Trong mỗi chuyến đi, ông đều nhìn ra đường chân trời vô tận cuối những con đường cao tốc và nghe bản The Ring của Richard Wagner. Những lúc như vậy ông tìm lại bản thân giữa những lịch trình dày đặc và hỗn loạn. Nào là tới Paris để khai trương cửa hiệu Louis Vuitton, ghé Beirut để ở thử tại khu căn hộ cao cấp, sau đó là Thượng Hải để chuẩn bị ra mắt cửa hiệu flagship lớn nhất thế giới của Louis Vuitton. “Tôi giống như một con lạc đà ngủ đông vậy,” Marino nói đùa về bản thân mình, “Tôi sẽ chỉ ngủ bốn tiếng một ngày liên tục trong một khoảng thời gian dài, rồi sau đó trở về nhà và mê man trong 72 giờ liên tục”.
Trong suốt 5 năm qua, tên tuổi của Marino đã gắn với các thương hiệu xa xỉ nhất thế giới. Những khách hàng quen thuộc của ông bao gồm Chanel, Céline, Zegna và rất nhiều nhà mốt khác. Trong năm nay, ông thiết kế cửa hiệu Dior trên con đường Bond Street nổi tiếng tại Luân Đôn và cửa hiệu Hublot trên đại lộ Fifth Avenue sáng chói ở New York. Ông cũng thường xuyên được mời thực hiện thiết kế nội thất của các tư gia, từ những gia tộc Trung Đông cho đến những cá nhân siêu giàu như nhà kim hoàn Laurence Graff, chủ tịch LVMH Bernard Arnault. Chỉ với đội ngũ 150 nhân viên, công ty của ông đã hoàn thành hơn 100 dự án, trong đó không cái nào có ngân sách dưới 5 triệu đô-la Mỹ và chỉ 10 dự án dưới 10 triệu đô-la Mỹ.
Marino đã làm việc trong lĩnh vực này từ rất lâu, bắt đầu từ những ngày mới tốt nghiệp Cornell’s College of Architecture, Art & Planning vào năm 1971. Tuy nhiên, ông phải trải qua con đường khá dài để đạt được danh hiệu kiến trúc sư nội thất số 1 thế giới dành cho giới thượng lưu như hiện nay. Đi dọc con phố 57th Street kế bên Fifth Avenue, bạn sẽ nhìn thấy nào là Louis Vuitton, Chanel, và cả Dior, tất cả đều một tay Peter Marino thực hiện. Ông là một trong số ít người có khả năng gìn giữ bản sắc của thương hiệu một cách nguyên vẹn và đem lại doanh thu cao cho mỗi cửa hiệu. Ông hiểu được tâm lí của khách hàng khắp các châu lục, có khả năng thuyết phục họ đi từ những chiếc kệ đến quầy thu ngân. Có thể dễ dàng nhận ra thị trường xa xỉ ngày càng bành trướng như một tôn giáo thịnh hành, Peter đồng ý với nhận định trên và nói thêm: “Tôi tự hào rằng mình cũng đóng góp trong dòng chảy đó”.
Nếu phong cách cá nhân của Marino được định hình là người đàn ông trong bộ đồ da từ đầu đến chân, trông bụi bặm nổi loạn với nhiều hình xăm thì phong cách kiến trúc và nội thất của ông lại khó có thể dùng một từ cụ thể để mô tả. Không hầm hố hay đưa ra tuyên ngôn như cách của Rem Koolhas, những cửa hiệu của Marino chỉ có một điểm chung duy nhất là bày biện gọn gàng tuyệt đối và có rất nhiều khoảng trống từ trong ra ngoài.
Điều đặc biệt trong thiết kế của Marino là sự chuyển động mượt mà. Tất cả các cánh cửa, ngăn kéo tủ đều được đóng mở trong trạng thái im lặng tuyệt đối, ngay cả những nút bấm thang máy cũng êm một cách đáng kinh ngạc. Một cảm giác đầy đặn, lộng lẫy nhưng có phần bình lặng là không khí bao trùm. Giống như văn phòng của Marino, các cửa hiệu do ông thực hiện đều chứa đầy những tác phẩm nghệ thuật đa dạng, và được thiết kế theo một cá tính riêng biệt. Là món đồ “hái ra tiền” của hầu hết các hãng, những chiếc túi xách thường được trân trọng đặt ngay khu sảnh chính để khách có thể dễ dàng nhìn thấy, chạm vào và trầm trồ ngưỡng mộ. “Các sản phẩm mang về lợi nhuận cao đều được tôi chú trọng trong khâu bài trí. Nếu Karl muốn mở một cửa hiệu ở khu vực Trung Đông, lúc đó tôi phải nghĩ ngay đến việc tạo ra một bức tường trang sức khổng lồ”.
Quần áo ready-to-wear được chuyển lên những tầng cao, nơi khách hàng sẽ cảm thấy đủ riêng tư để có thể mặc thử lên người. Sự tài tình trong thiết kế của Marino nằm ở việc chuyển dịch không gian một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Bạn sẽ không cảm thấy bị tấn công một cách ồ ạt hay cảm thấy bị hoa mắt bởi cách trang trí. Không chỉ có vậy, sự tinh tế trong thiết kế còn phải hòa hợp với thành phố, thậm chí tình hình xã hội tại thời điểm đó. “Tôi đến Tây Ban Nha để làm việc cho nhà Loewe, và ở đây tỷ lệ thất nghiệp đang là 20%. Vì thế bạn không nên làm gì quá tay.”
