Một New York đẳng cấp đang khiến ta phải kinh ngạc bởi sự hỗn độn chưa từng có…
Hai tháng trước khi di chuyển từ Nhật Bản đến New York, tôi đã có dịp trải nghiệm thành phố này. Những dòng ghi chú của tôi về thành phố này có nội dung tóm gọn như sau: “Xe cảnh sát hú còi, trực thăng quần thảo. Vỉa hè xô lệch, những công trình xây dựng ngổn ngang, những chiếc taxi phóng nhanh và phanh gấp. Hệt như một thành phố loạn lạc ở một quốc gia phát triển”.
Tuy nhiên, trong mớ hỗn độn ấy vẫn còn hiện diện những khoảnh khắc đáng nhớ. Đó là khi một anh cảnh sát đã đích thân lái xe đưa tôi len qua cuộc diễu hành nhân Ngày lễ Columbus khi tôi vừa mới xuống máy bay. Và đó là những gì khiến tôi yêu mến New York. So với hai thành phố trước đây mà tôi từng sống là Luân Đôn và Tokyo, New York quả thật bẩn thỉu và ồn ào dù khá cởi mở với tinh thần tự do.
Tôi nhanh chóng thích nghi, nhưng có một thắc mắc mà tôi chưa có câu trả lời. Những người dân New York mà tôi gặp dường như vô cảm trước những con đường hư hỏng, những núi rác khổng lồ cùng làn sóng vô gia cư hỗn độn. Họ có tức giận đấy, nhưng là về một điều hoàn toàn khác: thành phố dường như đã đánh mất linh hồn và linh hồn đó đã bị bán hết cho Phố Wall. Nếu không tin, bạn hãy thử mở tờ The New York Times hay đến các quán bar từ Upper West Side đến Brooklyn để cảm nhận. Và tên của con quái vật chính là Hudson Yards (siêu đô thị đắt đỏ nhất nước Mỹ được xây dựng trên một khu đường sắt). Cho đến khi Amazon tống cổ 25.000 lao động, nỗi căm hận của mọi người đối với các nhà phát triển bất động sản mới lên đến đỉnh điểm.
Nhưng chắc chắn rằng New York – nơi các vấn đề về chất lượng đường sá hay sập giàn giáo dường như không được xử lý, dù trong tâm khảm mọi người luôn ngự trị định danh “Thành phố vĩ đại nhất thế giới”. Tôi hỏi chuyện một tân cư dân của New York, Giáo sư Lesley Lokko, vị hiệu trưởng người Anh gốc Ghana của Trường Kiến trúc Spitzer thuộc City College of New York. Từng sống ở Johannesburg, Luân Đôn, Accra, Chicago và Los Angeles trước khi chuyển đến Harlem vào tháng Giêng, Lokko cho biết bà cũng đang trải qua sự bất hòa về nhận thức. So với các thành phố quốc tế khác, bà cho rằng New York là “một nơi bị lãng quên”, nơi “dường như không ai quan tâm đến không gian công cộng”.
Bà chia sẻ về cảm giác tồi tệ của mình ở thành phố này. Đó là khoảnh khắc bà bị một gã đàn ông nhìn trộm khi đang đổ rác. Một người bạn khác chia sẻ cảm giác thất vọng khi nhắc đến câu chuyện của vợ mình, người sau khi kể về hành vi xâm hại tình dục trên tàu điện ngầm đã nhận lại câu nói như thế này: “Xin chúc mừng, giờ đây bạn là người New York!”. Sự hài hước này có lẽ là cơ chế phòng thủ của cư dân thành phố.
Thật kinh ngạc khi thị trường bất động sản hạng sang cho thuê ở New York được xem là đắt đỏ nhất thế giới. Theo Savills, giá thuê bất động sản hạng sang – được xác định thuộc top 5% thị trường xét về khía cạnh giá – là 1,95 USD/foot vuông/tuần ở New York, theo sau là 1,75 USD ở Hồng Kông, 1,36 USD ở Tokyo và Los Angeles, và 0,98 USD ở Luân Đôn. Với mức giá tương tự như căn hộ hai phòng ngủ của tôi ở khu Lower East Side của Manhattan, nơi sở hữu tầm nhìn hướng ra một nhà hàng sao Michelin, hai ngân hàng thực phẩm miễn phí cho người nghèo, tôi có thể thuê một căn nhà năm phòng ngủ ở Notting Hill, Luân Đôn. Với mức giá tương tự, tôi đã có thể thuê một căn nhà năm phòng ngủ ở trung tâm Tokyo, trên một con phố vắng bên một ngôi chùa ẩn dưới rặng tre, nơi thỉnh thoảng có tiếng ồn ào duy nhất là tiếng chuông chùa vang vọng.
Ở Nhật Bản, một nơi ít có tình trạng thất nghiệp và gần như không có rác rưởi hay tội phạm đường phố, sự nghèo đói vẫn được che giấu một cách tinh tế, và tình trạng ăn xin không được biết đến. Trong khi Luân Đôn giống như một bức tranh hỗn hợp, nhưng trái ngược với Manhattan, thủ đô của xứ sương mù nhìn nguyên sơ, rợp bóng cây và thanh bình. Ở những đô thị như thế này, không gian và cơ sở công cộng luôn được quan tâm và duy trì vì lợi ích của cư dân.
New York thì trái ngược. Nhà phê bình thiết kế kiêm nhà văn Alexandra Lange, người đã sống ở thành phố này 26 năm, chia sẻ rằng việc thiếu đầu tư có thể là do các ưu tiên về hệ tư tưởng. Bà nói: “Nước Mỹ được điều hành như một quốc gia theo chủ nghĩa cá nhân. Chúng tôi dốc tiền bạc vào ô tô, nhà cửa và giáo dục mà chẳng mong đợi gì từ ngân sách công”. Phía trên những chiếc thùng rác công cộng, các tỷ phú thư giãn trong những tòa nhà chọc trời trên phố Billionaire’s Row. “Ở trên đó, bạn không cảm thấy được kết nối với nhân loại”, một nhà môi giới chia sẻ. Vào tháng 5, một phân tích của The New York Times về dữ liệu điện thoại thông minh cho thấy 420.000 người rời thành phố vào tháng 3 và tháng 4, bao gồm hơn 40% những người ở những khu vực giàu có nhất.
Giờ đây, ai sẽ chi trả để làm đẹp cho thành phố? Có lẽ đó là câu hỏi mà tôi nên hỏi từ lâu. Đại dịch dường như là nguyên cớ để người ta cân nhắc lại các ưu tiên của thành phố. Thay đổi luôn là một phần trong lịch sử của New York và nhân vật chính trong nhiều câu chuyện đổi mới của nó là chính thành phố mang biệt danh Quả táo lớn (Big Apple).
(Nội dung trong ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Mười Một mang chủ đề “Car Of The Year”)