Nhà thiết kế Pierre-Louis Mascia cùng với bảo tàng thời trang Palais Galliera đã “thổi hồn” tươi mới vào những thiết kế cho nam giới bằng những chất liệu ra đời từ thế kỷ 18.
Một điều chắc chắn rằng thời trang luôn xoay vòng. Chính vì lẽ đó, làng mốt thế giới gần đây đã đánh dấu màn trở lại mạnh mẽ của kiểu trang phục preppy ở những năm 60 đến phong cách swagger thập niên 70. Tuy nhiên, nhà thiết kế người Pháp Pierre-Louis Mascia cùng Bảo tàng Palais Galliera đã tạo được tiếng vang khi đem đến bộ sưu tập capsule mới nhất dựa trên ý tưởng từ những năm 1700.
Sự kết hợp không tưởng trên diễn ra sau khi nhà thiết kế tình cờ gặp Pascale Gorguet-Ballesteros, người phụ trách giám tuyển bộ sưu tập thời trang thế kỷ 18 của Bảo tàng Palais Galliera. Mặc dù, đã có rất nhiều nhà sáng tạo lấy cảm hứng từ những kiệt tác vượt thời gian của bảo tàng, nhưng Gorguet-Ballesteros cho biết họ thường bỏ qua giai đoạn 1700 bởi lẽ những thiết kế trong thời kỳ này trông chả khác nào “phục trang sân khấu”. Đối với những ai chưa tỏ tường, thế kỷ 18 là thời kỳ hoàng kim của Rococo (mà theo ngày nay có thể tóm gọn trong cụm từ “ấn tượng”).
“Cá nhân tôi thấy rằng, thế kỷ 18 rất giống với thời điểm hiện tại bởi sự chú trọng đến yếu tố ngoại hình”, Mascia chia sẻ với Robb Report. “Điểm khác biệt chính là, vào thời điểm đó, có một sự đánh giá kỹ càng hơn về chuyện tinh tế và trau chuốt”. Những vị công tử ăn mặc đẹp nhất tại Versailles (Pháp), và khắp châu Âu, đã diện những y phục cầu kỳ. Như vậy, bạn có thể dễ dàng nhận biết địa vị xã hội của họ. Bộ sưu tập này cũng truyền tải nguồn năng lượng đó, nhưng rất may – bạn sẽ không nhìn thấy những mẫu áo choàng dài hoặc quần ống túm ngay đầu gối như trong lịch sử.
Mascia, người bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một họa sĩ minh họa thời trang, được nhiều người biết đến với khả năng kết hợp khéo léo những chi tiết thời trang khác biệt. Anh đã tập trung vào các họa tiết có mặt tại bộ sưu tập trong viện bảo tàng và chọn ra 8 mẫu đặc biệt nhất, chẳng hạn như chiếc áo ngủ của một quý ông in hoa tinh tế và một chiếc áo gi-lê thêu công phu với đường may nổi, may thùa khuyết và chiếc jabot, vốn được xem là loại cà-vạt có đường diềm bèo nhún. Một số chi tiết cũng được chú trọng và in 2D bởi Achille Pinto, một trong những xưởng lụa có tay nghề cao nhất tại Como (Ý).
Kết hợp với các họa tiết truyền thống như ca-rô tartan và sọc repp, những trang phục nam đậm chất cổ điển đã được thổi làn gió mới với những kiểu áo sơ mi lụa, quần dài và khăn choàng cổ hai mặt cũng như áo choàng và những tấm chăn độc đáo. Tuyệt tác mà Mascia thích nhất là chiếc áo khoác kimono lấy cảm hứng từ váy dạ hội kiểu Nhật trong bộ sưu tập của Palais Galliera: “Đó là một món đồ thời trang có thể phối chung với mọi thứ: quần jean, áo phông trắng, áo sơ mi thanh lịch và cà-vạt”.
Đây không phải là điều mới khi thời trang dành cho quý ông đang trải qua thời kỳ “màu mè, sặc sỡ hóa” (hay còn có thể gọi là “Gucci hoá” – Gucci-fication) mặc dù ăn vận theo lối này cũng chẳng mấy dễ dàng với nhiều người. Mỹ cảm của bộ sưu tập đặc biệt này đến từ những họa tiết in vô cùng bắt mắt được lấy cảm hứng từ lịch sử giúp mang đến một loại chất liệu “có một không hai” cho người mặc một vẻ ngoài kểt hợp phong thái của cả vua Louis XIV và rapper ASAP Rocky.