. Và đó là khởi đầu trên con đường thiết kế trang sức của tôi," ông cho biết.



Sylvie Corbelin, Paris

SYLVIE CORBELIN

"Tôi không thể quên được tác phẩm đầu tiên dưới tên của chính mình. Vào năm 2007, ngoài cửa hàng ở Paul Bert, tôi có một cửa hàng nữa tại Le Bon Marché. Đây là giai đoạn mà tôi thực sự phải kết thúc công việc buôn bán đồ cổ và bắt đầu sự nghiệp thiết kế. Đó là một thay đổi lớn trong cuộc đời," Sylvie Corbelin bắt đầu câu chuyện của mình.

 

Bà sử dụng hình ảnh con rắn để làm nền móng cho thiết kế đầu tay của mình. Loài bò sát tượng trưng cho những nỗi sợ nguyên thủy, quyền lực, sức quyến rũ và những điều thiêng liêng, nhưng trên hết, đối với bà, chúng là biểu tượng của sự biến hóa. Giống như những con rắn, con người chúng ta cũng phải lột bỏ bộ da cũ để có thể thay đổi và phát triển.

 

Chúng ta có rất nhiều thứ phải học hỏi rắn, từ những hành động phức tạp và khả năng sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt. Biến hóa và thay đổi không phải việc dễ dàng, thường là những thử thách mạo hiểm. Từ suy nghĩ đó, bà phác thảo một con rắn cuộn mình nhiều lần. Cái khó khăn trong sản xuất là làm thế nào để có thể giữ được sự tinh tế trong những đường xoắn và độ dày thật ngọt ngào của chất liệu.

 

Và đó là câu truyện về chiếc nhẫn bạc “Initiée” (tạm dịch là: người tiên phong) hình con rắn. "Vì những thành công của thiết kế này, tôi đã biến nó thành logo của riêng mình, và đến giờ nó vẫn là món đồ được ưa chuộng nhất," bà chia sẻ.



Emmanuel Tarpin, Paris

EMMANUEL TARPIN

Emmanuel Tarpin yêu trang sức từ nhỏ và luôn thích thú với những viên đá quý. "Tôi vẫn giữ một bộ sưu tập lớn những viên đá quý amethyst và tourmaline chưa cắt ở nhà bố mẹ tôi," ông chia sẻ. Ông còn tập luyện điêu khắc trong 14 năm, luôn đam mê việc chế tạo đồ thủ công mỹ nghệ, và trang sức với ông như một tác phẩm điêu khắc có thể mặc trên người.

 

"Tôi học giáo dục tổng quát, rồi chuyển sang học tại HEAD - Trường mỹ thuật và thiết kế tại Geneva. Những khóa workshop cho tôi thực hành với vật liệu nhựa, nên không hẳn là trang sức theo nghĩa truyền thống. Chúng tôi không đi sâu vào kĩ thuật xưởng hay làm việc với vàng và platinum, nhưng đó là nơi cho phép tôi khai phóng sự sáng tạo," nhà thiết kế chia sẻ.

 

Sau khi tốt nghiệp vào năm 2014, vì muốn trau dồi kiến thức tường tận về từng công đoạn và kĩ thuật làm trang sức, từ nguồn cảm hứng cho đến thành phẩm, ông bắt đầu làm việc tại một xưởng kim hoàn chế tạo trang sức cao cấp cho Van Cleef & Arpels ở Paris. Họ thường sản xuất những món trang sức cao cấp độc nhất vô nhị. Xưởng làm việc theo cách truyền thống. "Tôi học từ những người thợ giàu kinh nghiệm làm tất cả mọi thứ bằng tay. Lúc đó, những người thợ xem tôi như một người học việc bởi tuổi đời còn khá trẻ. Và tôi thích việc đó," Emmanuel chia sẻ. "Tôi hiểu rằng một sản phẩm có thể qua bàn tay của nhiều người thợ, không phải lúc nào cũng là mỗi người đảm nhiệm một món. Có thợ đính đá, thợ làm bóng, rất nhiều quy trình, và tôi đã được học tất cả."


Ông rời xưởng sau 4 năm và lập nhãn hàng riêng vào tháng 12, 2017.

 

"Tác phẩm đầu tay của tôi là một cặp hoa tai to làm bằng những tấm geranium bọc nhôm, vàng và kim cương. Một tác phẩm khá nổi bật với tấm nhôm được sơn xanh lá, và rất nhẹ," Emmanuel nói về thiết kế đầu tiên của mình.

 

Khi vẫn còn làm việc tại xưởng Van Cleef, Emmanuel vốn đã nghĩ đến việc tạo nhãn hàng riêng. "Tôi muốn kinh doanh nhưng không biết phải bắt đầu thế nào mặc dù luôn có cảm hứng để tạo ra các sản phẩm. Có thể tôi nên hoàn thiện tác phẩm đầu tiên đó và lấy ý kiến từ những chuyên gia thị trường. Lúc ấy, tôi đến New York và nghĩ bụng hỏi những người ở Christie’s thì sao?," ông kể lại.

 

Những người ở Christie's rất thích những món tráng sức từ geranium của nhà thiết kế tới nỗi họ đã ngỏ ý bán chúng tại Magnificent Jewels -một sự kiện mua bán trang sức lớn, vào tháng 12/2017.


"Thông thường các sự kiện như thế này tập trung vào nhãn hàng nổi tiếng với những món đồ đắt giá, đồng thời cũng muốn giới thiệu một tên tuổi mới mẻ. Vì thế, tác phẩm của tôi đã được trưng bày ở nhiều quốc gia. Nhiều người xem rất tò mò về tôi trong khi tôi cảm thấy rất căng thẳng khi đứng giữa những ông lớn trong ngành. Thiết kế của tôi sau đó đã được mua với mức giá hơn cả ngưỡng cao nhất đã được định giá trước đó, và từ đó tên tuổi của tôi được biết đến," Emmanuel chia sẻ về sự kiện đã tạo nên chỗ đứng của ông trong ngành.