Ở một thế giới không lý tưởng


Khi Instagram từ một kênh mạng xã hội trở thành cỗ máy kiếm tiền chỉ dựa vào những bức hình, nhiều nhà xã hội học so sánh hiện tượng này với giai đoạn khi nền truyền thông đại chúng mới manh nha phát triển vào cuối thế kỉ 19. Những trang tạp chí như Cosmopolitan hay Vogue vẽ ra viễn cảnh về một thế giới xa xỉ hào nhoáng của giới thượng lưu. Những chiếc du thuyền của John Jacob Astor, những bộ váy cải tiến từ nước Pháp, những dạ tiệc phù hoa như thể bước ra từ cuốn sách The Great Gatsby của nhà văn F. Scott Fitzgerald... tất cả đều lấp lánh trong những bức minh họa, và là kết nối mơ hồ giữa một thế giới người đọc với thế giới trong trang báo, cũng đồng thời là thế giới của một địa vị cao hơn. Phương tiện truyền thông càng phát triển đồng nghĩa với việc những hình ảnh ngày càng sống động hơn, thu hút hơn, và khiến nhiều người ao ước hơn. Đó là một trong những biện chứng về địa vị, theo diễn giải của Alain de Botton.


Triết gia đương đại người Anh ra mắt cuốn sách bestseller Status Anxiety (Bản tiếng Việt có tên Nỗi lo âu về địa vị do Nhã Nam phát hành) vào năm 2004. Cũng giống những cuốn sách trước đó như Essays in Love (1993) hay How Proust Can Change Your Life (1997), De Botton tiếp cận một chủ đề tưởng cũ nhưng chẳng bao giờ lạc mốt như thuật ngữ “địa vị” từ những phản biện dựa trên sự cộng hưởng của triết học, tâm lý học và xã hội học. Cuốn sách có hai phần: Nguyên nhân và Giải pháp. Như vậy, với de Botton, những lo âu về địa vị là một hiện tượng biện chứng không chỉ ẩn chứa những điều tích cực, những người có địa vị không nhất thiết sẽ có một cuộc đời toàn màu hồng, và một xã hội nơi địa vị được tôn vinh chắc chắn không phải là một xã hội lý tưởng. Trên thực tế, đó là một xã hội khởi tạo từ việc những cá thể trong đó đang từng ngày từng giờ tìm kiếm tình yêu từ thế giới. Một biểu hiện rõ ràng nhất của sự ái kỷ tiềm tàng. Một xu hướng không chỉ có Alain de Botton mới chú ý đến, mà rất nhiều nhà triết học và xã hội học trước ông cũng đã tìm cách lý giải như Adam Smith, David Hume, Hobbes, De Tocqueville, Marx, Paine, Rousseau… Đọc sâu hơn, ta sẽ thấy đây cũng là những cái tên được nhắc đến, cùng các dẫn xuất về cách mỗi người nhìn nhận cái gọi là địa vị và ý nghĩa của danh từ phổ biến này trong mỗi thời đại họ sống.


Phương tiện truyền thông càng phát triển đồng nghĩa với việc những hình ảnh ngày càng sống động hơn, thu hút hơn, và khiến nhiều người ao ước hơn.


Sự lo lắng về địa vị ở thời đại nào cũng có, từ những nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Jane Austen coi chuẩn mực tìm chồng là địa vị xã hội của người đàn ông, cho đến một vị quý tộc khoe mẽ dáng vóc và khu biệt trang của mình qua những bức họa baroque; từ một Alexander Đại đế nhận cú sốc tinh thần khi bị Socrates chối từ bổng lộc danh vọng, cho đến sự ngạo mạn nức tiếng của Napoleon… nhưng De Botton cho rằng sự âu lo này đã tiến lên một nấc thang mới ở thế kỷ 21.


Vượt xa tính ái kỷ nội tại mà ai trong chúng ta ít nhiều cũng có, sự lo lắng về địa vị biến thiên thành một phiên bản khắc nghiệt hơn ở thời đại nơi chủ nghĩa tư bản thống trị, nơi có những xã hội khoác bề ngoài bình đẳng nhưng rối ren hơn thua ở bên trong. Đó cũng là xã hội vẫn còn sự chênh lệch đáng kể giữa giàu - nghèo, nam - nữ, giữa lợi ích cá nhân và kỳ vọng tập thể. Cũng từ điều này, De Botton đi thẳng vào cuốn sách với những phân tích về sự căng thẳng liên quan tới vật chất, rằng lo lắng về địa vị bắt đầu khi cá nhân luôn sống trong sự sợ hãi bị xã hội coi là “thất bại” về mặt vật chất, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan khác như sự hợm hĩnh, tính đố kỵ, mưu cầu yêu thương. Nỗ lực cố gắng ngày đêm leo lên những nấc thang xã hội cũng chỉ đơn giản bắt nguồn từ vấn đề rất cơ bản mà chính Karl Marx đã nêu ra trong cuốn Capital của mình. Sau Karl Marx cả một thời đại, Instagram bằng một lẽ nào đó đã chứng minh mình chính là một trong những công cụ để đẩy sự âu lo về địa vị lên cao hơn, vừa là chất kích thích mang đến cho người ta những ảo giác rằng mình đang được chú ý đến và đang được tôn sùng.


Có phép giải nào cho nỗi âu lo?


