Vậy đã là tết và rồi tết qua. Tết con chuột năm nay đến quá nhanh, gần như đồng tốc với lịch Tây. Vài người già cũ kỹ ở phố thở dài, cuộc sống bây giờ gấp gáp thật, phải chăng là vì tính người hiện đại.
Ngày xưa, cũng chưa hẳn xưa lắm, sách giáo khoa dạy tiểu học thường có những chuyện kể tuyệt hay. Và hay nhất là câu chuyện rùa chạy thi với thỏ. Tất nhiên đứa trẻ nào cũng biết rằng rùa sẽ không thua, vì nếu thỏ mà thắng thì sẽ rất khó rút ra bài học nào ở đó. Vẫn rất nhớ cô giáo hiền từ dạy cấp Một hồi ấy. Cô tên là Sâm, nhà ở phố Lò Sũ. Cô hay dịu dàng gõ thước kẻ vào đầu mình. “Ví dụ như em này, tính vừa lông bông vừa hấp tấp giống thỏ. Thường lần nào làm bài kiểm tra cũng xong nhanh nhất lớp, nhưng khó mà về tới đích vì toàn sai be bét”. Chao ôi, nhớ cô quá. Bởi tuy thời gian biến đổi nhưng tính người khó cải. Giờ đây đầu đã hai thứ tóc, tuy cố rèn luyện việc thong thả ăn chầm chậm mặc, vậy mà không hiểu sao cuộc sống vẫn đúng như cô bảo, sai be bét.
Theo nhiều triết gia lớn, nhanh và chậm vốn là căn tính giời sinh ra thế, tuyệt đối khó sửa. Nhanh chưa chắc đã là đúng, chậm chưa chắc đã là sai. Giống như nhiều văn sĩ, vật vã viết tiểu thuyết đằng đẵng kéo dài cả bẩy năm, đến khi sách ra vẫn ế. Ở đây dở hay chưa bàn, chỉ biết trong lịch sử văn chương thế giới, có những kiệt tác được viết trong vòng chưa đầy ba tháng vẫn bền vững sống với thời gian.
Đại văn hào người Pháp là M.Proust khi viết kiệt tác “Đi tìm thời gian đã mất” thì đã bán hơn nửa gia tài được thừa kế, cốt để sống giống hệt như những quý tộc Pháp cuối mùa. Nhàn tản, bải hoải tinh tế, bơ phờ sang trọng. Có thể ông cho rằng, phải ăn như thế, ngủ như thế thì mong manh sẽ nghĩ như thế. Văn ông tuyệt vời chậm chạp, cái trằn trọc trở mình thức giấc lừng danh của ông miên man man dài ba mươi trang. Nó ám ảnh cả cái nhân loại đang ngái ngủ, sừng sững trở thành tượng đài văn học của thế kỷ Hai Mươi. Và quan trọng nhất, khi viết như thế Proust không hề cố tình. Sống như thế đương nhiên sẽ viết như thế.
Nhanh và chậm còn rất dễ thấy trong các câu chuyện ái tình. Có những đôi yêu nhau, ròng rã “tìm hiểu” kéo dài cả thập kỷ. Thế nhưng khi tiến vào đầm ấm hôn nhân, chưa đầy mươi tháng đã chập chờn vỡ vụn. Ngược lại, có những cặp quen nhau qua “phây búc” rồi lãng mạn hẹn gặp nhau, chợt bỗng sâu sắc lĩnh tiếng sét ái tình. Cả hai người tính tình đều phóng khoáng, nên sắp xếp chuẩn bị dăm tuần thì cưới, vậy mà chung thủy sống cùng nhau tới răng long đầu bạc.
Cụ trạng Trình, một triết gia lớn của người Việt khi giải thích về sự “nhanh hay chậm” đã từng bảo. “Bạo đắc tất bạo thất”, nôm na là “được một cách hung bạo thì sẽ mất theo cách hung bạo”.
Hình như theo ý cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cái “nhanh bất tình bất nghĩa lúc nào cũng tệ hơn “chậm”.