Dân gian thường nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” như một cách khẳng định sự khó học, thậm chí có ý tự hào ngầm về sự khó khăn này. Nhiều ý kiến còn cho rằng tiếng Việt được xếp vào top 5 ngôn ngữ khó học của thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ả Rập, khó hơn cả Nhật, Hungary. Top 10 ngôn ngữ khó học còn có thêm các tiếng Hàn Quốc, Phần Lan, Thái Lan, Nga, Iceland. Tất nhiên, đây chỉ là nhận xét cảm tính, nhằm tạo cảm xúc về ngôn ngữ, chứ thực tế giáo dục và đời sống thì rất khác.
Nhiều nước hiện nay, đặc biệt những nước trong Top 10 quốc gia có ngôn ngữ khó học, đã hướng đến phổ cập giáo dục ở cấp 3, nghĩa là học xong thì vừa bước vào tuổi bắt đầu trưởng thành. Xét về tiếng mẹ đẻ, thì dù khó học hoặc dễ học, ngày nay đa số công dân đều cần đến 18 năm để học tính từ khi lọt lòng mẹ. Còn muốn tăng tính cạnh tranh thì thêm 4 năm đại học, 3 năm cao học, 4-6 năm nghiên cứu sinh. Với 18 năm đi học phổ thông, vậy thế giới có bao nhiêu tiếng mẹ đẻ khó đến mức không thể học được? Nếu chỉ xét ở bình diện “biết đọc, biết viết”, thì chắc là không có. Nhưng nếu xét ở khía cạnh thật sự thông thạo hoặc uyên thâm tiếng mẹ đẻ, thì ngôn ngữ nào cũng chỉ có chừng 10% người đi học đạt đến được. Như vậy, dù thứ tiếng được cho là dễ học, hoặc khó học, thì kết quả cũng khá giống nhau, sau 18 năm đèn sách.
Loài người đã từng có khoảng 9.000 ngôn ngữ. Theo cuốn How Language Began: The Story of Humanity’s Greatest Invention (2017; tạm dịch: Lược sử ngôn ngữ loài người) của Daniel L. Everett thì ngày nay còn hơn 7.000 ngôn ngữ, trong đó có khoảng 2.650 ngôn ngữ có tính phổ biến so với cộng đồng nơi nó tồn tại, còn lại là tiếng địa phương. Còn theo báo cáo của UNESCO (năm 2008), cứ khoảng hai tuần thì sẽ có một ngôn ngữ chết đi, nên việc trái đất chỉ còn dưới 3.500 ngôn ngữ là chuyện của tương lai rất gần.
Dường như có một nghịch lý, đó là trong số 2.650 ngôn ngữ có tính phổ biến, thì top 10 ngôn ngữ được cho là khó học chưa có đủ dấu hiệu cho thấy sẽ sớm mất đi. Thậm chí xét về dân số, thì nhóm khó học này đang rất phổ biến trên thế giới. Theo trang Danso.org, tính đến ngày 23/10/2023, dân số Việt Nam đã hơn 99,9 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới. Còn trong Top 25 các ngôn ngữ được nói nhiều nhất, tiếng Việt luôn hiện diện.
Trong số 1.400 phương ngữ ở châu Phi, thì hiện có hơn 250 ngôn ngữ ở Nigeria, Ethiopia, Kenya, Uganda... sắp mất đi. Ngay ở châu Âu, khoảng 50 ngôn ngữ - chủ yếu thuộc ngôn ngữ Lappis và Scandinavian - cũng sắp mất đi. Rõ ràng 300 ngôn ngữ này không được xếp vào Top 10 khó học, thậm chí cả trăm ngôn ngữ chưa còn có chữ viết, chỉ cần “nghe, nói” thôi, theo lý là đỡ học hơn “nghe, nói, đọc, viết”, vậy mà sắp tuyệt chủng.