Bộ suit may đo tại Savile Row luôn là món đồ hoàn hảo với những tên tuổi lừng danh nhất con phố này như Huntsman và Henry Poole. Trong khi phong cách của nam giới ngày càng giản dị hơn trong thời gian gần đây, thì nhiều nhà may lâu đời của Savile Row vẫn tiếp tục ưu tiên trang phục lịch sự và vest công sở hơn là cập nhật theo thời đại. Đó là một tình trạng có thể gây khó chịu cho những thợ may trẻ tuổi, những người ước mơ được làm việc trên con phố nổi tiếng nhất làng thời trang nhưng vẫn khao khát sự phù hợp, cả về văn hóa lẫn thời trang.
Kimberley Lawton, người đã bỏ Savile Row để thành lập cửa hiệu may đo của riêng mình vào năm 2018, gọi thế hệ thợ may mới này là “những người muốn sáng tạo hơn và không phải lúc nào cũng gắn vải tuýt với màu xanh nước biển hay xanh lá cây”. Lawton không hề đơn độc. Giờ đây, nhờ có Lawton và một nhóm thợ may doanh nhân tương tự, bạn không còn cần phải bước vào các cửa hàng với mặt tiền rộng lớn ở Savile Row mà vẫn có thể sở hữu những bộ trang phục hoàn hảo được thực hiện bởi đội ngũ thợ may giỏi nhất London.
Taillour
Định nghĩa về một tiệm may đo điển hình sẽ không giống như cửa hiệu được tạo ra bởi Lee Rekert, 48 tuổi và Fred Nieddu, 36 tuổi (từ trái sang phải, ảnh trang bên) - những người đã mở cửa studio với kết cấu bằng gạch đỏ kiểu Victoria ở khu Đông London. Rekert và Nieddu gặp gỡ khách hàng tại một studio, trong khi hai studio còn lại tập trung vào quy trình cắt may, nơi một nhóm thợ nhỏ sẽ “hô biến” các bộ suit của Taillour thành hiện thực.
Trước đây, Rekert và Nieddu đã làm việc cùng nhau tại Timothy Everest. Trong khi Nieddu là trưởng bộ phận cắt trong 5 năm thì Rekert - giám đốc thương hiệu và bán hàng - phụ trách mảng kinh doanh. Nieddu từng làm việc tự do trước khi bộ đôi này tái hợp để thành lập Taillour vào năm 2022. Trong thời gian làm việc tự do, Nieddu đã tạo dựng tên tuổi bằng cách tạo ra những sản phẩm kết hợp giữa thiết kế tinh tế với cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái. “Nếu không có sự sáng tạo, bạn chỉ đang tuân theo nguyên tắc của một hệ thống rất nhàm chán” - Nieddu cho hay.

Phong cách đặc trưng của Taillour kết hợp nét tinh hoa của cả hai trường phái: những đường nét sắc sảo của phong cách Ăng-lê qua mặt trước của áo khoác với ve áo rộng và đường viền thẳng cùng kết cấu kiểu Ý mềm mại. Vai có thể hoàn toàn không dựng hoặc được đệm rất nhẹ. Ống quần thon gọn từ hông đến gấu quần tạo cảm giác không quá chật hay quá rộng.
Ngoài danh sách khách đang tăng lên, cả hai còn tổ chức trunk show ở New York sáu hoặc bảy lần/năm. Taillour cũng sản xuất phục trang cho điện ảnh và truyền hình: trang phục nam cho The Crown (Netflix) cũng như những bộ cánh cho nhân vật “M” do Ralph Fiennes thủ vai ở loạt phim Bond thời Daniel Craig. Các dự án mới gồm phần tiếp theo của Indiana Jones và tiền truyện về Roald Dahl trong Wonka (Timothée Chalamet thủ diễn).
Ollie’s
Oliver Cross thể hiện sự nồng nhiệt và hoạt bát của một gã Viking 37 tuổi trong trang phục áo khoác thể thao bằng vải tuýt. Studio của anh, một không gian bê tông kiểu công nghiệp sang trọng bên dưới Tháp Oxo ở London, mang đầy nét cá tính. Cross đã trang trí studio bằng đồ nội thất theo phong cách trung cổ và chiếu những bộ phim kinh điển lên bức tường phía trên bàn cắt trong khi làm việc.

