Chưa bao giờ các tuần lễ thời trang từ Á sang Âu lại diễn ra ảm đạm đến vậy. Sắc màu nào cho bức tranh 2020?
Báo cáo mới nhất của McKinsey mang tên The State of Fashion 2020 cho thấy rằng, ngành thời trang xa xỉ thế giới tăng trưởng chậm ở mức 4-5% trong năm 2020 cùng tỷ lệ 58% dự đoán giá trị của toàn ngành trong năm nay sẽ tồi tệ hơn trong bối cảnh bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
Tầm quan trọng của phân khúc khách hàng thế hệ Y cùng sự lên ngôi của thời trang đường phố cũng khiến các ông lớn thời trang truyền thống phải “hạ mình” bắt tay cùng các nhà thiết kế tên tuổi được giới trẻ ưa chuộng để cho ra mắt những sản phẩm “con lai” ấn tượng, bên cạnh tính bền vững như một yếu tố quan trọng hướng đến các giá trị môi trường.
Những gam màu ảm đạm
Sự lo lắng là tâm trạng phổ biến trong ngành công nghiệp thời trang năm nay trước bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô và biến động chính trị cũng như hậu quả của các cuộc chiến tranh thương mại, dẫn đến mức chi tiêu sụt giảm của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Khu vực châu Âu, một trong những thị trường trưởng thành của ngành thời trang xa xỉ, đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự bất ổn của kinh tế toàn cầu cùng tác động của sự kiện Brexit. Trong khi đó, khu vực Bắc Mỹ vốn được xem là thị trường chủ chốt của ngành công nghiệp thời trang xa xỉ thì năm nay, tại khu vực này, tâm lý tiêu dùng giảm và thuế quan được hỗ trợ bởi đồng đô-la Mỹ tăng giá đang tác động mạnh đến cả xuất và nhập khẩu. Hiển nhiên, cỗ pháo mang tên thời trang xa xỉ đang quay nòng về phía châu Á với Trung Quốc là sân chơi lớn nhất bên cạnh các thị trường mới nổi như Việt Nam, Philippines hay Indonesia, nơi chứng kiến sự trỗi dậy của tầng lớp trung và thượng lưu.
Khi át chủ Trung Quốc trong cơn đại dịch
Tuy nhiên, bức tranh của ngành hàng xa xỉ nói chung và lĩnh vực thời trang cao cấp nói riêng đã cho thấy một gam màu u ám ngay trong những ngày cuối cùng của năm 2019 và những ngày đầu tiên của 2020. Trong khi cỗ máy lụ khụ của ngành xa xỉ vốn luôn chuyển động chậm hơn so với các lĩnh vực khác trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 do những nguyên nhân đặc thù với động lực tăng trưởng đã và đang dịch chuyển từ châu Âu và châu Mỹ sang châu Á – Thái Bình Dương, thì cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cùng với tình trạng bạo động tại Hồng Kông đã khiến ngành công nghiệp xa xỉ lâm vào cảnh lao đao.
Chưa kịp gượng dậy sau những “trận đòn” gây tê liệt tại chính thị trường được kỳ vọng là chủ lực, cỗ máy già nua và bảo thủ này tiếp tục oằn lưng hứng chịu đại họa khác mang tên Covid-19 vừa bùng phát. So với dịch SARS vào năm 2003-2004, Covid-19 mang sức mạnh của kẻ hủy diệt, gieo rắc nỗi sợ hãi cho cả địa cầu bởi không một ai có thể biết được dịch bệnh này sẽ kéo dài trong bao lâu và tác động của nó cuối cùng sẽ là gì. Dường như, trong những cơn đại nạn, con người có xu hướng tư duy rất lạ, như thể con virus khủng khiếp này chỉ hoành hành ở một nơi nào đó, và chắc nó trừ mình ra.
Hẳn thế mà người Ý vẫn tưng bừng chuẩn bị cho các sự kiện lớn như tuần lễ thời trang Milan, lễ hội Venice Carnival hay các trận bóng đá giải Serie A, cho đến khi cơn lốc Covid-19 ập đến, biến đất nước hình chiếc ủng thành ổ dịch ở châu Âu. Những giai điệu Carnival rộn rã chỉ ngân lên nửa chừng, trong khi ba trận túc cầu được mong chờ nhất giữa Inter Milan-Sampdoria, Atalanta- Sassuolo và Verona-Cagliari lập tức bị hủy bỏ, và Tuần lễ thời trang Milan diễn ra trong bầu không khí ảm đạm sau những cánh cửa đóng kín không một khách mời, chẳng truyền thông, báo chí và chỉ có chương trình livestream qua website buồn tẻ.
Hiệp hội thời trang Ý đã cảnh báo rằng tác động của virus Covid-19 sẽ dẫn đến mức suy giảm 108 triệu USD xuất khẩu của Ý trong quý đầu tiên vì nhu cầu của quốc gia đông dân nhất thế giới đã giảm. Và nếu nguồn cung này vẫn giảm, thì mảng xuất khẩu hàng xa xỉ của Ý sang thị trường này có thể bị bốc hơi tới 250 triệu USD trong quý 1 năm nay. Doanh số của nhiều tập đoàn xa xỉ cũng bị ảnh hưởng nặng nề, buộc họ phải đóng cửa nhiều cửa hiệu tại thị trường đông dân nhất thế giới này.
Bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, viễn cảnh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương với sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu mới nổi – đặc biệt là tại 6 thị trường cốt lõi như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore – giúp thúc đẩy mức tăng trưởng trong lĩnh vực thời trang trị giá 50 tỷ USD, vẫn không khiến những con phố mua sắm hàng hiệu nổi tiếng ở Paris, New York, London hay Tokyo lạc quan hơn. Chưa bao giờ mà những con phố này nhớ lớp khách VIP đến từ Trung Hoa Đại lục da diết đến vậy. Và trong cảnh đìu hiu như hiện nay, liệu các cửa hàng này còn đủ sức sáng đèn để ngồi mơ về những vị thượng khách Trung Quốc tay xách nách mang như những ngày êm đềm xưa cũ?
(Đón đọc kỳ 2)