Minh hoạ: Lars Leetaru
Vào đêm thứ ba trong chuyến hành trình bằng lạc đà của tôi từ Jaisalmer, Ấn Độ, có một ông già quấn khăn choàng và một cậu bé ôm chặt ống đựng dầu bằng nhựa xuất hiện tại khu lán trại của chúng tôi. Họ chào hỏi rồi ngồi xuống bên bếp lửa.
Người đàn ông rút ra hai cây sáo giấu trong tấm khăn choàng và bắt đầu thổi - một giai điệu uyển chuyển, réo rắt và mê hoặc. Còn cậu bé thì đánh trống trên cái hộp rỗng, tạo ra những tiếng bùm ực như trống tabla. Tia lửa nổ lách tách. Bầu trời đầy sao. Trong sự im lặng dữ dội giữa các bài hát, bạn dường như cảm nhận được sự vô tận của vũ trụ. Và dù đang quấn trong chăn, nhưng tôi vẫn nổi da gà. Những gì tôi đang trải qua quả là choáng ngợp - và theo một cuốn sách gần đây, nó còn sâu sắc hơn bạn có thể tưởng tượng.
Trong cuốn Awe: The New Science of Everyday Wonder and How It Can Transform Your Life, Dacher Keltner, giáo sư tâm lý học tại UC Berkeley, lập luận rằng “cảm giác đứng trước một thứ gì đó rộng lớn vượt qua sự hiểu biết hiện tại của bạn về thế giới” được xếp vào danh sách những cảm xúc khó hiểu nhất nhưng mạnh mẽ nhất mà chúng ta sở hữu.
Phân tích của Keltner về câu trả lời của 2.600 người tham gia khảo sát từ 26 quốc gia cho danh sách câu hỏi về những trải nghiệm đầy cảm hứng cho thấy tám nguồn gốc của cảm xúc (“tám điều kỳ diệu của cuộc sống”), từ những điều hiển nhiên như thiên nhiên, âm nhạc, nghệ thuật, cho đến những thứ ít hữu hình hơn như “vẻ đẹp đạo đức của người khác” (lòng tốt, lòng dũng cảm...), sự hiển linh và trải nghiệm sinh tử. Keltner lập luận rằng sự choáng ngợp đôi khi là yếu tố khiến chúng ta nhìn xa hơn bản thân để đặt ra những câu hỏilớnvềsựtồntạihayvũ trụ, có thể là để tìm kiếm câu trả lời, dù là tâm linh hay khoa học.
Trong phần lớn thời gian du ngoạn của mình, tôi thường rơi vào tình trạng choáng ngợp trước mọi sự việc. Trong hành trình tìm kiếm những trải nghiệm “wow”, tôi đã chinh phục dãy Annapurna ở Himalaya và lái xe trên cao tốc Pamir đến vùng đất cằn cỗi ngập nắng của Tajikistan, một vùng sa mạc heo hút, nơi những sọ cừu cháy đen trong những ngôi đền ven đường luôn len lỏi vào giấc mơ chập chờn của tôi.
Trong hành trình đi tìm cảm giác choáng ngợp, tôi đã đến Quần đảo Neptune của Nam Úc để lặn cùng những con cá mập trắng. Tôi cảm thấy có một đặc ân to lớn khi được treo lủng lẳng ở độ sâu hơn 60 feet dưới mặt nước giữa những kẻ săn mồi hung hãn. Tôi đã tận mục sở thị vẻ đẹp và sự tiến hóa của chúng. Sau ba lần lặn, tôi đã có thể nhận ra từng sinh vật biển.