Ollie’s là một hiệu may mới ra đời từ tháng 12/2021 nhưng trong thời gian ngắn đã xây dựng được tệp khách hàng phong phú, những người bị thu hút bởi cách tiếp cận thoải mái trong việc may đo của Cross. Anh quyết định theo đuổi niềm đam mê quần áo sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và chỉ bắt tay vào sự nghiệp may đo ở tuổi 27. Sau cơ hội được làm việc với Meyer & Mortimer, anh gia nhập Benson & Clegg vốn đã giải thể với tư cách là một thợ cắt nhưng gặp khó khăn với không khí ngột ngạt của nhà may này. Khi công ty bắt đầu gặp khó khăn tài chính vào tháng 11/2021, Cross đã rút ra để khởi nghiệp.

Anh có xu hướng cắt một chiếc áo khoác theo “phong cách West End” với một số cấu trúc ở ngực và vai. Nếu có thời gian tiếp xúc với Cross, bạn sẽ sớm nhận ra rằng anh say mê với những chi tiết dù nhỏ nhất trong kỹ thuật cắt may. Không có gì lạ khi phải mất 20 phút thử nghiệm để quyết định góc của ve áo hoặc độ cuộn ở đầu tay áo của bạn. Tất cả đều làm tăng tính trải nghiệm — và nâng cao ấn tượng rằng bạn đang được chăm chút dù là những chi tiết nhỏ nhất.
Thông thường, những người cắt mẫu rập sẽ sử dụng các mẫu để định hình ve áo, nhưng Cross lại thích phác thảo theo bản năng hơn. Anh cắt mép trước và ve áo của áo khoác. “Tất cả những gì tôi mong muốn là được làm việc thoải mái trong môi trường của chính mình. Bạn chỉ có thể tạo nên những trang phục hoàn hảo nhất nếu có những điều kể trên”.
Lawton
Kimberley Lawton, nghệ nhân 28 tuổi, có lẽ là người nổi loạn nhất ngành may đo. Trang phục may đo của cô có tính đổi mới về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ. Đó là những chiếc áo khoác sọc phấn có hàng khuy táo bạo với ve áo rộng và quần ống rộng có cổ bốt với li quần dày cộm.
Phong cách nổi bật của cô được lấy cảm hứng từ tình yêu nhạc rock những năm 1970 và 1980 (Bowie, Blondie và Mick Jagger là những người có sức ảnh hưởng lớn đến Lawton). Vai áo đuợc dựng, đầu tay áo có dây và vòng eo thon kết hợp giúp tạo ra những bộ trang phục cổ điển giống phong cách của Tommy Nutter nhưng không phải là sản phẩm sao chép. Để làm nổi bật những tỷ lệ ấn tượng này, Lawton chèn một dải vải lông ngựa nằm ngang vào áo khoác: Dải này nằm quanh hông của người mặc và giúp tạo ra dáng đồng hồ cát rõ nét — một cải tiến kỹ thuật bắt nguồn từ trang phục thời trang cao cấp cho phái nữ. “Đó không phải là kiểu vest của đàn ông dành cho phụ nữ, mà là vest của phụ nữ có các yếu tố nam tính”, —Lawton khẳng định.
Lawton tốt nghiệp trường Thời trang London và trở thành nhân viên cắt tại Huntsman trước khi ra mắt Dobrik & Lawton vào tháng 4/2018 cùng với một đồng nghiệp mà cô gặp tại Savile Row. Dobrik sau đó rời studio để theo đuổi các dự án khác, còn Lawton trở thành chủ sở hữu duy nhất vào tháng 9/2021. Cô đã cắt và ráp 29 bộ quần suit từ tháng 1 đến tháng 10/2022 — một thành tích đáng nể đối với một thợ may trẻ. Hiện cô làm việc trong một studio nhỏ ở phía đông bắc London. “Tôi đặt mục tiêu sản xuất 60 bộ vest mỗi năm”, — Lawton cho hay.
Atelier Arena
Tom Arena mở cửa studio ở St. James’s vào tháng 9/2021 và may trang phục cho các diễn viên như Gary Oldman, Stephen Graham, Connor Swindells và Jack Lowden. Ở tuổi 45, ông là một trong những nhân vật lớn tuổi nhất trong làn sóng thợ may mới độc lập, nhưng thái độ của ông đối với phong cách thời trang nam giới lại rất trẻ trung. “Bạn cần một chút rực rỡ, một chút cá tính trong trang phục. Và khi nhìn thấy những bộ trang phục này, nhiều người sẽ muốn biết địa chỉ nhà may.” - ông tiết lộ.

