Sáng tác nghệ thuật, ví như vẽ một bức tranh, soạn một bản nhạc, viết một cuốn tiểu thuyết…, cho dù là một thứ lao động khá đặc biệt thì vẫn có thể tính toán trả công. Đương nhiên những thành phẩm của nó sẽ được đong đếm bằng tiền. Có điều, nghệ thuật vốn tinh tế mơ hồ, nên thường cả người bán lẫn người mua rất khó định đúng được cái giá trị thật của nó. Hoặc vô cùng đắt, hoặc vô cùng rẻ mạt. Giáo sử Thiên Chúa giáo kể rằng, khi đức Giáo Hoàng Jilius đặt thiên tài điêu khắc người Ý là Michelangelo vẽ tuyệt tác bích họa trên vòm nhà nguyện Sistine thì đã trả ông một xe cút kít đầy vàng.
Còn ở ta, chuyện nhuận bút của nhà thơ Nguyễn Bính cũng đáng kể là điển hình. Xuân năm 1941, ông chủ báo Tế Xuyên Hoàng Hữu Tiếp có đặt Nguyễn Bính làm thơ tết. Mặc cả mãi là một đồng một câu. (Ở Sài Gòn năm đó, 1 xu 1 tô phở, còn 1 chỉ vàng là 8 đồng). Ông Nguyễn ghét tính cò kè mới nghĩ cách chơi lại. Ông làm bài thơ dài 40 câu, sát ngày in mới đưa ra trong đó có dòng “Làm thơ đem bán cho thiên hạ. Thiên hạ đem thơ đọ với tiền”.
Chuyện bán văn, cũng như bán tranh bán nhạc… là chuyện của muôn năm đời thường, không có gì là đặc biệt trầm trọng, chỉ có những người trong trắng ngơ ngác bỡ ngỡ nhập môn mới coi đấy là vấn đề. Bán được nhiều cũng chưa hẳn đã hay, bán được ít cũng chưa hẳn đã dở. Làm gì có thứ lý luận ngô nghê theo kiểu của mấy đạo diễn điện ảnh thời thượng bây giờ, có dòng phim nghệ thuật rồi có dòng phim thị trường.
Đã là tác phẩm thì vĩnh viễn không bao giờ là sản phẩm, kể cả nó được mỹ miều mạ thành “sản phẩm nghệ thuật”. Còn đôi khi tại sao tác phẩm bán được đắt, bởi đơn giản, nó vô giá. Và hạnh phúc nhất là nó rơi vào tay những người biết trân trọng thưởng thức. Còn không rất dễ mang họa mà trường hợp ông cử nhân Lê Ngô Cát là ví dụ. Ông Cát soạn “Đại Nam quốc sử diễn ca” có câu tả bà Triệu “Vú dài ba thước dắt lưng. Cưỡi voi đánh trống trong rừng kéo ra. Cũng toan gánh vác sơn hà. Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam”. Vua Tự Đức đọc vừa phục vừa chê nhưng vẫn ban thưởng một tấm lụa quý và hai đồng vàng. Ông Cát nổi máu nghệ sĩ có tự trào cảm thán “Vua khen thằng Cát có tài. Ban cho cái khố với hai đồng tiền”. Lời đồn đến tai vua, ông bị biếm chức giáng thành thường dân. Hỡi ơi, buôn vụng bán ngu như thế nên văn nghệ sĩ có nghèo thì đâu phải ở số hay mệnh trời.
Lao động nghệ thuật vốn khổ ngang đi cày, điều này cả thiên hạ mang máng đều biết. Cày xong rồi rụt dè đem sản phẩm đi bán, mưu sinh mà, thế nhưng lúc lĩnh nhuận bút không hiểu sao vẫn thấy như là bắt được, nghẹn ngào xúc động đến vô cùng. Chẳng kể những tay mơ, ngay cả đám già đời thì lần nào lần nấy tâm trạng vẫn trọn vẹn xốn xang như đến chỗ hẹn của tình yêu đầu. Cây bên đường sao mà xanh thế, người đi cùng chiều sao mà đẹp thế. Khép nép ký nhận, liếc thấy vài số không (zero) nối đuôi nhau, bụng bỗng bồi hồi náo nức. Đi khỏi phòng kế toán, hai tay khép chặt dọc đùi, chỉ sợ khẽ giang ra là bay bổng như chim. Hồi hộp đến ngã tư có văng vắng gió, mở phong bì thầm thì đếm, mồm miệng tủm tỉm tự dưng sung sướng há ra rất khó ngậm lại.
