Đại dịch Covid-19 đang gây ra những hệ lụy khủng khiếp và chưa có tiền lệ cho ngành đồng hồ thế giới. Baselworld bị hủy. Watches & Wonders cũng chịu chung số phận. Thế giới đồng hồ giờ đây không khác gì một trận bóng thiếu đi những siêu sao có khả năng định đoạt trận đấu.

Tuy nhiên, chính thách thức của đại dịch mang tên Covid-19 này lại là “chất xúc tác” cho những thay đổi mang tính bản lề đối với nhiều thương hiệu cũng như toàn thể ngành “công nghiệp thời gian”. Những xu thế dưới đây – dù không quá xa lạ – vẫn được xem là các gam màu chủ đạo trong giai đoạn hiện nay.

Rolex cùng nhiều thương hiệu danh tiếng đã nói lời chia tay với Baselworld

Có mới nới cũ

Không hẳn là xu thế. Đây đúng hơn là cú sốc lớn của ngành đồng hồ khi một loạt “ông lớn” như Rolex, Patek Philippe, Chopard, ChanelTudor đồng loạt rút lui khỏi Baselworld – triển lãm lâu đời và danh tiếng bậc nhất thế giới. Khi thông cáo từ phía Tập đoàn MCH (đơn vị tổ chức Baselworld) còn chưa kịp ráo mực, các thương hiệu đồng hồ của Tập đoàn LVMH như Bulgari, TAG Heuer, HublotZenith tiếp tục nối gót 5 thương hiệu kể trên nói lời tạm biệt với Basel. Đích đến của họ sẽ là một sự kiện đồng hồ diễn ra vào tháng Tư năm 2021 tại Geneva dưới sự hợp tác cùng FHH – nhà tổ chức Triển lãm Watches & Wonders. Bản thân sự kiện Watches & Wonders thay vì diễn ra trong cung triển lãm truyền thống thì nay được chuyển sang nền tảng số hóa. Sự kiện chính diễn ra vào ngày 25/4 với màn ra mắt “online” của hàng loạt siêu phẩm cũng như các ý tưởng mới mẻ từ nhiều thương hiệu. Với Baselworld, lịch sử xem ra đã được khép lại theo cách không mấy dễ chịu.

Cơn bão Covid-19 đang khiến các thương hiệu phải bỏ qua định kiến bấy lâu về chuyện bán hàng qua mạng

Bán hàng qua mạng

Đồng hồ cao cấp, về cơ bản vẫn được phân phối qua hệ thống cửa hàng truyền thống. Một phân tích của Morgan Stanley cho thấy, doanh số thông qua các cửa hàng bán lẻ chiếm tới 90% tổng doanh số của ngành đồng hồ Thụy Sĩ.

Lâu nay, chuyện bán hàng online gần như là điều không tưởng với các thương hiệu như Patek Philippe hay Rolex. Ngoài vị thế vững chãi trong ngành đồng hồ cao cấp, đây cũng chính là những thương hiệu có doanh số vô cùng đáng nể. Tuy nhiên, cơn bão Covid-19 đang khiến các thương hiệu phải bỏ qua định kiến bấy lâu. Nói đâu xa, bản thân Patek Philippe đã bắt đầu bán hàng trực tuyến thông qua các trang mạng như London Jewelers hay Berry’s.

Những sản phẩm đầy ấn tượng trong dòng Heritage của thương hiệu Montblanc

Những gam màu tươi mới

Rồi đây, bữa sáng của bạn có thể là nguồn cảm hứng cho chiếc Rolex tiếp theo. Thật vậy, chúng ta đang được chiêm ngưỡng những chiếc đồng hồ với mặt số theo kiểu “cá hồi xông khói” như A. Lange & Sohne’s Datograph Perpetual Tourbillon hay bộ ba sản phẩm trong dòng Heritage mà Montblanc giới thiệu tại Watches & Wonders năm nay. Chính màu sắc đã góp phần tạo nên sức sống cho dòng sản phẩm theo kiểu cổ điển. Bản thân Montblanc và IWC cũng là hai thương hiệu gắn liền với các tông màu mang hơi thở tự nhiên.

Rốt cuộc, chúng ta đang dần thoát khỏi “ách thống trị” của màu xanh dương đầy ám ảnh suốt gần một thập kỷ qua. Các gam màu như xanh lá, xanh rêu hay vàng tươi đang dần phổ biến trên các “cỗ máy thời gian”. Xét cho cùng, các nhà chế tác đang trở nên phóng khoáng và cởi mở hơn trong các thiết kế của mình. Ngay cả các bộ sưu tập mang tính chuẩn mực cũng không còn bị giới hạn bởi “tam tấu” Đen – Xanh dương – Trắng.

Baume & Mercier Hampton Collection – cảm hứng từ phong cách kiến trúc của thập niên 20

Nét hoài cổ

Tìm về thời quá vãng cũng là cách để các thương hiệu đồng hồ làm mới bản thân trong khuôn khổ cho phép. Dĩ nhiên, bạn không thể đơn thuần tái hiện một thiết kế – dù là kinh điển – rồi chờ đợi thành quả. Phải có câu chuyện và thông điệp cảm xúc phù hợp cho sản phẩm mà mình tạo ra.

