Điểm hẹn Á Đông
Trong vô số thắng cảnh huyền bí của Đông Á, có lẽ không nơi nào mang đậm màu sắc tín ngưỡng như những gò mộ ở xứ sở Kim Chi. Trải qua hàng trăm năm, người Hàn Quốc vẫn giữ gìn tập tục chôn vàng, trang sức và các món đồ quý giá để đồng hành cùng người đã khuất sang thế giới bên kia. Truyền thống này kéo dài đến thế kỷ VI, cho tới khi sự du nhập của Phật giáo góp phần khiến tục hoả thiêu trở thành nghi thức an táng chuẩn mực. Dần dà, tập quán chôn những vật quý cùng người chết bị mai một theo thời gian; thay vào đó, người Hàn Quốc xưa bắt đầu xây các đền chùa tinh xảo và nhưng cung điện nguy nga dát vàng, khảm ngọc, đánh dấu sự khởi đầu của một thời hoàng kim kéo dài hàng thế kỷ.
Ngày nay, Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn vàng son thứ hai. Thủ đô của quốc gia này phát triển một cách đáng kinh ngạc không chỉ trong lĩnh vực thời trang mà còn ở nền kinh tế tăng trưởng chóng mặt, với bộ mặt đô thị phồn hoa khiến Dubai cũng trở nên bình thường. “Nền văn hoá của chúng tôi được hình thành bởi sự hào nhoáng”, Sunny Kim, hướng dẫn viên của tôi ở Seoul, giới thiệu. “Mọi người đều là những ngôi sao tiềm năng đang chờ được khai phá”.
Chỉnh tề trong một bộ âu phục cùng đôi Dr Martens cá tính, dáng vẻ nhàn nhã trên băng ghế Limo Equus của Sunny quả thực toát lên thần thái của một ngôi sao đầy triển vọng. Chiếc xe thuộc phân khúc cao cấp của Hyundai chầm chậm lăn bánh khỏi khách sạn Four Seasons Seoul, nơi quy tụ những tinh hoa của thành đô phồn thịnh mà tôi vừa được nghỉ lại đêm trước. Đây là điểm khởi đầu tuyệt vời cho buổi tham quan những địa danh đã khiến một khu đô thị mười triệu dân trở thành tân kinh đô của sự xa xỉ.
Từ góc nhìn bao quát, có thể thấy Seoul dường như được quy hoạch một cách vội vàng. Khu vực trung tâm là một tổ hợp không đồng nhất giữa những toà cao ốc chọc trời xếp liền kề với nhà hàng, quán bar, cửa hàng. Có vẻ như mọi cánh cửa đều dẫn đến quán café – một số ẩn bên trong những con hẻm nhỏ, số khác với quy mô lớn hơn chật ních nam nữ đôi mươi thời thượng bên ly cà phê nồng đượm.
Theo lời Sunny, bản thân thức uống này không phải là lý do người ta chuộng nó. “Người Hàn thường không uống cà phê vào buổi sáng”, cô giải thích. “Cũng như những địa điểm sầm uất khác, tiệm cà phê là nơi để bạn ngắm nhìn cuộc sống và cũng là để được nhìn ngắm. Đối với một vài phụ nữ, chiếc ly in logo Starbucks có giá trị tương đương một chiếc túi xách Gucci hay Prada.”
Nếu xem thương hiệu là đơn vị tiền tệ tại Seoul, thì quận Gangnam chính là biểu tượng cho vị thế. Nơi đây là “nhà” của hầu hết các cửa hiệu chính hãng như Hermes, Ermenegildo Zegna, Gucci, hay Cartier. Tuy nhiên, giá trị xã hội của những thương hiệu này chỉ mang tính tạm thời. Cho đến gần đây, Louis Vuitton vẫn được xem là mặt hàng xa xỉ được ưa chuộng nhất, đến nỗi chiếc túi xách tay của hãng được mệnh danh là “chiếc túi ba giây” – để thể hiện mức độ thường xuyên mà người ta bắt gặp nó. Nhưng đó đã là chuyện của ngày hôm qua, Sunny bảo. Thương hiệu này đã bị soán ngôi bởi những cái tên khác như Givenchy hay Celine. Vừa nghe Sunny giải thích về sự thay đổi chóng vánh của các xu hướng thời trang, chúng tôi vừa đến cửa hiệu mới của Burberry ở Gangnam, một công trình cao 13 tầng toạ lạc ngay ngã tư Cheongdam và nổi bật với lối kiến trúc mô phỏng hoạ tiết kinh điển của thương hiệu này. Bước vào bên trong, chúng tôi dạo một vòng quanh kệ khăn choàng để được nâng niu những thớ vải cashmere thượng hạng, trước khi đi sang một căn phòng mở nhạc rock Anh. “Đây là phòng VIP”, Doy Wi – trưởng bộ phận tư vấn khách hàng – giới thiệu. “Danh sách nhạc được chính CEO của chúng tôi, ông Christopher Bailey lựa chọn để tạo cảm giác thoải mái tối đa cho quý khách”.
“Vậy khách VIP thường là ai?” Tôi thắc mắc. “Bất kể ai có đủ tiền” Doy trả lời.
