Ghi dấu ấn với bài hit đầu tiên, Cô bé mùa đông, tận 6 năm sau mới tái xuất với Uống trà, rồi sau đó đều đặn cho ra đời các bài hát được giới trẻ yêu thích với các giải thưởng lớn, anh đang trở thành một cái tên ăn khách. Cơ duyên nào dẫn anh đến với con đường âm nhạc?
Vốn thích nhạc từ nhỏ, và năm 14-15 tuổi, khi đang học lớp 12, tôi đã sáng tác một chùm ca khúc 4 bài, trong đó có bài Cô bé mùa đông, ca khúc trở thành hit sau khi được Đăng Khôi và Thuỷ Tiên ra mắt. Nhưng tôi nghĩ rằng đó chỉ là một sự ăn may, vì tôi không hề được đào tạo bài bản về âm nhạc. Do đó, tôi tiếp tục con đường học hành cho và tham gia các hoạt động xã hội tới khi tốt nghiệp đại học ngành CNTT với mong muốn sau này sẽ có một nghề nghiệp ổn định để kiếm sống và phụ giúp ba mẹ dù vẫn âm thầm sáng tác ca khúc. Sau 3-4 năm làm việc trong lĩnh vực CNTT, tôi nhận ra rằng, bản tính mình là người thích khám phá, thích di chuyển, trong khi nghề nghiệp của một kỹ sư CNTT lại có vẻ bó hẹp trong khuôn khổ, thế nên, năm 2013, tôi bỏ nghề và trở thành người sang tác nhạc như bạn thấy đấy. Hẳn nhiên, tôi phải nỗ lực hơn rất nhiều lần so với khi còn đi làm văn phòng để chứng minh với ba mẹ rằng lựa chọn của mình là đúng đắn. Bằng một loạt bài hát được giới trẻ đón nhận như Cô bé mùa đông, Câu chuyện mùa thu, Uống Trà, Bốn chữ lắm, Chạy mưa, Dấu mưa… cùng nhiều giải thưởng lớn như Bài hát mang phong cách Rock đương đại nổi bật của Bài hát Việt 2010, Nhạc sĩ Triển vọng của Bài hát Việt 2013, Top 10 nhạc sĩ được yêu thích nhất Làn sóng xanh 2016… tôi đã thuyết phục được ba mẹ.
Đâu là cảm hứng để anh sáng tác nhạc?
Tôi không phải là người thích đọc sách hay giỏi văn chương, bù lại, tôi rất thích trò chuyện với mọi người, và trong những lần gặp gỡ hay trò chuyện đó, tôi nhìn cuộc sống, con người xung quanh bằng góc nhìn của riêng mình. Chất liệu sáng tác cũng được hình thành từ những chiêm nghiệm đó. Ca từ của tôi thường ít khi bay bổng, mà gần gũi, dễ hiểu, rất đời và thường chứa đựng một ý niệm nào đó về cuộc sống. Tôi thích như vậy.
Quan điểm của anh về bức tranh thị trường âm nhạc Việt hiện nay? Có phải nó đang trong tình trạng xô bồ khi cứ người trẻ chẳng cần học hành gì, chỉ cần ngoại hình và có tiền là trở thành ca sĩ hot, còn nhạc sĩ thì chạy theo thị trường và sang tác theo đơn đặt hàng của ca sĩ?
Không, tôi không nghĩ vậy. Hẳn nhiên, giống như nhiều thị trường khác, ở Việt Nam cũng có những dòng nhạc thương mại, nhưng với tôi, trong âm nhạc không có khái niệm sang hay không sang, hàn lâm hay hàng chợ, mà là nghe được hay không, có hợp gu hay không. Theo tôi, trong thị trường này phải có sự lộn xộn thì mới là tốt chứ bởi càng có nhiều màu sắc, bạn càng có nhiều sự lựa chọn. Mọi người cứ thích nói về cụm từ định hướng âm nhạc. Không cần phải như vậy, vì nó sẽ làm mất đi tính sáng tạo của ngườj sáng tác, nhất là người trẻ. Mọi thứ sẽ tự sàng lọc theo quy luật tự nhiên, nhưng chắc chắn phải có giới hạn về nội dung.
Vậy sự sáng tạo nằm ở đâu nếu như những bài hit hiện nay đều na ná nhau về giai điệu, ca từ, nó khá dễ thuộc nhưng cũng dễ quên?
Sự sáng tạo được thể hiện ở nhiều khía cạnh chứ. Ngày xưa, các nhạc sĩ sáng tác thường theo nhịp 4/4, 3/4 hoặc đôi khi là 2/4, nhưng bây giờ thì nhạc sĩ có thể pha trộn nhiều phong cách như R&B, funky. Nhịp sống bây giờ rất nhanh, bản thân chúng ta cũng chọn cách nghe nhạc “nhanh”, tức là ở một khía cạnh nào đó đồng nghĩa với sự hời hợt, vì thế, âm nhạc cũng phản ánh chính thực tế đó. Đương nhiên vẫn còn những người thích sống chậm, thích nghe những bài hát xưa, nhưng tôi cho rằng, không quan trọng là bài hát có ca từ bình dân hay sang trọng, miễn là nó đừng rỗng tuếch. Một bài hát, dù ở thời điểm nào, sáng tác bằng hình thức nào cũng nên chuyển tải được ý niệm về cuộc sống.
