Câu hỏi này được Chế Lan Viên đặt ra trong bài thơ Xuân, viết năm 1937: “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/ Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?”.
Mùa xuân thường được ví với những điều vui tươi, hy vọng, vì thời gian và đất trời gợi ra suy nghĩ như vậy, chứ không phải là điều duy ý chí của lòng người. Nhưng vì sao lại có “gợi thêm sầu”? Có lẽ do mùa của đất trời và mùa của tâm trạng đôi lúc khác nhau.
Có lẽ với Tết Nhâm Dần 2022 này là vậy, với không ít người là “gợi thêm sầu”, vì đi qua cả một năm giãn cách do Covid-19, do những khó khăn, mất mát trong gia đình, trong công việc, trong cuộc sống. Cũng nói như Chế Lan Viên: “Có một người nghèo không biết tết/ Mang lì chiếc áo độ thu tàn!”. Nhưng đáng lẽ ra, người nghèo/quê kiểng sẽ cảm thấy hào hứng, mong chờ tết nhiều hơn người giàu/phố thị – đây là kết quả của nhiều khảo sát xã hội học, chứ không phải kết luận liều. Nhưng năm nay rất khác, sự giàu sự nghèo đều bất thường, đều đi kèm theo những lo lắng, ưu sầu. Từ giữa tháng 12/2021, Bộ Y tế đã đề nghị xem xét việc dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết vào dịp tết, ví dụ như vui chơi, lễ hội, tôn giáo… Đành rằng đại dịch đang rất nguy hiểm, đề nghị này là hợp lý, khoa học, nhưng với các địa phương, đặc biệt các vùng quê, tết mà không có vui chơi, lễ hội, tôn giáo… thì còn gì là tết. Mà nếu có, thì làm sao tránh khỏi những lo lắng, làm sao không gợi thêm sầu cho được.
Mọi năm, cứ đầu tháng chạp là nhiều nơi đã vang lên ca khúc Ngày tết quê em của Từ Huy, với những câu mở đầu đầy thúc giục: “Tết tết tết tết đến rồi/ Tết đến trong tim mọi người”. Để rồi mong cầu: “Mừng ngày tết ta chúc cho nhau/ Một năm thêm sung túc an vui/ Người nông dân thêm lúa thóc/ Người thương gia mau phát tài”. Nhưng năm nay thì rất khác. Ngay các ngày của doanh nhân Việt Nam (13/10), hoặc của nông dân Việt Nam (14/10), chuyện thêm lúa thóc, phát tài, khởi nghiệp thành công, thần tốc cũng ít được nói đến, mà thay vào đó là các lo toan vì đại dịch kéo dài, là làm sao để “nín thở qua cầu”.
Bill Vaughn từng viết: “An optimist stays up until midnight to see the new year in. A pessimist stays up to make sure the old year leaves”. (Tạm dịch: Người lạc quan thức đến nửa đêm để đón giao thừa. Người bi quan thức để chắc chắn rằng năm cũ đã qua.). Tâm trạng này hẳn sẽ có nhiều người đối diện vào giao thừa năm nay, với mong cầu rằng năm mới sẽ khác, đại dịch Covid-19 sẽ không còn hoành hành.
Người Việt xưa thường mua tranh Ngũ hổ về treo vào dịp tết, với mong cầu sự che chở về sức khỏe, canh giữ sự bình yên. Tục thờ hổ phổ biến khắp 3 miền, nhiều miếu thờ đã thành biểu tượng trong lòng dân, trong kiến trúc. Đạo mẫu – tôn giáo cổ xưa của người Việt – cũng lấy hổ làm biểu tượng chính và triết lý nền tảng. Bởi vậy mà, nay bước vào năm Nhâm Dần 2022, các mong cầu về sức khỏe và sự bình yên sẽ càng dễ thành hiện thực hơn, để mùa xuân thật sự của lòng người sẽ trở lại.