Cách một quãng đi bộ ngắn là cửa hiệu chính hãng của Dior vừa được khai trương vào mùa hè năm ngoái. Điểm độc đáo của công trình này nằm ở kiến trúc hình khối, cách điệu bằng một bông hoa tuilip khổng lồ do kiến trúc sư người Pháp Christian de Portzamparc thực hiện. Bên trong là không gian tinh khôi huyền ảo được thiết kế bởi Peter Marino, với cơ man những tấm gương cong và mặt kiếng lớn giúp làm nổi bật các sản phẩm thuộc bộ sưu tập mới nhất. Tuy nhiên, huyễn tưởng hoàn mỹ ấy đã vỡ tan tành khi tôi vấp phải những bậc thang phản quan và suýt ngã sóng soài ra vỉa hè. “Ai cũng bị như thế hết”, cô nhân viên bán hàng cười bảo.
Niềm ham thích của người Hàn đối với những thứ vĩ đại và tốt đẹp vượt ra khỏi phạm vi thời trang. Dịch vụ Internet của Seoul vào loại nhanh nhất thế giới, hệ thống tàu điện tiên tiến nơi đây cũng dài nhất. Cơ sở vật chất cho môn golf – và, quan trọng hơn, các tay golf – thì thật tuyệt vời; hơn 200 sân golf khắp cả nước đã đào tạo ra 38 trong số 100 vận động viên đánh golf nữ giỏi nhất hành tinh. Được hoàn thành vào năm 2014, Dongdaemun Design Plaza là một trong những kiệt tác cuối cùng của cố kiến trúc sư Zaha Hadid, hình dáng bất đối xứng mang tính thách thức trọng lực và khuôn viên cây xanh trên sân thượng đã góp phần định hình chuẩn mực phong cách cho đô thị tân tiến này.
Một điển hình chứng minh cho bản tính tranh đua của người Hàn chính là vẻ bề ngoài. “Người Hàn Quốc thường không thoả mãn với nét đẹp mang tính di truyền; đối với họ, ngoại hình là thứ có thể đạt được”, Sunny nói, ngay lúc chiếc limo chở chúng tôi dừng lại trên con đường được mệnh danh là “Vành đai Thẩm mỹ” – với hơn 500 bệnh viên chuyên phẩu thuật thẩm mỹ. Bên trong bệnh viên ID – được cho là điểm đến quan thuộc của các ngôi sao K-POP, cô tiếp tân giải thích rằng nhu cầu làm đẹp ở xứ Hàn không giới hạn cho phái yếu, nam giới chiếm khoảng một phần ba lượng khách của bệnh viện.
Nhìn từ khát vọng hoàn mỹ của người Seoul, không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc đã chiếm một vị thế quan trọng trên trường quốc tế, nổi lên mạnh mẽ với vai trò là nhà xuất khẩu phong cách và văn hoá đại chúng. Nhưng làn sóng vẫn được biết đến với tên gọi Hallyu (Hàn lưu) không hề là một hiện tượng ngẫu nhiên. Theo Euny Hong, tác giả cuốn Giải mã Hàn Quốc sành điệu: Cách một quốc gia chinh phục thế giới qua ngành giải trí, đây là quốc gia đầu tiên trong lịch sử lấy “sành điệu” làm tôn chỉ phát triển và sẵn sàng chi hàng tỷ Won trong ngân sách quốc gia vào việc quảng bá âm nhạc, phim ảnh, thời trang và ẩm thực ra bên ngoài lãnh thổ. Ảnh hưởng của chúng đến các nước láng giềng, thậm chí xa hơn nữa, là vô cùng rộng lớn. Cái mác made in Korea đang dần đạt được uy tín tương tự made in France hay made in Italy. Các thương hiệu chăm sóc da của Hàn như Sulwhasoo và Amarte đã trở thành những cái tên đáng ngưỡng mộ trong ngành công nghiệp mỹ phẩm toàn cầu.
Tất nhiên người Hàn vẫn có niềm đam mê cuồng nhiệt với những mặt hàng xa xỉ đến từ châu Âu. “Chúng tôi nhìn thấy điều đó trong thị trường xe hơi tại Seoul”, Vince Kim – Giám đốc kinh doanh của phòng trưng bày Ferrari ở quận Gangnam – chia sẻ. Đứng cạnh bốn mẫu xe hơi mới nhập từ Modena, anh khẳng định sở thích chơi xe nhập của người dân nước này. “Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ xe hơi lớn thứ năm thế giới của hãng McLaren. Lamborghini cũng bán rất chạy, tuy nhiên nhu cầu đối với Ferrari luôn vượt trôi”, anh nói. “Nhưng chúng tôi chỉ bán xe Ferrari mới. Khách của chúng tôi không muốn hàng đã qua tay”.
Tuy nhiên, cũng theo Vince, ô tô nội địa đang bán chạy hơn nhiều so với xe Nhật. “Các hãng xe Hàn Quốc ngày càng được đánh giá cao về chất lượng”. Thật vậy, theo bảng xếp hạng của J.D Power (tổ chức đánh giá chất lượng nổi tiếng tại Mỹ), Hyundai đã xếp trên cả Toyota về xây dựng chất lượng ban đầu. Lúc tôi phải trở lại với chiếc Equus màu xanh để tiếp tục hành trình, từ trong showroom, Vince nghiêng người và gửi cho tôi một cái nhìn thân thiện, cũng không quen tán thưởng “đây là một chiếc xe rất đẹp”.