Trong một viễn cảnh của năm 2035, hàng triệu robot tinh thông cùng tồn tại hòa hợp với con người với vai trò như những người phục vụ đắc lực nhất cho mọi công việc thường nhật. Viễn cảnh ấy cứ thế tiếp diễn nếu không có một ngày con robot Sonny bất tuân lệnh và dẫn đến diễn biến khó lường nhất với thế giới loài người. Dù đó chỉ là bối cảnh của bộ phim giả tưởng “I, Robot” ra đời năm 2004, nhưng những gì mà Isaac Asimov – nhà văn, tác giả kịch bản – và đạo diễn Alex Proyas tưởng tượng ra 2 thập kỷ trước đều đang diễn ra trong thực tế hiện nay. Sự kiện AI for Good Global Summit do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) của Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 6 và 7/7 ở Geneva (Thụy Sĩ) với sự hiện diện của các robot hình người tiên tiến như Sophia, Ameca, Mika, Ai-Da, Desdemona, Grace và Geminoid HI-2 đang khiến con người phải hoài nghi về những giá trị thực-ảo, thậm chí là ác mộng như nhận định của Giám đốc ITU Doreen Bogdan-Martin. Theo ông, với sự xuất hiện của robot được tích hợp trí tuệ nhân tạo, hàng triệu việc làm trên thế giới sẽ bị đe dọa, trong khi công nghệ phát triển thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến bất ổn xã hội, bất ổn địa chính trị và chênh lệch kinh tế.
Kỷ nguyên robot
Khi viết những dòng này, tôi đang nghĩ tới con số 300 triệu việc làm có thể bị mất đi hoặc cắt giảm do trí tuệ nhân tạo theo dự báo của Goldman Sachs. Làn sóng sa thải nhân sự tại hàng loạt công ty công nghệ tên tuổi – từ Meta, Microsoft, Amazon, PayPal, cho tới Zoom, hay Twitter từ đầu năm cho đến nay – đang khiến cho “rate card” của thế hệ nhân tài cổ cồn trắng thuộc hàng “top of the top” một thời vang bóng trở nên rớt giá.
Không chỉ có các ngành công nghệ, mà nhiều ngành khác cũng đang bị đe dọa bởi trí tuệ nhân tạo. Làn sóng đình công của các diễn viên và biên kịch tại kinh đô điện ảnh Hollywood diễn ra trong vài tháng nay là một ví dụ điển hình. Lĩnh vực khách sạn, nhà hàng & du lịch dù chưa phải đối mặt với hiện tượng này, nhưng dường như nguy cơ về một cuộc chiến tranh giành công ăn việc làm giữa robot và con người trong lãnh địa này đang ngày càng hiển hiện.
Theo báo cáo của Allied Market Research, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu có trụ sở tại Ấn Độ, quy mô thị trường robot trong ngành khách sạn, nhà hàng & du lịch được định giá 295,5 triệu USD vào năm 2020 và ước tính đạt 3.1 tỷ USD vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 25,5% từ năm 2021 đến năm 2030.
Do sự thiếu hụt ít nhất đến 400.000 lao động cho ngành nhà hàng dù đã tuyển dụng đến 15 triệu người vào cuối năm 2022 theo báo cáo của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia, nhưng Hoa Kỳ vẫn là quốc gia có nhu cầu sử dụng robot lớn nhất thế giới. Đây chính là cơ hội vàng cho nhiều ông lớn ngành công nghệ tự động. Hiện Hyundai Motor Co. đang sở hữu những phiên bản robot trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhà ở và nhà hàng; Keenon Robotics Co. Ltd. cho ra đời loại robot T8 chuyên phục vụ trà và nước tại văn phòng, nhận và gửi hàng và giao thức ăn; Pudu Robotics sản xuất robot sở hữu camera 3D và cảm ứng LIDAR phục vụ trong khách sạn và nhà hàng; LG Electronics Inc. tự tin với robot cho dịch vụ phòng trong khách sạn; hay những tân binh như Connected Robotics Inc.; Pypestream Inc.; hay Relay Robotics Inc.
Với 56.000 robot xuất xưởng kể từ năm thành lập 2016 đến nay, Pudu Robotics từ Thâm Quyến (Trung Quốc) chia sẻ cùng Robb Report Việt Nam về con số 80% khách hàng của mình đến từ ngành F&B, đồng thời danh mục cũng đang được mở rộng sang lĩnh vực khách sạn, bán lẻ, chăm sóc y tế và chăm sóc người già vì tiềm năng to lớn của người máy trong các lĩnh vực này.
Có ngoại lệ hay không?
Có lẽ không thể phủ nhận sự chi phối của robot trong ngành khách sạn, nhà hàng và du lịch. Pudu Robotics cho hay đã cung cấp hơn 3.000 BellaBot cho đối tác lớn nhất của mình là Tập đoàn Skylark Nhật Bản chuyên về lĩnh vực khách sạn và ẩm thực. Hiện những nhân viên phục vụ đặc biệt này đang đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng như giao bữa ăn cho khách hàng, chào đón khách, thu dọn đĩa ăn và tham gia vào các trải nghiệm tương tác với khách tại 2.300 cửa hàng trên toàn quốc của Skylart. Li Zhai, chủ nhà hàng Noodle Topia tại Michigan, vô cùng hài lòng với 3 BellaBot từ Pudu Robotics. Robot giúp Zhai tiết kiệm chi phí khi nhà hàng chỉ cần 3 người để thực hiện cùng một khối lượng công việc vốn cần đến 5 hoặc 6 người phải xử lý trước đây.
Đối với các chủ nhà hàng, lợi nhuận vẫn luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, trong một ngành mà tính tương tác được coi là yếu tố then chốt, nơi nụ cười và lòng hiếu khách mang đến những trải nghiệm không thể đong đếm, liệu những con robot vô hồn, vô cảm có thể tạo ra sợi dây kết nối vô hình giữa thực khách và nhà hàng hay không? Thử hình dung, sau bữa tối cùng đối tác, khi đang mơ màng nghĩ về những cây nấm truffle được săn từ những cánh rừng bao phủ bởi cây hạt phỉ và cây sồi ở miền Tây Úc, theo thói quen, bạn gọi bồi bàn tính tiền. Thay vì nhìn thấy một cô gái với nụ cười ấm áp đến trả “bill”, bạn sẽ tận mục sở thị một robot gầm gừ bước ra. Có thể với ai đó, đây là trải nghiệm thú vị, nhưng với tôi thì KHÔNG.