Được biết anh vừa tham dự Liên hoan phim Toronto cùng bộ phim Người vợ ba mà anh phụ trách âm nhạc…
Đây là liên hoan phim đầu tiên mà tôi có cơ hội tham dự với vai trò nhà sản xuất âm nhạc cho phim Người vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh. Đoàn phim chúng tôi rất lo lắng về phản ứng của khán giả và các nhà phê bình đối với bộ phim. May thay, Người vợ ba đã nhận được nhiều nhận xét tích cực, dành được thiện cảm của giới làm phim. Tôi rất vui khi được xem phim chung với khán giả, chứng kiến các cung bậc cảm xúc của họ. Càng vui hơn nữa khi phim giành được NETPAC Award – giải thưởng dành riêng để giới thiệu các bộ phim có giá trị nghệ thuật của điện ảnh châu Á.
Mối lương duyên nào đưa anh đến với dự án này?
Phải cảm ơn đạo diễn Trần Anh Hùng và vợ là diễn viên Trần Nữ Yên Khê đã giới thiệu tôi với Phương Anh. Ngay từ lúc đến Ninh Bình xem quay hình, tôi đã cảm nhận được hơi thở mạnh mẽ của bộ phim. Việc sáng tác nhạc cho Người vợ ba cực kỳ thú vị. Đạo diễn để tôi tự do làm những gì mình muốn, mình thích. Suốt 3 tháng, tôi viết rất nhiều, thu âm với các nhạc sĩ ở Đài Bắc xong là gửi cho đoàn phim nghe, trao đổi ý tưởng, cần thì sửa lại nhạc hoặc viết thêm. Tôi cho rằng đó là một cách hợp tác hiệu quả.
Bộ phim Song Lang với phần âm nhạc của anh cũng vừa kết thúc công chiếu. Nhiều ý kiến cho rằng nhạc phim chưa hẳn phù hợp với tinh thần của nghệ thuật cải lương vốn xuyên suốt phim, anh nghĩ sao về nhận định trên?
Có rất nhiều cách để tiếp cận một bộ phim. Mọi người thường tập trung vào cải lương và Sài Gòn cũ trong phim này. Tôi và đạo diễn đã trao đổi nhiều về âm nhạc cho Song Lang. Đối với tôi, âm nhạc biểu thị tâm trạng, song cũng sẽ là chất xúc tác gợi lên những điều không thể nhìn thấy trên màn hình. Một khía cạnh mà tôi thấy rất nổi bật là bầu không khí “phim đen” khiến tôi nhớ đến những bộ phim Hồng Kông nổi tiếng đầu thập niên ’90. Vì vậy, tôi đã sáng tác nhạc cho phim theo hướng ấy. Hình ảnh đẹp và bản thân câu chuyện sẽ quyết định phần còn lại chứ tôi không cần phải thêm thắt gì.
Ngoài viết nhạc cho phim, anh còn có sở trường gì?
Tôi mới làm nhạc phim vài năm gần đây. Trước đó, tôi chủ yếu sáng tác cho mảng múa đương đại. Từ năm 2005, tôi đã hợp tác với biên đạo múa người Nhật Jo Kanamori và nhóm Noism của anh ấy, và 5 năm sau, bắt tay cùng cùng biên đạo múa Huang Yi người Đài Loan. Tôi đã khởi xướng một chương trình liên hoan nghệ thuật đương đại ở Sài Gòn có tên “FEEL in/out” nhằm tập hợp các vũ công, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia, họa sĩ, đạo diễn có chung đam mê. Một dự án ý nghĩa khác là tác phẩm “Thánh Gióng” cho đàn bầu và dàn nhạc vào năm 2013, được trình diễn tại nhà hát Berlin Philharmonie danh giá. Nghe đâu tôi là nhạc sĩ Việt đầu tiên có tác phẩm được biểu diễn ở đó. Ngoài ra, tôi cực kỳ yêu nhiếp ảnh. Bạn có thể thấy tôi đăng liên tục trên mạng xã hội những hình ảnh về cuộc sống thường nhật xung quanh. Tôi cũng đã hoàn thành một phim ngắn đầu tiên trong năm nay và sẽ còn nhiều dự án nữa trong tương lai gần.
Trưởng thành dưới cái bóng quá lớn của thân phụ – nhạc sĩ Tôn Thất Tiết – anh làm gì để không bị che phủ trong tầng “cây cao bóng cả” ấy?
Thật không hề dễ dàng! Tôi rất ngưỡng mộ và tôn trọng cha mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ cuộc sống của mỗi người được xây dựng nên bởi những gì ta tự làm theo cách riêng. Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn là người đơn độc như con sói hoang, và chỉ muốn đi theo con đường mình chọn. Thậm chí, tôi tự học soạn nhạc chứ không hề nhờ cha chỉ dẫn. Với cha, tôi là người may mắn, bởi tôi là người tự học nên có phong cách rất tự do, dù cũng đầy rủi ro.
Quê hương Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong âm nhạc của anh? Anh có ý định trở về Việt Nam để có điều kiện cống hiến cho nghệ thuật tốt hơn?
Tôi là người Việt, và tâm hồn tôi là hồn Việt. Tôi sinh ra và lớn lên ở Pháp nên âm nhạc của tôi mang những sắc màu đa văn hóa. Hồi còn ở Paris, tôi nhận thấy con đường đến với thành công của một nhạc sĩ gốc Á quá gian nan, vì vậy, dù thỉnh thoảng có về Việt Nam để thực hiện các dự án riêng, nhưng thực sự tôi thích sống ở Đài Loan.
Xin cảm ơn và chúc anh có nhiều tác phẩm ý nghĩa!
Đôi nét về nhạc sĩ TÔN THẤT AN
Anh sinh năm 1970 tại Pháp trong một gia đình gốc Việt có truyền thống âm nhạc. Thân phụ anh chính là nhạc sĩ nổi tiếng Tôn Thất Tiết, người sáng lập Hiệp hội Âm nhạc Pháp-Việt, người từng soạn nhạc cho 3 bộ phim nổi tiếng là Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng và đã được trao giải thưởng George Delerue năm 1995 tại Pháp về nhạc phim hay nhất cho bộ phim Xích lô.
Bên cạnh đĩa nhạc Circlesongs (2005), Tôn Thất An còn tự sản xuất hai album khác là Hyperbody (2010) và We were (t)here (2015) dù không phát hành chính thức. Phim ngắn mới nhất của anh với tựa đề Yet Untitled [Redux] vừa được công chiếu và được đánh giá cao tại Liên hoan phim ICI Việt Nam ở Paris – Liên hoan phim uy tín dành cho các nghệ sĩ, đạo diễn gốc Việt.
“Tôi là người rất lạc quan. Các tác phẩm âm nhạc, nhiếp ảnh của tôi lấy cảm hứng từ cuộc sống, từ những người xung quanh, những điều bình dị nhỏ nhất mà mình cảm thấy yêu quý, trân trọng.”