Các khách hàng thuộc độ tuổi từ 20 đến 30 đang ngày càng trở nên quan trọng trong thị trường xa xỉ.
2020 đã qua, và hẳn đây sẽ là một năm đáng nhớ nhất đối với ngành xa xỉ.
Bất chấp tình hình bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới đã tìm đến internet để mua sắm như một cách để giải khuây. Dữ liệu gần đây từ Financial News cho thấy có một sự suy giảm đáng kể trong các giao dịch thuộc lĩnh vực xa xỉ từ tháng 3/2020 do sự ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong 9 tháng tiếp theo, chúng ta lại chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào sự phát triển của bán hàng trực tuyến.
Rất nhiều thương hiệu hàng đầu đã thay đổi phương hướng hoạt động trong suốt khoảng thời gian đóng cửa bằng giải pháp chưa từng có tiền lệ khi chuyển trọng tâm sang các kênh thương mại điện tử. Đáng chú ý hơn, những người tiêu dùng trẻ tuổi và có hiểu biết về kỹ thuật số đã “đóng góp” đáng kể trong màn “tái sinh” này. Cụ thể, có 7,8% nhóm khách hàng xa xỉ thuộc độ tuổi 20s, trong khi đó, nhóm đối tượng thuộc độ tuổi 30s lại chiếm đến 21.4%. Tất cả những khách hàng trẻ tuổi trên đều có một đặc điểm chung đó là sở hữu ham muốn mãnh liệt với các sản phẩm từ những thương hiệu tên tuổi Pháp quốc. Chanel, Hermès và Louis Vuitton là các đại diện đứng đầu trong danh sách này.
Vốn dĩ từ lâu, những nhà chế tác xa xỉ, đặc biệt là các thương hiệu thuộc hàng top đã không mặn mà với việc bán hàng thông qua các kênh thương mại điện tử, và nếu có thì chỉ là chào hàng các sản phẩm như mỹ phẩm và nước hoa. Nhiều thương hiệu đã và đang có sự chuyển dịch đến phương hướng tiếp cận thị trường theo cách toàn diện hơn, nhưng với việc buộc phải đóng cửa tạm thời hàng loạt hàng trăm các cửa hiệu trên diện rộng, đồng thời buộc phải loại bỏ khoản thu có tiềm năng lợi nhuận từ khách du lịch, sự thay đổi này càng lúc càng phát triển với tốc độ cao hơn.
Hermès đã chứng kiến lưu lượng truy cập website lên đến mức kỷ lục – vốn là điều chưa từng có trong lịch sử mua sắm của các khách hàng từ thương hiệu. Vẫn chưa có bất kỳ lý do nào đủ thuyết phục để giải thích cho hiện tượng trên, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng điều này có thể liên quan đến việc loại bỏ những trải nghiệm được cho là… đáng sợ khi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Doanh thu của Louis Vuitton cũng sụt giảm mạnh mẽ trước khi lấy lại phong độ trong suốt mùa hè. Kết quả cho thấy, mức độ tăng trưởng của Louis Vuitton đã kịp thời quay trở lại mức hai con số, tương đương với khoảng thời gian trước đại dịch vào quý 3 năm 2020.