Để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 25 vào tháng 12, Natalie Belden quyết định du lịch đến Paris cùng bạn trai. Tuy nhiên, sau khi đặt xong chuyến đi, cô gái vốn là đại diện bán hàng dược phẩm có trụ sở tại Washington, D.C. này tình cờ kiểm tra vé của Venice Simplon-Orient-Express (VSOE) - một dịch vụ xe lửa hạng sang vốn nằm trong danh sách mơ ước của mình. “Đó là một đêm từ Vienna đến Paris”. Dù không có ý định đến Vienna nhưng cô vẫn sắp xếp lại hành trình của mình. “Tôi đã đợi chờ giây phút này hàng năm trời rồi”, Belden bộc bạch.


Có điều gì đặc biệt về chuyến tàu lửa này đến vậy? “Thật hấp dẫn khi được đến châu Âu và có được cảm giác của những ngày xưa cũ” - Belden giải thích, “nhưng cũng ở trên chuyến tàu sang trọng, quyến rũ này, bạn có cả cocktail và sâm-panh”. Dù chỉ có thể đặt phòng cabin vốn là loại phòng nhỏ nhất của VSOE, nhưng đây vẫn là trải nghiệm vô cùng khó quên với Belden.

Phòng Grand Suites của VSOE tái hiện không gian gỗ chạm khắc công phu của Vienna
“Có cảm giác như ta đang ở trong một bộ phim, một chuyến đi của Disney vậy. Mọi thứ từ dịch vụ đến ẩm thực đều ấn tượng”.


Chắc chắn là ở Hoa Kỳ, du lịch bằng tàu hỏa thường là lựa chọn cuối cùng. Hầu hết mọi người thà lái xe hoặc đi máy bay hơn là “lăn lộn” trong một chiếc hộp kim loại tốn kém và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, ở châu Âu, châu Á, châu Phi và Úc, ngày càng có nhiều du khách Mỹ giàu có chọn đường sắt vì những lý do sau: tốc độ chậm, hoài niệm ngày cũ và những trải nghiệm thượng lưu. Trong thế giới của những chuyến du lịch đường sắt xa hoa, một đêm trên toa xe giường nằm 100 năm tuổi có thể “ngốn” hơn 15.000 USD – và ngày càng có nhiều chuyến tàu được đặt hết chỗ trước hàng tháng trời.

Ý tưởng con tàu G-Train mang phong cách vị lai do nhà thiết kế siêu du thuyền Thierry Gaugain sáng tạo nên.

Dẫn đầu trong việc mở rộng thị trường châu Âu là Belmond, nhà điều hành du lịch hạng sang thuộc sở hữu của LVMH; và Accor, tập đoàn khách sạn của Pháp – cả hai đều sử dụng tên thương hiệu Orient Express.


Những hoài niệm về chuyến tàu nổi tiếng từ Paris đến Istanbul được bất tử hóa bởi cuốn sách bán chạy nhất năm 1934 của Agatha Christie - Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông. Christie là một hành khách thường xuyên đi cùng chồng là nhà khảo cổ học của bà đến Syria và Iraq. Các dịch vụ đương thời đang cố gắng tái hiện thời kỳ hoàng kim của du lịch ngày ấy, với nhiều đồ khảm, sơn mài và pha lê hơn những gì người ta có thể tìm thấy trên Amtrak hoặc mạng lưới xe lửa tại các nước châu Âu.


Simon Pielow, Giám đốc của Luxury Train Club, một công ty du lịch có trụ sở tại Anh, cho rằng sự quan tâm ngày càng tăng đối với phong trào du lịch chậm và mong muốn tìm được “bạn đồng hành vui vẻ, tái khám phá sự lãng mạn và ăn mặc đẹp”.

Toa quán bar đầy hoài niệm trên con tàu The Golden Eagle.
Ở châu Âu, châu Á, châu Phi và Úc, ngày càng có nhiều du khách Mỹ giàu có chọn đường sắt vì những lý do sau: tốc độ chậm, hoài niệm ngày cũ và những trải nghiệm thượng lưu.


Để đáp ứng nhu cầu, Belmond đang bổ sung thêm các cabin mới cho đoàn tàu VSOE vốn đã thống trị thị trường tàu lửa hạng sang của châu Âu trong 40 năm qua. Năm 1982, James Sherwood, một ông trùm vận tải container và là chủ sở hữu của khách sạn Cipriani ở Venice, đã quyết định hồi sinh tàu Oriental Express để chở khách từ Paris đến thành phố nổi tiếng của Ý này. Dịch vụ ban đầu được thành lập vào năm 1883 bởi Georges Nagelmackers, một doanh nhân người Bỉ, người đã mang khái niệm tàu hỏa giường nằm Pullman của Mỹ đến châu Âu. Tuy nhiên, dịch vụ bị đóng cửa vào những năm 1970 trước sự ra đời của du lịch hàng không giá rẻ.


