Có những điều hễ tranh luận đến như tôn giáo, đảng phái, nghệ thuật…, sẽ dẫn đến kết quả chiến tranh, hủy diệt nhau. Giành quyền về sự văn minh cũng như thế, bởi những định nghĩa và thước đo khác nhau.
Chẳng hạn, tùy lịch sử và thực tế nhu cầu ẩm thực mà sẽ có định nghĩa và ứng xử khác nhau về cái gọi là văn minh ẩm thực. Toàn cầu hóa có nhiều điều hay ho, trong đó có việc mang đến nhiều món ăn quốc tế hóa, thường rất ít bản sắc, thậm chí không cần bản sắc. Trên hành trình đó, nhiều món ăn dị biệt, đậm bản sắc địa phương sẽ bị thách thức, dẫn đến mâu thuẫn, thậm chí loại trừ lẫn nhau.
Nhiều dân tộc của Việt Nam chia sẻ cội nguồn về văn minh lúa nước, nên cũng sẽ kéo theo vô số lịch sử, cổ tích, triết lý và cả ngôn ngữ đủ củng cố cho cội nguồn đó. Hạt lúa, hạt thóc, hạt gạo, hạt nếp, hạt mầm, hạt ngọc của trời… là những từ để gọi hạt lúa nước, và còn rất nhiều từ khác nữa, chứng tỏ tầm quan tâm sâu rộng. Nếu không đủ tầm quan tâm về ngôn ngữ, sẽ không có được nhiều tên gọi như vậy.
Khi nghiên cứu hành trình của gia vị đối với ngôn ngữ, người ta phát hiện ra nhiều dân tộc không đủ từ vựng để phân biệt ớt với tiêu, tiêu với tỏi. Điều này chứng tỏ tầm quan tâm về gia vị của dân tộc ấy chưa đủ nhiều với tiêu, ớt, tỏi…, vì văn minh nhà bếp của họ đặt để ở chỗ khác.
Một khảo sát dựa trên cuốn Kho tàng ca dao người Việt đã cho thấy trong số 11.825 lời ca thì có 973 chỉ về lúa nước và các sản phẩm làm từ lúa, chiếm 8,23%. Trong 973 câu vừa đề cập, từ để chỉ tên gọi cây lúa xuất hiện ở 161 lượt, từ để chỉ các sản phẩm, các món ăn từ cây lúa có 545 lượt. Trong hai bộ sách Phủ biên tạp lục và Vân đài loại ngữ, ra mắt hồi thế kỷ 18, Lê Quý Đôn đã nêu ra được 33 giống lúa tẻ và 60 giống lúa nếp. Trong bộ Đại Nam nhất thống chí, cuối thế kỷ 19, riêng ở phủ Thừa Thiên, đã nêu ra được 44 giống lúa tẻ và 39 giống lúa nếp.
Từ các ví dụ trên đây để thấy rằng khi nói về văn minh lúa nước của người Việt là có cơ sở từ lịch sử, khái niệm, triết lý, văn hóa và cả khoa học. Ngày nay Việt Nam có hơn 700 giống lúa tẻ và lúa nếp đang hiện diện, phần nhiều là kết quả của sưu tầm, thuần hóa, lai ghép, nghĩa là công việc của khoa học. Nếu không có đủ đòi hỏi từ đời sống và sự thúc ép từ phát triển nền văn minh, sẽ không có nhiều như vậy. Cuộc sống đang thay đổi, nhu cầu lúa gạo cũng sẽ thay đổi, có khi sau này lúa gạo sẽ thành thứ yếu trong đời sống, nhưng không thể tranh luận hoặc phủ nhận về nền văn minh lúa nước trong lịch sử của người Việt.
Giả dụ lấy văn minh lúa nước để so với văn minh săn bắt hoặc văn minh chăn nuôi, rồi dẫn đến kết luận cao thấp, đúng sai, thì không sinh ra mâu thuẫn, không sinh ra chiến tranh còn gì. Chẳng phải nhiều cuộc chiến tranh, cuộc hủy diệt cũng đã bắt nguồn bằng việc chứng minh dân tộc mình văn minh hơn, hoặc muốn cướp lấy nền văn minh của dân tộc khác đó sao. Cho nên, nhu cầu văn minh sẽ có nhiều dị biệt, khó mà tranh luận cao thấp, đúng sai, tốt xấu, nếu muốn hòa bình, chỉ nên chia sẻ, bao dung lẫn nhau.
(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Tư mang chủ đề “The Art Of Design”)