Phong cách của Arena được thể hiện ở ve áo vừa phải và đường nét gọn gàng. Ông được đào tạo dưới sự hướng dẫn của thợ cả Brian Hall — người gắn liền với những bộ cánh cho các nhân vật lừng lẫy như cố diễn viên Richard Anderson — tại Huntsman vào những năm 90 và cắt vải bằng Hệ thống Thornton: một kỹ thuật cắt theo khuôn mẫu có nguồn gốc từ những năm 1880, dựa trên kiểu áo khoác cưỡi ngựa thời Victoria.
Áo khoác của Arena có đường may đè phía trước chạy từ ngực qua túi bên hông đến viền áo. Đây là điều bất thường trong phong cách may đo của Anh (đường may phía trước thường xuyên chạy từ ngực sang túi bên và dừng ở đó) nhưng cho phép tạo nhiều hình dạng hơn qua mặt trước của áo khoác. Sau quá trình đào tạo tại Huntsman, Arena tiếp tục hoàn thiện kỹ năng trong suốt 18 năm làm thợ cắt trưởng phụ trách mảng may đo theo yêu cầu tại Paul Smith.
“Tôi luôn cố gắng mang đến những điều mới mẻ, dù đó là áo khoác da lộn, áo khoác bomber da hay áo khoác thửa riêng để mọi người phải ngắm nhìn”, — Arena bộc bạch.
Speciale
Mặt tiền mang phong cách hoài cổ của Speciale trên con phố Portobello được trang trí bằng những bức tranh sơn dầu và những chồng vải cổ điển, tạo cảm giác giống như một cửa hàng concept hơn là một xưởng may. Khi bước qua một cổng vòm màu đất nung vào giữa không gian, bạn lạc vào xưởng may của George Marsh, nơi những chiếc áo khoác chưa hoàn thiện, tay áo khoác chờ ráp và những mảnh vải treo khắp các bức tường trên một thanh ray bằng đồng.

Speciale có lẽ là sự mô phỏng hoàn hảo của một nhà may ở Florence. Marsh, 31 tuổi (phải, hình bên) và người đồng sáng lập Bert Hamilton Stubber, 29 tuổi (trái, hình bên), phụ trách mảng kinh doanh, đã làm việc cùng nhau ở London trong suốt bốn năm trước khi chuyển đến những nhà may khác nhau ở Florence.
Tính đến thời điểm này, Marsh đã dành hai năm tôi luyện tay nghề dưới sự hướng dẫn của Antonio Liverano, cha đẻ của ngành may ở Florence. Đúng như nguồn gốc ban đầu của Speciale, quy trình may vest ngày nay khác biệt đáng kể so với các nhà may thông thường ở London — với sự tập trung vào quy trình ráp áo khoác và quần tây bằng tay.

Trong khi hầu hết các thợ may ở Anh sử dụng nhân công bên ngoài thì Marsh lại tự mình cắt, may và hoàn thiện tất cả các bộ vest của Speciale. Trung bình anh mất khoảng 160 giờ cho một đơn hàng. Do mất nhiều giờ thực hiện và mức độ làm việc thủ công chính xác, thương hiệu này hiện chỉ sản xuất từ 15 đến 20 bộ vest đặt riêng mỗi năm và bổ sung cho hoạt động kinh doanh bằng việc bán áo sơ mi thủ công và hàng dệt kim phiên bản giới hạn.
Áo khoác của Marsh là loại trang phục bạn sẽ phải chú ý trên đường phố không phải vì sắc màu sặc sỡ mà đơn giản vì chúng toát lên vẻ sang trọng nhất định. Các quý ông diện trang phục Speciale chắc chắn đều sẽ rất tự hào.