Gary Franklin, Phó chủ tịch phụ trách tàu hỏa và du ngoạn của VSOE, cho biết Sherwood “bắt đầu có một cuộc chạy đua để mua các toa tàu nguyên bản và khôi phục chúng. Ngày nay, những toa giường nằm đã được khôi phục, trong đó có những toa lâu đời nhất từ năm 1926, sở hữu 72 cabin – loại mà Belden cho là mình may mắn đã trải nghiệm – với những chiếc ghế có thể chuyển thành giường tầng và phòng tắm chung ở hành lang. Giá khởi điểm từ khoảng 4.100 USD/người/đêm. Từ 2018-2021, một số toa tàu nguyên bản đã được chuyển đổi thành sáu cabin sang trọng có phòng tắm riêng được gọi là Grand Suite, với giá lên tới 12.200 USD/người. Vào tháng 6, một danh mục các toa hạng trung sẽ ra mắt, với giá từ khoảng 8.072 USD/người. Hầu hết các chuyến tàu chạy qua đêm liên kết nhiều thành phố châu Âu, với vài tuyến dài hơn có điểm bắt đầu và kết thúc ở Paris. VSOE còn thực hiện hành trình Paris - Istanbul chỉ một lần/năm.


Franklin cho hay “các đoàn tàu VSOE giống như những tác phẩm nghệ thuật. Các dãy phòng mới sẽ có phòng tắm riêng lát đá cẩm thạch và sảnh khách có thể chuyển đổi thành giường đôi hoặc 2 giường đơn”. Đồ trang trí được thiết kế theo chủ đề tự nhiên, chẳng hạn như “màu xanh nhung rực rỡ và hoa khảm cầu kỳ” trong Cabin La Campagne.


Các toa Grand Suite đều có chủ đề xoay quanh một thủ đô châu Âu, đi kèm với hệ thống sưởi dưới sàn, khu vực ăn uống riêng, rượu sâm-panh uống không giới hạn, trứng cá muối chào mừng và dịch vụ tài xế đưa đón. Các nghệ nhân từ các xưởng chế tác ở Paris đã thiết kế mọi chi tiết – từ đồ khảm, nội thất sơn mài cho đến thủy tinh Lalique. Belmond dự định bổ sung thêm nhiều toa Grand Suite trong những năm tới.

Thiết kế phòng lounge của đoàn tàu Orient Express La Dolce Vita do Tập đoàn Accor vận hành.

Nhu cầu trải nghiệm những chuyến tàu sang trọng tăng cao đến mức VSOE đang có một đối thủ mới. Venice Simplon-Orient- Express (cái tên xuất phát từ Đường hầm Simplon, nối Brig, Thụy Sĩ, với Domodossola, Ý, qua một lối tắt dưới Đèo Simplon, dù ngày nay VSOE đi theo lộ trình khác qua dãy An-pơ) được SNCF, công ty đường sắt quốc gia Pháp, cấp phép cho Belmond. Sau lần hợp tác đầu tiên với SNCF vào năm 2017 để phát triển thương hiệu Orient Express, Accor hiện đang nắm quyền kiểm soát tên gọi này.


Accor dự định áp dụng tên thương hiệu cho nhiều trải nghiệm du lịch sang trọng, bao gồm khách sạn và du thuyền buồm cũng như hai chuyến tàu tốc hành Phương Đông, giống như VSOE, được tạo thành từ những toa tàu cổ đã được tân trang lại. Đầu tiên, một chuyến tàu của Ý có tên là Orient Express La Dolce Vita, sẽ ra mắt vào năm 2024, cấu thành từ những toa tàu của những năm 1970. Tuyến thứ hai, được gọi đơn giản là Orient Express, sẽ ra mắt vào năm 2025, chạy trên một tuyến khác với VSOE, giữa Paris và Istanbul. Guillaume de Saint Lager, Phó chủ tịch Orient Express của Accor, cho biết, Orient Express mới của Accor sẽ đi qua Munich và Vienna, dừng lại hàng ngày để trải nghiệm những nhà máy rượu vang và các lâu đài tráng lệ. Ngược lại, VSOE dừng chân ở Bucharest và Budapest, nơi hành khách nghỉ đêm trong các khách sạn năm sao.


Accor sẽ bắt đầu mở các khách sạn mang thương hiệu Orient Express tại những nơi có tàu hỏa ghé qua. Orient Express La Minerva sẽ khai trương tại Rome trong năm nay, và Orient Express Palazzo Donà Giovannelli ở Venice sẽ mở cửa ngay sau đó.