Còn đối với cửa hiệu Céline mới trên đại lộ Madison, ông tưởng tượng ra một nét đẹp phù hợp nhất với thương hiệu này, đó chính là sự yên tĩnh trống trải. Ít nhất một phần ba diện tích bị chiếm bởi những cầu thang uốn lượn. Đối với Marino, không có gì xa xỉ hơn việc để hoang phí không gian tại thị trường nhà đất đắt đỏ giữa trung tâm New York. Một lý do cho trường phái thẩm mỹ này chính là hội chứng sợ không gian kín (claustrophobia) của nhà thiết kế. “Tôi còn không thể đi tắm được, tôi không thể đứng trong nhà tắm quá lâu.” Chính vì thế, ông thường mở rộng không gian đến mức có thể, sử dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong các thiết kế của mình.
“Hầu hết các kiến trúc sư sẽ bắt đầu bằng những bản phác thảo, rồi sau đó sẽ bàn xem nên sử dụng vật liệu gì cho từng cấu trúc,” Marino chia sẻ, “Ngược lại, tôi thường nghĩ đến vật liệu rồi mới tính đến hình dáng cấu thành của chúng. Chất liệu, màu sắc của chất liệu, bề mặt tiếp xúc, và cách phản ứng của người sử dụng với không gian đó đều có ý nghĩa quan trọng như hình dáng của chúng.” Có lẽ đó chính là lý do vì sao bà Maurren Chiquet, Tổng giám đốc của Chanel, phải thốt lên “Những nét chấm phá của Marino thật tuyệt vời.”
Giống như nhiều gã lập dị khác trong thế giới thời trang, Marino bắt đầu sự nghiệp từ sự dẫn dắt của Andy Warhol. Vào những năm 1970, khi Warhol vẫn còn đang thực hiện khá nhiều bức chân dung cho các nhân vật nổi tiếng, Marino đã lọt vào mắt xanh của hai gia tộc ngân hàng Agnelli và Rothschild. Về sau, chính Warhol cũng là người mời Marino thiết kế căn hộ riêng của ông tại đường East 66th và khu nhà xưởng thiết kế tại phía bắc Union Square, tiếp đến là căn hộ của nhà thiết kế Yves Saint Laurent, gia tộc Pressman. “Bây giờ, chúng ta thường xuyên nghe thấy mọi người bảo nhau rằng, ‘hãy đi xem cửa hiệu mới kia đi, chúng thật đẹp’, thế nhưng, ít người biết rằng vào những năm 70, chẳng ai muốn đụng tay vào thiết kế những cửa hiệu thời trang. Chúng như một bước đường cùng vậy, những tay kiến trúc nổi tiếng chắc chắn sẽ từ chối. Nghĩ lại, tôi thực sự là người đầu tiên dám làm việc này, và chính điều đó đã định hình sự nghiệp của tôi một cách rõ ràng.”
Dần dần, Marino mở rộng mối quan hệ của mình và gặp gỡ nhiều người hơn. Ông bay tới Milan để gặp Giorgio Armani và Carla Fendi, tới Paris để gặp đại diện của Hermès. Ông dần len lỏi vào các tuần lễ thời trang, bước vào trong hậu trường để bắt tay mọi người. Marino như tìm thấy một ngôi nhà khác trong thế giới thời trang, và đến thập niên 90, ông bận rộn thiết kế cửa hiệu cho Calvin Klein, Giorgio Armani và Donna Karan.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Marino thay đổi trong cả tính cách lẫn hình ảnh, ông trở thành một hiện tượng. Một cuộc nói chuyện đã thay đổi thế giới quan của ông mãi mãi. Bác sĩ kiểm tra định kỳ của Marino nói: “Nếu tôi nói anh đang bị ung thư, và chỉ còn sống được vài tháng, anh sẽ làm gì?” Ông đã trả lời rằng “Tôi sẽ mua một chiếc xe máy địa hình, rong ruổi khắp nơi, và nếu quá đau đớn, tôi sẽ lao thẳng xuống vực và chết trong hạnh phúc.” Rồi vị bác sĩ nói: “Tôi nghĩ nên làm điều đó ngay bây giờ, không phải vì anh bị bệnh, mà đến một tầm tuổi nào đó, người ta cần tìm cách hưởng thụ cuộc sống của riêng mình.”
Chờ cho con gái đến tuổi trưởng thành, Marino mua một chiếc xe, và bỏ toàn bộ quần áo cũ đi. Kể từ đó, ông chỉ khoác lên mình những bộ đồ da có phần nổi loạn và tách biệt. Hình ảnh của kiến trúc sư thiên tài gắn liền với những chiếc mũ da tán đinh, những chiếc áo jacket hầm hố và hàng loạt mẫu quần bó chặt với đai xích lủng lẳng. “Khi gặp Peter lần đầu, tôi không nghĩ đó là hình ảnh của ông ấy, cũng giống như việc tôi cũng chưa mặc váy lúc đó,” Marc Jacobs chia sẻ. “Cả hai chúng tôi đều trải qua một quá trình thay đổi về ngoại hình, chúng tôi tìm được con người thực sự bên trong mình.” Marino luôn thu hút mọi ánh nhìn tò mò, thế nhưng, trong các cửa hiệu do ông thiết kế, ngôi sao thực sự lại chỉ nằm ở những sản phẩm. “Tôi hiểu rằng nhiệm vụ thực sự của mình là tạo ra một không gian không chỉ đẹp, mà còn phải có sức mời gọi khách hàng sở hữu những món đồ xinh đẹp được bày trong đó.”