Xin chào hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh (gọi tắt là Phạm Lê). Các anh có thể giới thiệu một chút về bản thân? Cơ duyên và động lực nào đưa hai anh đến với công việc của nhà sưu tập?
Trước hết xin được cảm ơn Robb Report Việt Nam đã ưu ái dành thời gian cho tôi được chia sẻ câu chuyện sưu tập của Phạm Lê Collection.
Chúng tôi sang Châu Âu du học rồi ở lại lập nghiệp tại Anh trước khi chuyển về châu Á làm việc. Là những người yêu thích nghệ thuật từ nhỏ, chúng tôi luôn quan tâm đến hội họa kề từ thời sinh viên. Khi còn ở Châu Âu, chúng tôi thường xuyên đi thăm các bảo tàng và phòng tranh. Trong một chuyến du lịch Pháp vào năm 2015, chúng tôi ghé vào một gallery nhỏ đang trưng bày một số tác phẩm của Andre Maire vẽ phong cảnh Việt Nam. Trong số đó có một bức tranh với tông màu đỏ cam vẽ ba người phụ nữ đang ngồi nói chuyện, phía xa là một nhóm ba thiếu nữ đội nón lá đang nhìn ra bờ sông nơi có một chiếc thuyền đang đậu bến. Chúng tôi thích gam màu mạnh đầy tính “dã thú” và hình ảnh quê hương Viêt Nam của bức tranh nên đã quyết định mua bức tranh để treo tại căn hộ của mình. Đây chính là điểm khởi đầu cho quá trình sưu tập tranh sau này của chúng tôi
Các anh có thể chia sẻ về trải nghiệm đầu tiên của mình về nghệ thuật/hội hoạ với tư cách là nhà sưu tập?
Lúc đầu chúng tôi chưa nghĩ gì về việc sưu tập, mà chỉ đơn thuần là mua một vài bức tranh để treo trong nhà. Là những người tò mò, chúng tôi tìm đọc nhiều nguồn tài liệu khác nhau về Mỹ thuật Việt Nam. Một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhiều đến hướng sưu tập của chúng tôi là cuốn sách viết về họa sĩ Joseph Inguimberty, người thầy Pháp đã gắn bó với trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong suốt 20 năm từ năm 1925 đến năm 1945. Chúng tôi đã bị mê hoặc bởi các tác phẩm thấm đẫm tình yêu con người và đất nước Việt Nam của ông. Hình ảnh đất nước như đang trải ra trước mắt chúng tôi – từ những cánh đồng xanh màu mạ non của Ba Vì, Hà Tây, tới cảnh những những người nông dân ra đồng, hay những cô gái tân thời mặc áo dài duyên dáng. Tình yêu và nỗi nhớ nhà đã là tiền đề khiên chúng tôi có ý tưởng sưu tập các tác phẩm của những họa sĩ Pháp sang sống và làm việc tại Việt Nam. Nếu như cuộc gặp tình cớ với tác phẩm của Andre Maire là chất dẫn kết khiến chúng tôi đặc biệt tìm hiểu và đọc thêm nhiều về mỹ thuật thời kỳ đầu thế kỷ 20, đặc biệt là các họa sỹ Pháp vẽ Việt Nam, thì những bức tranh của Inguimberty là những tác phẩm đầu tiên chúng tôi mua với một ý niệm sưu tập.
“Khẩu vị” sưu tập của hai anh thay đổi ra sao so với thời điểm mới bắt đầu công việc sưu tập?
Khi bắt đầu sưu tập, chúng tôi đã xác định hướng đi của mình là tập trung vào các họa sĩ Pháp tại Đông Dương, đặc biệt là những người thầy từng giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Về cơ bản, hướng đi này của chúng tôi không có gì thay đổi nhưng trong quá trình sưu tập, chúng tôi dần dần có những tiêu chí kỹ càng hơn khi chọn tác phẩm. Ví dụ, lúc đầu chúng tôi chỉ đủ điều kiện mua các tác phẩm phác thảo của Inguimberty và những tranh khổ nhỏ, dần dần khi có tích lũy nhiều hơn và có hiểu biết kỹ hơn, chúng tôi đã mạnh dạn hơn khi sưu tập thêm các tác phẩm sơn dầu và khổ lớn hơn của ông.
Chúng tôi rất coi trọng nguồn gốc và câu chuyện của các tác phẩm nên với chúng tôi, việc sưu tập luôn đi kèm với nghiên cứu. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với gia đình của các cố họa sĩ để hiểu thêm về tác phẩm cũng như cuộc đời và con người của họ.