Điều ngạc nhiên là sự choáng ngợp lại hiện diện xung quanh bạn. “Các giả định về văn hóa cho thấy sự choáng ngợp chính là cảm giác bí ẩn này – cảm giác chỉ xảy ra khi gặp Chúa hoặc chiêm bái công viên quốc gia kỳ vĩ Grand Canyon,” - Keltner nói với tôi. “Hóa ra đó là một trong những cảm xúc phổ biến nhất. Bạn có thể nuôi dưỡng và cảm nhận nó vài lần một tuần. Bạn chậm lại và đừng cố gắng gồng mình. Sau đó, hãy nghĩ về tám điều kỳ diệu đó theo những cách có chủ đích”.
Điều này nghe giống như thuật ngữ chánh niệm. Năm ngoái, khi bách bộ ở Via degli Dei ở Bologna - nơi cách Florence 80 dặm - dọc theo những con đường cổ xưa của người Etruscan, tôi đã ngồi suốt một giờ để cảm nhận gió thổi qua cánh đồng cỏ ngập nắng. Một câu trích dẫn của Albert Einstein lướt qua đầu tôi: “Kẻ nào không còn có thể dừng lại để kinh ngạc và sững sờ vì kinh ngạc, coi như kẻ đó đã chết”.
Một lần khác, cũng trên con đường mòn đó, tôi lững thững đi qua một khu rừng. Những vệt nắng vàng rải rác trên con đường rêu phong, tán cây gợn sóng trên đầu như mặt đại dương. Tôi cảm nhận được những điều mà bản thân không thể giải thích, ngoại trừ cảm giác mình thật nhỏ nhoi trước thời gian và vẻ đẹp đến ngạt thờ của thiên nhiên diệu kỳ.
Một buổi sáng ở Via degli Dei, chủ nhân một quán trọ khoảng 70 tuổi ngăn tôi lại khi tôi đang chuẩn bị bước ra ngoài. “Để có thêm năng lượng trên đường,” Jolanda giải thích khi đưa cho tôi bánh quy hạnh nhân và vỏ cam cantucci tự làm. Khi biết rằng bà đã dậy lúc 5 giờ sáng để nướng chúng, tôi đã xúc động không nói nên lời.
Keltner gợi ý rằng sự choáng ngợp mang lại lợi thế cho quá trình tiến hóa. Những giọt nước mắt xúc động rơi xuống khi chúng ta nhận ra những gì gắn kết mình với cộng đồng. Khoảnh khắc tôi nổi da gà trên sa mạc chính là một nhu cầu bình thường của loài động vật có vú. “Đó là một mạch ven trong suy nghĩ tiến hóa của con người.” – Keltner chia sẻ. Nó đi ngược lại chủ nghĩa cá nhân trong “gen ích kỷ” của Richard Dawkins. Và cũng là lý do tại sao Keltner, sau 20 năm nghiên cứu về hạnh phúc, tin rằng sự choáng ngợp là “bí quyết để sống một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa.” Trải nghiệm về sự choáng ngợp sẽ giải phóng oxytocin, một loại hoóc-môn hạnh phúc giúp thúc đẩy sự đồng cảm. Chúng cũng làm giảm lo lắng bằng cách kích thích dây thần kinh phế vị giữa hệ thần kinh và đường tiêu hóa.
Cảm giác choáng ngợp không liên quan đến sự giàu có - không ai trong số những ứng viên tham gia khảo sát của Keltner coi tiền bạc hoặc tài sản là nguồn gốc của sự choáng ngợp. Những bữa ăn ngon trong một khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng xa xỉ có thể là trải nghiệm tuyệt vời, nhưng tôi cá rằng những cuộc gặp gỡ và khám phá thế giới xung quanh mới là điều khiến bạn nhớ nhất.
Du lịch chính xác là lĩnh vực phản ánh đúng cảm xúc đó. Tôi cho rằng sự choáng ngợp là lý do đầu tiên khiến chúng ta xách ba lô lên đường để mở rộng tầm mắt, khám phá thế giới. Và theo Keltner, điều đó có tiềm năng giúp chúng ta trở thành những con người tốt hơn. Vậy thì hà cớ gì mà chúng ta không xách ba lô lên đường?