Chủ nghĩa tư bản có thể là một trong những tội đồ sản sinh ra những “bi kịch” về khao khát địa vị, nhưng liệu có những ánh sáng cuối đường hầm? Liệu nếu chủ nghĩa tư bản vẫn sẽ ở đó mãi, thì cơn âu lo này sẽ chẳng bao giờ được chữa lành? Nhất là khi ngày nay mỗi cá nhân đều không ngừng vượt qua người khác để leo cao và xa hơn trong thang bậc xã hội, và ai cũng muốn là “nhân tài” trong một chế độ trọng dụng những người tài năng để xứng đáng đứng trên đỉnh cao của xã hội.


Trong chương “Nền tinh anh trị”, triết gia Adam Smith được nhắc đến với luận điểm của mình rằng “giàu sang luôn khiến con người ta phải đối mặt với nỗi lo âu, sợ hãi và ưu phiền ngang bằng và đôi khi còn nhiều hơn trước”. Với Smith, việc dành cả đời theo đuổi sự phù phiếm là một sự ngớ ngẩn, nhưng cũng lại chính những người đam mê tiền tài ám ảnh với tích luỹ tư bản mới là những kẻ đầu tiên thúc đẩy xã hội,khoa học phát triển, và người ta chú tâm tới những giá trị tinh thần hơn.


Với De Botton, lối sống xa hoa và tâm lý đám đông là chỉ cố gắng làm cho “hàng xóm” ghen tị chính là minh chứng điển hình nhất của sự căng thẳng địa vị. Bên cạnh đó, trào lưu “Nổi tiếng vì nổi tiếng”, nhằm chỉ những người nổi tiếng chẳng vì một lý do gì cụ thể, cũng được ông tiếp cận trong cuốn sách. Ở thời đại của mạng xã hội, số người “nổi tiếng” này mọc lên nhiều như nấm sau mưa. Chừng nào vẫn còn những trang mạng xã hội cho người dùng thoả thích khoe mẽ và thoả thích follow, thì chừng đó, vẫn sẽ còn những đố kỵ, so sánh, nhu cầu được yêu thương, và nhu cầu được “nhìn thấy”. Lời giải đáp cho câu hỏi làm thế nào để xã hội được cứu rỗi khỏi việc cần phải có một vai vế nào đó trong xã hội?


Với De Botton, lối sống xa hoa và tâm lý đám đông là chỉ cố gắng làm cho “hàng xóm” ghen tị chính là minh chứng điển hình nhất của sự căng thẳng địa vị.


Alain De Botton tìm kiếm giải pháp từ những góc cạnh “mềm mại” hơn với thế giới, nhưng cũng thử thách hơn, bởi không phải ai cũng tìm đến triết học, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị hay thậm chí chủ nghĩa du mục mỗi khi bị tấn công bởi một chứng âu lo của mình. Nhưng với cơn căng thẳng đã tiềm tàng ẩn dật trong cơ chế não bộ và nhận thức của chúng ta, có lẽ không gì có thể là phép giải nhanh gọn nhất.


Một trong những lý do khiến Những âu lo về địa vị không khô khan, dù luận bàn những vấn đề sâu kín nhất liên quan đến xã hội học và tâm lý học, chính ở bởi cách người viết lồng ghép những câu chuyện theo lối tự sự. Đó là những câu chuyện trải dài từ bán đảo Hy Lạp Cổ đại đến Phiên hội chợ tiêu dùng ở Mỹ trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Đó là những ví dụ về một nhân vật trong văn chương kinh điển thế giới đã vượt qua định kiến của thời đại ra sao để dám bỏ qua sự cám dỗ của địa vị, thậm chí cả những nhân vật như “Oedipus, Antigone, Lear, Othello, Emma Bovary, Anna Karenina, Hedda Gabler và Tess, những người cũng phải chịu số phận bị đay nghiến bởi một toán đồng nghiệp hay đám bạn học thuở xưa”. Con người ở đâu và thời đại nào cũng giống nhau, nên chẳng khó hiểu khi những dẫn chứng của De Botton đưa ra khiến người đọc cảm thấy kết nối với đời thực hơn bao giờ hết.


Một cuốn sách triết học dễ đọc và dễ cảm nhận - Nỗi âu lo về địa vị của Alain De Botton một lần nữa khẳng định bất cứ chủ đề nào cũng có thể là đề tài nghiên cứu áp dụng trong mọi lĩnh vực học thuật, bởi không có hiện tượng nào thực sự đơn giản trong thế giới luôn biến thiên, khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển và những giá trị cá nhân dễ bị lấn át bởi những giá trị bên ngoài. Với chủ đề địa vị nói riêng, dù De Botton chẳng thể tìm ra một phép giải hữu hiệu nhất cho cơn âu lo của thời đại, có lẽ ông cũng đã tìm ra một “hướng dẫn” cho người kiếm tìm.

“Để ý đến lời khuyên của triết học yếm thế, chúng ta hãy từ bỏ nỗi ám ảnh vặt vãnh muốn khư khư ôm giữ địa vị của chính mình - một nhiệm vụ bất khả trong mọi trường hợp, một nhiệm vụ mà trên lý thuyết sẽ đòi hỏi chúng ta quyết đấu, hoặc giết hoặc bị giết, với bất cứ ai từng có một suy nghĩ tiêu cực về chúng ta - và thay vào đó, hãy an trú bằng những cảm giác hài lòng có cơ sở vững chắc hơn với một cảm thức dựa trên logic về giá trị của chúng ta.”