Thật ra, hoài cổ không phải là điều gì đó quá mới mẻ trong ngành đồng hồ. Có chăng là nỗ lực làm mới từ các thương hiệu mà thôi. Đó có thể là chức năng báo giờ điện tử trên chiếc Bulova Computron hay thiết kế cực “ngầu” trên dòng Seiko Devil Divers ra đời từ những năm 1960. Thậm chí, có thương hiệu còn hồi sinh các mẫu đồng hồ thịnh hành từ những năm 40-70 của thế kỷ 20. Tiêu biểu có TAG Heuer với việc tái hiện phong cách xe đua cổ điển trên chiếc Autavia với kiểu mặt số xanh dương hoặc nâu nhạt. Thương hiệu Tudor thậm chí còn đi xa hơn với việc tái hiện một mẫu đồng hồ gần như chưa từng tồn tại bằng chiếc P01 “Commando” dành cho các thợ lặn Hải quân Hoa Kỳ trong giai đoạn 1968. Trong khi đó, Patek Philippe tung ra dòng Calatrava theo phong cách cổ điển với 5 kim chỉ báo cùng hiện diện trên mặt số.

H.Moser&Cie. Endeavour Tourbillon Concept Vantablack

Thiết kế mang tính vị lai

Cũng giống xe hơi, ngành đồng hồ đang có những thay đổi mạnh mẽ về mặt thiết kế. Đó có thể là sự dịch chuyển về mặt tỉ lệ, kiểu tạo hình theo mô thức khí động học hay các hiệu ứng quang học và chuyển động. Các thiết kế kiểu này thường khác xa hình ảnh một chiếc đồng hồ theo kiểu truyền thống. Tất cả được tạo nên bằng trí tưởng tượng của các nhà chế tác muốn bỏ qua truyền thống để hướng tới những nghiên cứu mang tính đột phá. Chẳng hạn, thương hiệu H. Moser & Cie. của Thụy Sĩ tung ra chiếc Swiss Alp Watch Concept Black với mặt số đen tuyền và chỉ để lộ duy nhất bộ phận tourbillon. Nếu muốn nghe giờ, bạn phải kích hoạt tính năng điểm chuông rồi đếm tiếng theo kiểu thủ công.

Trong khi đó, Montblanc giới thiệu chiếc 1858 Automatic 24H với một kim duy nhất trên mặt số. Như thường lệ, Urwerk tung ra mẫu UR-111C với phần thân vỏ ấn tượng đến độ James Bond cũng khó lòng từ chối. Nói về đột phá, Roger Dubuis là cái tên không thể thiếu với mẫu đồng hồ Excalibur Twofold giới hạn chỉ 8 chiếc. Đây là dòng sản phẩm có thiết kế theo kiểu phim viễn tưởng với việc sử dụng các chất liệu như sợi vô cơ tổng hợp (MCF) hay cao su Flo với khả năng phát quang cực mạnh trong bóng tối.

Purnell Escape IIS Treasure – mẫu đồng hồ tuyệt đẹp dành cho nữ giới

Bình đẳng giới

Suốt nhiều năm lịch sử, đồng hồ về cơ bản vẫn là món đồ dành riêng cho nam giới. Chẳng ai mặn mà với đồng hồ nữ. Đâu đó có vài chiếc theo kiểu điện tử sơ sài. Ngày nay, mọi thứ đang dần thay đổi theo trào lưu bình đẳng giới. Hầu hết các thương hiệu đều có sự đầu tư đích đáng dành cho phái đẹp.

Tuy nhiên, về bản chất, việc thiết kế đồng hồ nữ vẫn là “nghĩa vụ” hơn là lựa chọn tự nguyện. Vấn đề nằm ở chỗ, phụ nữ cũng kén chọn đồng hồ không thua gì nam giới. Họ cũng ưa cái đẹp, ưa đồng hồ cơ bắp và các bộ truyền động phức tạp thay vì các thiết kế màu mè hay nạm đầy đá quý. Cách duy nhất là dành cho họ các bộ sưu tập riêng thay vì “ké mâm” nam giới.

La Musique du Temps Les Cabinotiers Grand Complication Split-Seconds Chronograph ‘Tempo’ – Siêu đồng hồ 24 tính năng của Vacheron Constantin

Chất liệu và tính năng mới

Các-bon tổng hợp trở nên ngày một phổ biến trong ngành đồng hồ bên cạnh các chất liệu như titanium, gốm sứ hay thuỷ tinh. Ấy là chưa kể các loại thiên thạch từ Sao Hỏa hay Mặt Trăng được ứng dụng trên mặt số của chiếc Hermès Arceau L’Heure De La Lune. Chất liệu mới mẻ không chỉ làm tăng giá trị thẩm mỹ mà còn nâng cao độ chính xác và hoàn thiện công năng của các mẫu đồng hồ hiện đại.

Trong khi đó, với siêu phẩm La Musique du Temps Les Cabinotiers Grand Complication Split-Seconds Chronograph ‘Tempo’, Vacheron Constantin chính thức vượt qua Patek Philippe về số lượng tính năng phức tạp trên một chiếc đồng hồ. Sở hữu bộ truyền động được tạo nên từ 1.163 chi tiết, mẫu đồng hồ của Vacheron Constantin có khả năng hiển thị 24 tính năng các loại. Đặc biệt, thương hiệu Piaget gây bất ngờ cho công chúng khi thương mại hoá thành công chiếc Altiplano Ultimate Concept – mẫu đồng hồ có độ dày chỉ 2mm.

(Bài viết trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Sáu mang chủ đề “The Masters of Time”)