Thế Vận Hội Olympic Tokyo 2020 đang bước vào những ngày tranh tài “nảy lửa” với 206 nước tham dự và 33 bộ môn thi đấu (từ 23/7 đến 8/8/2021). Theo dòng sự kiện “nóng” này, hãy cùng điểm qua những gương mặt vận động viên trong lịch sử Olympic hiện sở hữu khối tài sản “kếch xù” nhất thế giới.
5. Serena Williams – 210 triệu USD
Trong lịch sử quần vợt nữ, Serana Williams là cái tên huyền thoại không thể không nhắc đến với bảng thành tích đáng ngưỡng mộ gồm 23 lần đạt danh hiệu Grand Slam đơn, 8 lần chiếm vị trí số 1 thế giới từ năm 2007-2011 và đoạt 4 huy chương vàng Olympic các năm 2000, 2008, 2012 và 2016.
Theo dữ liệu cập nhật từ Celebrity Net Worth, hiện tay vợt người Mỹ 39 tuổi này đang sở hữu giá trị tài sản ước tính 210 triệu USD. Hằng năm, Serena “bỏ túi” thu nhập hơn 8 triệu USD và nhận được nhiều hợp đồng quảng cáo lên tới 20 triệu đô từ các nhà tài trợ danh tiếng như Nike, Wilson, Aston Martin, Pepsi, IBM và Intel. Tính tới năm 2020, theo Essentially Sports, tổng số tiền thưởng mà Williams kiếm được cao gấp đôi so với mọi tay vợt nữ khác, khoảng gần 94 triệu USD từ Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA).
Hơn thế, tờ Forbes cho biết công ty đầu tư mạo hiểm Serana Ventures của cựu vận động viên Olympic này đã đầu tư vào hơn 50 doanh nhân khởi nghiệp trong suốt 6 năm, thu được lợi nhuận xấp xỉ 10 triệu USD. Năm 2018, bà cho ra mắt thương hiệu thời trang cá nhân mang tên S by Serena, và tiếp tục đến tháng 5/2021, Serena đã cùng rapper nổi tiếng Jay Z đầu tư 19 triệu USD vào Nền tảng Bitski NFT.
4. Roger Federer – 450 triệu USD
Nếu trong làng banh nỉ nữ thế giới có Serana Williams, thì Roger Federer là gương mặt nam tiêu biểu thành công nhất trong lịch sử môn thể thao này. Tay vợt điển trai người Thụy Sĩ này nắm giữ nhiều kỷ lục với 20 chức vô địch Grand Slam, 8 lần vô địch Wimbledon cùng 2 giải Olympic, trong đó bao gồm một huy chương vàng đôi nam ở Bắc Kinh 2008, và một huy chương bạc đơn nam tại London 2012.
Theo thống kê tháng 5/2021 của Forbes, Federer nằm trong danh sách những động viên được “trả lương” cao nhất với mức 90 triệu USD. Ngoài ra, ông còn có khoản thu “khổng lồ” từ quảng cáo của các nhãn hàng như Rolex, Mercedes-Benz, Barilla, Moët & Chandon, Credit Suisse và ON. Đặc biệt, sau khi kết thúc mối quan hệ hợp tác 20 năm cùng nhà tài trợ trang phục Nike, ngôi sao gần chạm ngưỡng 40 tuổi này đã kí hợp đồng “khủng” 10 năm với thương hiệu Uniqlo Nhật Bản, có trị giá 300 triệu USD.
Tay vợt với biệt hiệu “Tàu tốc hành” còn thành lập quỹ Roger Federer Foundation, nhằm hỗ trợ giáo dục, y tế cho trẻ em ở miền nam châu Phi với kinh phí 50 triệu USD. Mặc dù giấc mơ giành chiếc huy chương vàng Olympic Tokyo 2020 của Federer đã tan thành mây khói bởi sự cố chấn thương, thế nhưng ông vẫn không quá thất vọng khi mang về 4,7 triệu USD trong cuộc đấu giá 820 món kỷ vật của mình tại Christie’s ở Luân Đôn hồi đầu tháng 7. Toàn bộ số tiền thu được sẽ đóng góp vào các dự án thiện nguyện của tổ chức ra đời từ năm 2003 này.
3. Floyd Mayweather, Jr. – 1,2 tỷ đô la Mỹ
“Độc cô cầu bại” là danh xưng mà giới hâm mộ quyền Anh đặt cho Floyd Mayweather, Jr – một tay đấm chuyên nghiệp người Mỹ lừng danh mọi thời đại và từng giành huy chương đồng tại Olympic 1996. Ở tuổi 44, ông nắm giữ trong tay khối tài sản khoảng 1,1 tỷ USD. Cụ thể, phần lớn doanh thu của ông đều đến từ các giải đấu chuyên nghiệp, thậm chí ở mức hàng triệu đô la cho một trận, đơn cử là hai trận đấu nổi bật cùng võ sĩ người Philippines Manny Pacquiao (300 triệu USD) và cựu vận động viên Conor McGregor (350 triệu USD) tại Giải vô địch đối kháng đỉnh cao (UFC) lần lượt vào năm 2015 và 2017.
