Dữ liệu mới nhất ghi nhận tổng thể giá trị của các thương hiệu xa xỉ đều giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo mới được công bố bởi Brand Finance, 50 thương hiệu xa xỉ và cao cấp hàng đầu thế giới đã mất tổng giá trị 7,6 tỷ USD trong bối cảnh suy thoái kinh tế do đại dịch.
Giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 227,1 tỷ USD vào năm 2020 xuống 219,5 tỷ USD vào năm 2021. Dù các hãng thời trang vẫn thống trị bảng xếp hạng với 30 công ty may mặc chiếm 62% trên tổng số, nhưng phần lớn doanh nghiệp đang phải gánh chịu hậu quả của Covid-19 gây ra và buộc phải báo lỗ. Trong đó, Coach là công ty thời trang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với giá trị thương hiệu giảm 31% xuống còn 4,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh khó khăn này vẫn ánh lên những tín hiệu khả quan khi một số thương hiệu vẫn giữ mức tăng trưởng tốt. Hãng xe lừng danh Porsche dẫn đầu bảng với mức tăng trưởng 1,2% giúp nâng tổng giá trị thương hiệu lên 34,3 tỷ USD. Điều này có thể một phần do nhà sản xuất ô-tô đã gia nhập thành công vào lĩnh vực điện khí hóa. Năm ngoái, 20.000 mẫu xe chạy điện Taycan của Porsche đã được bán ra, con số vượt xa mẫu xe 911 tại Mỹ dù sản xuất bị đình trệ suốt 6 tuần.
Tương tự, Ferrari tăng 2% lên 9,2 tỷ USD Trong khi thương hiệu đồng hồ Rolex cũng tăng 0,8% tương đương 7,9 triệu USD. Vào đầu năm 2021, hai gã khổng lồ trong ngành xa xỉ này đã được vinh danh là những thương hiệu đáng tin cậy nhất trên thế giới.
Céline cũng là thương hiệu có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng. Là hãng thời trang xa xỉ phát triển nhanh nhất trong danh sách, Céline đã tăng từ vị trí thứ 34 lên vị trí thứ 13 và có tốc độ tăng trưởng 118% với tổng giá trị thương hiệu là 1,5 tỷ USD. Thành tích đáng nể này phần lớn nhờ vào Giám đốc hình ảnh, nghệ thuật và sáng tạo “đáng gờm” của hãng – Hedi Slimane, người đã tập trung phát triển tệp khách hàng Gen Z trên khắp thị trường châu Á, song song với việc thu hút khách hàng cốt lõi của nhà mốt.
Alex Haigh – Giám đốc định giá của Brand Finance cho biết, trong cái rủi vẫn có cái may. Đại dịch trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi trong toàn ngành; các nhà bán lẻ được khuyến khích tăng cường các dịch vụ thương mại điện tử hoặc phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến xã hội và bền vững.