Trong thế giới đồng hồ cao cấp, Thụy Sĩ luôn là cái tên chiếm thế thượng phong. Những quốc gia khác như Đức, Anh hay Nhật Bản thường được xếp phía sau dù bộ ba này cũng có không ít thương hiệu đình đám. Trong lần trò chuyện với người viết bài, CEO một hãng đồng hồ danh tiếng của Thụy Sĩ nhận định: “Nói gì thì nói, Nhật Bản vẫn là đối thủ đáng gờm của Thụy Sĩ trong mảng đồng hồ.” Điều này có gì đó tương đồng với câu chuyện của ngành whisky, nơi các thương hiệu Nhật Bản đang trở thành “mối đe dọa” hiện hữu với đế chế Scotland. Nói nôm na, việc so sánh một chiếc Seiko với các đối thủ đến từ Thụy Sĩ cũng giống như đem so một chiếc Lexus với xe sang châu Âu. Cả hai đều có chung công năng và sự tinh tế cao độ. Tuy nhiên, xe châu Âu thường toát lên vẻ xa xỉ qua các loại chất liệu như gỗ óc chó hay da bò thượng hạng. Trong khi đó, xe của người Nhật đề cao sự bền bỉ và mức độ tin cậy trong suốt quá trình sử dụng.

Để hiểu rõ hơn về tầm vóc của ngành đồng hồ Nhật Bản, hãy đọc qua các báo cáo từ những tổ chức uy tín toàn cầu. Bỏ qua những thương hiệu bình dân, cái tên Seiko luôn được dự báo sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của ngành đồng hồ thế giới trong tương lai. Doanh số của tập đoàn Seiko trên thực tế không hề thua kém những thương hiệu hàng đầu Thụy Sĩ.

Kể từ Thế chiến thứ hai, Nhật Bản là quốc gia tiên phong về mảng công nghệ, cắt giảm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất. Trong khi đó, châu Âu nói chung và Thụy Sĩ nói riêng có thế mạnh về sản xuất và công nghiệp. Điều này vô tình dẫn đến những suy luận cảm tính về hiệu quả công việc, kiểu như con người không thể nào theo kịp máy móc. Thực ra, khi chế tác các mẫu đồng hồ với hàng trăm chi tiết nhỏ, con người luôn là nhân tố tối quan trọng.
Nhìn chung, việc so sánh đồng hồ Nhật Bản và đồng hồ Thụy Sĩ thường dựa trên ba yếu tố: Bộ truyền động, kiểu dáng và giá cả. Trong một mẫu đồng hồ, bộ truyền động được xem là yếu tố sống còn, giống như trái tim của mọi cơ thể. Đồng hồ Nhật và đồng hồ Thụy Sĩ đều được trang bị các bộ truyền động siêu việt, tuy nhiên, khi Thụy Sĩ tập trung nhiều cho dòng máy cơ hay máy tự động thì Nhật Bản vẫn được biết đến nhiều hơn với dòng máy quart (thạch anh). Về bản chất, đồng hồ quart thường có độ chính xác cao cùng mức giá mềm hơn. Trong khi đó, dòng máy cơ là đặc sản của Thụy Sĩ với những thế mạnh như độ bền cao, có giá trị nghệ thuật và giá trị sưu tầm. Dĩ nhiên, trong thời điểm hiện nay, đồng hồ Nhật Bản đã có nhiều dòng sản phẩm được trang bị các bộ máy cơ xuất chúng.

Về giá cả, đồng hồ Nhật nói chung thường rẻ hơn so với đồng hồ Thụy Sĩ, ngoại trừ một số phiên bản đỉnh cao của Grand Seiko. Tuy nhiên, câu nói “tiền nào của nấy” chưa hẳn đã ứng nghiệm trong trường hợp này. Dù được đánh giá ngang ngửa về chất lượng, nhưng nhiều mẫu đồng hồ Thụy Sĩ vẫn có giá cao hơn nhiều so với hàng Nhật. Điều này một phần được lý giải bởi yếu tố lịch sử và giá trị thương hiệu. Trong khi đó, đối với người Nhật, công năng mới là yếu tố sống còn. Trên thực tế, nhiều người chơi đồng hồ cho hay, Grand Seiko hoàn toàn sánh ngang tầm với những “ông lớn” đến từ Thụy Sĩ.

Vẻ bề ngoài là yếu tố mang tính chủ quan nên khó lòng định lượng một cách rạch ròi. Tuy nhiên, theo quy chuẩn chung, đồng hồ Thụy Sĩ thường có vẻ ngoài bóng bẩy và xa xỉ hơn đồng hồ Nhật Bản. Mỗi chiếc đồng hồ Thụy Sĩ thường có nhiều chất liệu quý hiếm cùng các loại đá quý với màu sắc vô cùng rực rỡ. Cứ nhìn qua các gian hàng tại triển lãm đồng hồ là bạn sẽ rõ. Trong khi đó, đồng hồ Nhật thường mang phong thái cổ điển và có phần dân dã. Chúng rất đẹp, nhưng là theo phong cách tối giản. Tựu trung, sẽ khó tìm ra kẻ thắng người thua khi so sánh đồng hồ Nhật và các đối thủ đến từ Thụy Sĩ. Chúng là những cỗ máy thời gian được chế tác theo các định hướng riêng biệt. Tuy nhiên, nếu lấy giá bán chia cho chất lượng, đồng hồ Nhật chắc chắn sẽ khó về nhì trong trường hợp này.