Chao ôi, nghệ thuật có cần tiền không nhỉ.
Còn ở ta, chuyện nhuận bút của nhà thơ Nguyễn Bính cũng đáng kể là điển hình. Xuân năm 1941, ông chủ báo Tế Xuyên Hoàng Hữu Tiếp có đặt Nguyễn Bính làm thơ tết. Mặc cả mãi là một đồng một câu. (Ở Sài Gòn năm đó, 1 xu 1 tô phở, còn 1 chỉ vàng là 8 đồng). Ông Nguyễn ghét tính cò kè mới nghĩ cách chơi lại. Ông làm bài thơ dài 40 câu, sát ngày in mới đưa ra trong đó có dòng “Làm thơ đem bán cho thiên hạ. Thiên hạ đem thơ đọ với tiền”.
Chuyện bán văn, cũng như bán tranh bán nhạc… là chuyện của muôn năm đời thường, không có gì là đặc biệt trầm trọng, chỉ có những người trong trắng ngơ ngác bỡ ngỡ nhập môn mới coi đấy là vấn đề. Bán được nhiều cũng chưa hẳn đã hay, bán được ít cũng chưa hẳn đã dở. Làm gì có thứ lý luận ngô nghê theo kiểu của mấy đạo diễn điện ảnh thời thượng bây giờ, có dòng phim nghệ thuật rồi có dòng phim thị trường.
Đã là tác phẩm thì vĩnh viễn không bao giờ là sản phẩm, kể cả nó được mỹ miều mạ thành “sản phẩm nghệ thuật”. Còn đôi khi tại sao tác phẩm bán được đắt, bởi đơn giản, nó vô giá. Và hạnh phúc nhất là nó rơi vào tay những người biết trân trọng thưởng thức. Còn không rất dễ mang họa mà trường hợp ông cử nhân Lê Ngô Cát là ví dụ. Ông Cát soạn “Đại Nam quốc sử diễn ca” có câu tả bà Triệu “Vú dài ba thước dắt lưng. Cưỡi voi đánh trống trong rừng kéo ra. Cũng toan gánh vác sơn hà. Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam”. Vua Tự Đức đọc vừa phục vừa chê nhưng vẫn ban thưởng một tấm lụa quý và hai đồng vàng. Ông Cát nổi máu nghệ sĩ có tự trào cảm thán “Vua khen thằng Cát có tài. Ban cho cái khố với hai đồng tiền”. Lời đồn đến tai vua, ông bị biếm chức giáng thành thường dân. Hỡi ơi, buôn vụng bán ngu như thế nên văn nghệ sĩ có nghèo thì đâu phải ở số hay mệnh trời.
Lao động nghệ thuật vốn khổ ngang đi cày, điều này cả thiên hạ mang máng đều biết. Cày xong rồi rụt dè đem sản phẩm đi bán, mưu sinh mà, thế nhưng lúc lĩnh nhuận bút không hiểu sao vẫn thấy như là bắt được, nghẹn ngào xúc động đến vô cùng. Chẳng kể những tay mơ, ngay cả đám già đời thì lần nào lần nấy tâm trạng vẫn trọn vẹn xốn xang như đến chỗ hẹn của tình yêu đầu. Cây bên đường sao mà xanh thế, người đi cùng chiều sao mà đẹp thế. Khép nép ký nhận, liếc thấy vài số không (zero) nối đuôi nhau, bụng bỗng bồi hồi náo nức. Đi khỏi phòng kế toán, hai tay khép chặt dọc đùi, chỉ sợ khẽ giang ra là bay bổng như chim. Hồi hộp đến ngã tư có văng vắng gió, mở phong bì thầm thì đếm, mồm miệng tủm tỉm tự dưng sung sướng há ra rất khó ngậm lại.
Chao ôi, nghệ thuật có cần tiền không nhỉ.