Chia sẻ của Auro Montanari – người được biết đến với bí danh John Goldberger – nhà sưu tập đồng hồ nổi tiếng thế giới, tác giả của cả trăm tác phẩm về đồng hồ, đồng thời là thành viên Counseil Cultural Fondation de la Haute Horologierie, cố vấn cao cấp tại Phillips.
Cơ duyên nào đã dẫn ông đến với lĩnh vực sưu tập đồng hồ?
Cách đây 43 năm, tôi đã bắt đầu sưu tập những chiếc đồng hồ đầu tiên. Bạn biết đấy, thập niên 70 là thời kỳ đe dọa sự diệt vong của đồng hồ cơ, và trong một lần dạo chợ trời cùng bố mẹ mình – những nhà sưu tập nghệ thuật lâu năm – tôi chợt nhận ra sự chênh lệch quá lớn về giá trị của những chiếc đồng hồ cổ điển và đồng hồ đã qua sử dụng so với đồng hồ thạch anh hiện đại mới. Tôi luôn đặt ra những tiêu chí của mình về vẻ duy mỹ, tính nguyên bản, kiến thức chuyên sâu, niềm đam mê và cảm xúc. Sưu tập đồng hồ là một công việc của tình yêu và niềm đam mê, mang lại cho bạn niềm vui và sự thỏa mãn. Đó là công việc thu thập thành một bộ sưu tập để kể lại câu chuyện về chúng, còn việc bạn có đeo chúng hay không thì không quan trọng. Tôi chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ đeo những chiếc đồng hộ trong bộ sưu tập của mình. Trên hết, sưu tập đồng hồ phải là niềm vui, chứ không phải để trưng diện hay khoe khoang.
Chiếc đồng hồ đầu tiên mà ông sưu tập là của thương hiệu nào? Vì sao nó thu hút ông?
Chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên tôi mua là vào năm 1978 trong một cửa hàng đồ cổ. Đó là một chiếc Rolex chronograph Ref. 3835 bằng vàng 18k đời 1938. Tôi bị thu hút bởi thân vỏ tuyệt mỹ của nó với các vấu được trang trí lạ mắt. Chiếc đồng hồ nguyên bản này là một thứ của hiếm. Giá chiếc đồng hồ này lúc đó là 500 USD, còn tôi lúc đó mới 20 tuổi!
Tiêu chí sưu tập đồng hồ của ông là gì, thưa ông?
Tôi yêu vẻ ngoài và sự phức tạp của đồng hồ cũng như cảm giác mà chúng mang lại cho người sở hữu. Khi sưu tập đồng hồ, bạn phải mua thứ gì đó phù hợp với bạn về mặt thẩm mỹ và quan trọng là bạn phải chấp nhận thực tế rằng, trong những trường hợp hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai, chiếc đồng hồ đó có thể có giá trị bằng không.
Ông thường quan tâm đến những chiếc đồng hồ của thời đại nào?
Tôi tập trung vào đồng hồ bấm giờ thời hậu chiến và những chiếc đồng hồ đeo tay Cartier thanh lịch được sản xuất tại Paris trong thập niên 20 và 30. Một giai đoạn thú vị khác đối với tôi là vào cuối những năm 50 với những chiếc đồng hồ chức năng (Tool Watches) của Rolex và Omega.
Quyết định của ông bị chi phối bởi cảm xúc hay những con số?
Thường là cảm xúc bởi một khám phá mới.
Hiện tại có chiếc đồng hồ nào mà ông đang để ý và tại sao nó lại khiến ông quan tâm?
Tôi đang mơ về một bộ sưu tập những chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Seiko của thập niên 60.
Lời khuyên của ông dành cho những người đang bắt đầu hành trình sưu tập đồng hồ là gì?
Năm quy tắc vàng của tôi là: Cố gắng sưu tầm những gì bạn thích, đừng chạy theo xu hướng; Không thỏa hiệp, phải tận tâm và kỷ luật, chỉ mua những chiếc đồng hồ có cấu hình chính xác và trong điều kiện hoàn hảo; Mua người bán (thương hiệu), chứ không phải mua đồng hồ; Hãy khiêm tốn, hạ thấp cái tôi, đừng cạnh tranh với những nhà sưu tập khác; Đọc sách, tìm hiểu các blog và diễn đàn trên Internet, để ý các danh mục đấu giá, thăm các viện bảo tàng, có mối quan hệ tốt với các cộng đồng đồng hồ (đại lý, nhà đấu giá và các nhà sưu tập khác).
Được biết ông là tác giả của nhiều cuốn sách mang tính bước ngoặt về đồng hồ hoặc những lĩnh vực liên quan. Liệu ông có dự định xuất bản một cuốn sách về mối quan hệ giữa đồng hồ và trang phục?
Vài tháng trước, tôi có xuất bản Time to Wear, một cuốn sách mới về bộ sưu tập thú vị của Alessandro Squarzi. Là người quan tâm đến đồng hồ đeo tay của các thương hiệu nhỏ và không tên tuổi, Alessandro bị thu hút bởi thiết kế khác thường, đẹp mắt và chất lượng vượt thời gian của những chiếc đồng hồ này.
Hai năm trước, chúng tôi quyết định cùng nhau xuất bản cuốn sách về BST đồng hồ và phong cách sống của Alessandro Squarzi, gồm khoảng 170 chiếc đồng hồ khác nhau trên nền những món trang phục – từ kiểu quân đội cho đến denim cổ điển.
Gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất đồng hồ, nhưng đại dịch Covid-19 có thể kích hoạt giá trị của đồng hồ đã qua sử dụng. Theo ông, đây có phải là thời điểm thích hợp để đầu tư vào đồng hồ cổ điển?
Không ai có thể đoán trước được tương lai của lĩnh vực sưu tập đồng hồ, nhưng một bộ sưu tập đồng hồ được xây dựng thông minh ít nhất sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn lãi suất tiết kiệm. Đồng hồ cổ điển đã được chứng minh là một khoản đầu tư đáng tin cậy, ngay cả trong thời kỳ suy thoái vừa qua.
Sự nổi lên của đồng hồ kỹ thuật số và đồng hồ thông minh tác động thế nào đến thị trường đồng hồ nói chung, thưa ông?
Tôi tin rằng thời mà cả thế giới hiểu và đánh giá cao đồng hồ cơ chỉ mới bắt đầu. Chắc chắn rằng đồng hồ cơ học bị coi là lỗi thời trong thời đại của điện thoại di động và máy tính bảng. Tuy nhiên, tôi tin rằng mọi người sẽ luôn muốn đeo một chiếc đồng hồ cơ học được chế tác thủ công. Có thể thế hệ các nhà sưu tập mới sẽ đeo một chiếc đồng hồ thông minh trên cổ tay nhưng cũng có thể luôn thủ một chiếc đồng hồ cơ phức tạp trong túi! Dù không chính xác như đồng hồ hiện đại, nhưng đồng hồ cơ chắc chắn sẽ mang đến trải nghiệm thú vị.
Là một nhà sưu tập lão luyện, ông dự đoán điều gì sẽ diễn ra tiếp theo trong ngành công nghiệp đồng hồ? Những thương hiệu nào sẽ có được giá trị theo thời gian?
Một câu hỏi rất thú vị. Giờ đây, ai cũng muốn biết những thương hiệu nào sẽ tăng giá trị theo thời gian. Theo tôi, đó là một số ít nhà sản xuất đồng hồ độc lập như Philippe Dufour, Roger W. Smith, F.P. Journe, Naoya Hida & Co hoặc Laurent Ferrier.
(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Năm mang chủ đề “The Symphony Of Time”)