Anh có định hình chỗ đứng của mình trong thị trường này?
Tôi cho rằng, vị trí của một nhạc sĩ/nghệ sĩ không do mình đặt ra, mà do khán giả định đoạt. Với tôi, âm nhạc là nơi để mình trút cảm xúc, chứ không phải là nơi để chứng minh vị trí.
Trong tất cả các bài hát của mình, anh tâm đắc nhất bài gì?
Ở mỗi thời điểm, tôi thích một kiểu. Nhưng một trong những bài hát tôi thích nhất là bài Uống trà, vì đó là trải nghiệm khó quên của tôi với gia đình, ba mẹ trong khoảng thời gian mới tốt nghiệp đại học.
Vài năm gần đây, sự trở lại của Bolero đang trở thành một trào lưu trong bối cảnh nhạc trẻ bị đánh giá là thị trường vàng, thau lẫn lộn. Anh nhận định như thế nào về sự lên ngôi của bolero?
Tôi thấy bolero là một hiện tượng phản ánh đúng thực tế cuộc sống. Khi nhịp sống quá nhanh, quá vội vàng, quá hỗn tạp, chúng ta sẽ có xu hướng thích được sống chậm, thích được quay trở lại một thời xa vắng với những kỷ niệm buồn. Mọi thứ sẽ tự sàng lọc, và chúng ta không có gì phải lo lắng cả.
Thường với một bài hát, người ta nhớ mặt ca sĩ thể hiện hơn là tác giả. Theo anh, mối quan hệ giữa ca sĩ và nhạc sĩ xét về khía cạnh kinh doanh hiện nay như thế nào?
Đó là chuyện hết sức bình thường. Nhưng với tôi, khi hợp tác với ca sĩ, tôi không đặt nặng chuyện tiền bạc lắm. Thước đo giá trị bài hát không nằm ở số tiền bán, mà là số lượng truy cập, tải về. Hẳn nhiên, trong một thị trường còn nhiều điều phải bàn như ở Việt Nam, chuyện kiếm tiền từ lượng truy cập, tải về vẫn rất nhọc nhằn bởi chúng ta chưa có nền công nghiệp âm nhạc (music industry), mà đơn thuần chỉ là showbiz. Tôi không viết theo đơn đặt hàng của ca sĩ vì chỉ coi âm nhạc là nơi trút cảm xúc. Viết thì dễ thôi, nhưng bài nào cũng giông giống nhau thì viết làm gì.
Vậy ngoài viết nhạc, hẳn anh còn sống bằng nghề khác nữa?
Đúng, tôi sống bằng công việc branding và marketing chứ không hoàn toàn sống bằng viết nhạc. Tôi viết nhạc để giải toả cảm xúc, chứ không phải để kiếm tiền. Lâu lâu, tôi làm mini show để hát với bạn bè.
Điều anh sợ nhất là gì?
Tôi sợ nhất là khi mình chán ghét âm nhạc.
Kế hoạch sắp tới của anh?
Tôi đang làm 2 album. Album đầu tiên chắc là hơi đại chúng, còn album thứ 2 là sự thử nghiệm với một bạn người Pháp. Album này được bắt đầu từ 6/2017 nhưng đến giờ vẫn chưa xong, hơi khó nghe một chút nhưng hy vọng sẽ mang lại một điều gì đó thú vị cho người nghe.
Xin cảm ơn anh và chú anh thành công hơn nữa!
Đôi nét về Phạm Toàn Thắng
Sinh năm 1987 tại thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Toàn Thắng là một người viết nhạc không qua đào tạo bài bản. Năm 2004, anh bắt đầu tạo dấu ấn trong làng nhạc bằng bản hit Cô bé mùa đông qua tiếng hát của Đăng Khôi và Thủy Tiên. Năm 2010, ca khúc Uống trà của anh được trao giải Bài hát được khán giả yêu thích tại chương trình Bài hát Việt. Sau đó, anh cho ra đời một loạt ca khúc đình đám như Muối ớt, Dấu mưa, Chạy mưa, Bốn chữ lắm, Tháng tư là lời nói dối của em…
Phạm Toàn Thắng sở hữu nhiều giải thưởng lớn như Bài hát mang phong cách Rock đương đại nổi bật – Bài hát Việt 2010; Giải thưởng sáng tạo – Bài hát Việt 2012; Top 10 nhạc sĩ được yêu thích nhất Làn sóng xanh 2014, 2-16; Bài hát của năm – Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2015…