Thời đại công nghệ chứng kiến sự thay đổi đến chóng mặt của ngành công nghiệp vận tải.

Chỉ mấy năm trước, người ta đang nói đến xe lai hợp (Hybrid) với sự kết hợp giữa chất đốt và điện như một phương án đối phó với những tiêu chuẩn ngặt nghèo về khí thải ở các quốc gia phát triển, nhưng vào thời điểm này, xe thuần điện (EV) đã trở thành một xu thế tất yếu của ngành công nghiệp ô-tô. Một thương hiệu xe thể thao lẫy lừng như Porsche không ngần ngại công bố dự án “điện hóa” toàn bộ các mẫu xe của mình bằng một kế hoạch lên tới 6 tỉ euro. Gần như ngay lập tức, hầu hết các “ông lớn” của ngành xe hơi từ Âu đến Á đều đưa ra những kế hoạch dài hơi và giàu tham vọng về loại hình sản phẩm nói trên. Rồi đây, ngay cả những siêu xe hầm hố bậc nhất cũng phải từ bỏ động cơ đốt trong để thay bằng bộ pin công suất lớn. Đây là điều ít ai dám nghĩ tới, hay đúng hơn là không muốn nghĩ tới chỉ vài năm trước đây.

Nói đâu xa, một thương hiệu lẫy lừng như Ford dù đang đứng đầu về doanh số tại một thị trường khó tính như Anh quốc nhưng hiện tại chỉ được xem như “cái bóng” mờ nhạt của chính mình. Hiện tại, tình hình tài chính của Ford tại thị trường châu Âu đang ở trong tình trạng không mấy sáng sủa. Nhiều người đang tự hỏi, liệu Ford có tiếp nối đồng hương GM để rút khỏi châu Âu hay không.
Tuy nhiên, là một “cây đại thụ” của ngành công nghiệp ô-tô, Ford có lẽ không dễ dàng từ bỏ như vậy. Hiện tại, thương hiệu xe Mỹ đã thiết lập trung tâm công nghệ ở Luân Đôn nhằm thử nghiệm những loại hình vận tải mới nhằm chuyển đổi từ một thương hiệu xe hơi thuần túy sang một nhà cung cấp dịch vụ vận tải đa năng. Ford thừa nhận họ đang bước vào cuộc chơi công nghệ với một tinh thần vô cùng nghiêm túc.
Trong khi đó, từ châu Á xa xôi, đại diện của Toyota cũng tái khẳng định kế hoạch chuyển đổi từ một công ty xe hơi sang “công ty vận tải đa năng” tương tự như đối thủ từ Mỹ. Thương hiệu xe Nhật đã và đang tung ra nhiều mẫu xe mang đậm tính vị lai.

Ngay cả một thương hiệu xe sang nổi tiếng như Aston Martin cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi xe điện. Ông Andy Palmer, Tổng giám đốc Aston Martin, cho rằng, những thương hiệu không có khả năng thích nghi tất yếu sẽ thất bại. “Các hãng xe nhỏ sẽ về chung một mái nhà với nhiều ông lớn, thế giới sẽ chỉ còn vài ‘siêu tập đoàn’ xe hơi giống như Airbus hay Boeing trong ngành hàng không. Một số thương hiệu sẽ ra đi, vài thương hiệu mới sẽ xuất hiện. Thành công có, thất bại cũng có. Rõ ràng, khả năng thích nghi với xu thế vận tải mới sẽ quyết định khả năng thành bại của thương hiệu”, Andy khẳng định.