Floyd Mayweather có niềm đam mê sâu sắc với đồng hồ. Năm 2018, ông đã bổ sung vào bộ sưu tập “cỗ máy thời gian” của mình bằng mẫu đồng hồ Billionaire nạm kim cương, nặng 280 carat với giá 18 triệu USD của thương hiệu Jacob & Co. Không những thế, ông hoàng đấm bốc còn sở hữu chuyên cơ cá nhân Gulfstream G650 60 triệu USD, 2 biệt thự tổng trị giá 35 triệu tại Beverly Hills và Las Vegas cùng hàng loạt siêu xe, bao gồm 5 chiếc Rolls-Royce (2 chiếc Phantom, 1 chiếc Rolls-Royce Dawn, 1 siêu xe mui trần Rolls-Royce Phantom Drophead Coupe và 1 chiếc Rolls-Royce Wraith).
2. Anna Kasprzak – 1,4 tỷ USD
Gây ấn tượng mạnh bởi ngoại hình trẻ trung và lôi cuốn, ít ai biết được rằng kỵ sĩ người Đan Mạch Anna Kasprzak là một trong 8 tỷ phú dưới 30 tuổi giàu nhất thế giới. Mang trong mình niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn cưỡi ngựa, cô bắt đầu tham gia thi đấu khi chỉ mới 16 tuổi và giành được 8 huy chương, trong đó nổi bật phải kể đến huy chương bạc tại Giải vô địch châu Âu FEI (FEI European Championships) năm 2017.
Ngoài ra, Kasprzak cũng từng góp mặt tại Olympic 2016 ở Rio de Janeiro và xếp vị trí thứ 14.
Dựa trên số liệu từ Forbes, Kasprzak hiện đang cùng anh trai André và mẹ là Hanni Toosbuy Kasprzak sở hữu tập đoàn sản xuất giày ECCO của Đan Mạch – được thành lập bởi ông ngoại của Kasprzak là Karl Toosbuy từ năm 1963, có giá trị lên tới 1,46 tỷ USD. Sản phẩm của ECCO được bán khắp 90 quốc gia khác nhau qua 2.200 cửa hàng lớn nhỏ. Hiện cô đang sở hữu trang trại nuôi ngựa riêng tại Haderslev – một thị trấn ở phía Nam Đan Mạch.
1. Ion Tiriac – 1,7 tỷ USD
Ion Tiriac là một tỷ phú người Rumani, đồng thời là cựu vận động viên tennis và khúc côn cầu trên băng chuyên nghiệp với tài sản lên đến 1,7 tỷ USD. Năm 1964, ông từng có mặt trong đội tuyển khúc côn cầu quốc gia tham dự Olympic mùa đông Innsbruck (Áo), nhưng sau đó huyền thoại này lại chuyển sang bộ môn quần vợt và không ngừng tập luyện cùng người bạn thi đấu lý tưởng Ilie Nastase – một trong những tay vợt trứ danh của những năm cuối thế kỷ 20. Cặp đôi ăn ý này đã giành chức vô địch đôi nam tại Roland Garros năm 1970.
Về sự nghiệp, kinh doanh là chìa khóa đã giúp ông trở thành “tỷ phú”. Năm 1990 khi chế độ cũ sụp đổ tại Rumani, ông bắt đầu thành lập Banca Tiriac – Ngân hàng Tư nhân đầu tiên tại quê nhà – và liên tục tham gia đầu tư nhiều lĩnh vực gồm bảo hiểm, dịch vụ thuê ô tô và đại lý, bất động sản và các hãng hàng không địa phương.
Năm 2007, Tiriac trở thành người Rumani đầu tiên lọt vào Top 1.000 doanh nhân có giá trị tài sản 1,1 tỷ USD của Forbes. Theo Romania Insider, khối tài sản của Tiriac đã đạt đỉnh 2 tỷ USD vào năm 2014, giúp tay vợt này soán ngôi vương từ tay vận động viên giàu nhất thế giới Michael Jordan vào thời điểm bấy giờ. Ông hiện là Chủ tịch Liên đoàn Tennis Romania.
Ngoài những cái tên đình đám kể trên, danh sách các vận động viên Olympic kiếm tiền “khủng” nhất còn có thể kể đến như: Caitlyn Jenner – người bố chuyển giới của siêu mẫu đình đám Kendall Jenner và doanh nhân Kylie Jenner – từng giành huy chương vàng Olympic Mùa hè 1976 môn điền kinh tại Montreal (Canada) – sở hữu khối tài sản 100 triệu USD; cựu vận động điền kinh người Jamaica với kỷ lục chạy nhanh nhất trong lịch sử Usain Bolt (Tài sản: 90 triệu USD) và kình ngư người Mỹ Michael Phelps (Tài sản: 80 triệu USD).
Thông tin trong bài tổng hợp từ South China Morning Post