Là một biên tập viên thời trang và stylist, những câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất từ khách hàng nam gồm: Tôi nắm được phép tắc của trang phục công sở, nhưng làm cách nào để lên đồ chỉn chu cho những dịp ngoài giờ? Làm sao để tìm được phong cách mà cân bằng giữa bộ suit phối cà vạt lụa và quần khaki phối áo thun?


Trong thời buổi bây giờ, quy định trang phục công sở cũng không còn rõ ràng như trước nữa, và những định nghĩa mờ nhạt của phong cách “smart casual” đã gây không ít khó khăn cho các quý ông.

 

Phong cách “smart casual” phải cân bằng giữa sự trang trọng và thoải mái, nhưng không thể hiện rằng người mặc đã phải đắn đo suy nghĩ, chọn lựa. Chỉ nghe đến thế thôi có lẽ độc giả cũng hiểu tại sao các nam nhân thường tìm về với những bộ trang phục quen thuộc.

 

Nhưng thực chất phong cách này không quá phức tạp, và nó hoàn toàn không mới. Nhìn lại những bức ảnh từ thập kỷ 1930, bạn có thể bắt gặp những quý ông bảnh bao trong những bộ cánh tinh tế, sành điệu mà không cần đến bộ suit nào. Thay vào đó là những chiếc áo cổ mềm, quần nỉ và linen, giày loafer hoặc đế cói. Tôi thường gọi phong cách này là “casual chic.” Ở thời điểm đó, đây là một kiểu mới thuộc phong cách sportwear – ý nói những bộ trang phục mặc vào lúc nghỉ ngơi, không chỉ riêng thể thao. Những chiếc áo polo và giày plimsoll (bằng vải với đế mềm mại, không cần dây buộc hay đai cài) cũng bắt đầu phổ biến từ thời kỳ này.

 

Các quý ông có thể yên tâm rằng việc phối đồ và mua sắm phục vụ phong cách này khá đơn giản. Khi nắm được những điểm trọng tâm của trang phục casual, bạn có thể mặc những bộ cánh lịch lãm mà vẫn giữ được phong thái thoải mái.

 

Điểm đầu tiên cần chú ý là về bảng màu. Những tông màu phù hợp cho casual chic thường là màu trầm, nhạt, không quá nổi bật. Vào mùa đông, tôi thường khuyên khách hàng mặc những màu tông xám hoặc navy, còn mùa hè thì sẽ hợp những màu ấm và sáng. Khi phối áo chất liệu mềm với quần chinos và áo gió, các nam nhân nên chọn áo trắng, xanh navy hoặc xám. Nếu là người thích màu sắc, bạn có thể thêm những màu như be, taupe, hay xanh oliu vào tủ đồ casual của mình.

 

Các quý ông nên lựa chọn những món đồ trơn và họa tiết giản dị. Những họa tiết checker và herringbone to sẽ khiến bộ trang phục cảm giác thoải mái hơn. Còn khi muốn theo phong thái lịch sự, bạn có thể chọn những trang phục trơn thay vì họa tiết. Về chất liệu, bạn có thể tìm đến áo polo len đan thay cho cotton để nâng tầm phong cách, phối cùng quần linen đen sẽ tạo nên bộ cánh vừa thoải mái vừa lịch lãm.

 

Và tiếp theo, có lẽ điểm quan trọng nhất trong menswear nói chung, là việc quần áo phải vừa vặn. Trên website riêng của mình, Permanent Style, tôi thường khuyên độc giả sở hữu những chiếc quần may đo, vì đó là cách đơn giản nhất để tăng phần lịch sự cho trang phục thoải mái. Phom dáng quần nên theo đường nét tự nhiên của cơ thể nhưng không nên bó sát, và chiều dài vừa đến mắt cá chân. Bạn không nhất thiết phải đặt may một chiếc quần bespoke. Tuy nhiên, các nam nhân nên lựa chọn lỹ lưỡng và chỉnh sửa nếu cần.

 

Triết lý của casual chic nhấn mạnh vào chất liệu cao cấp. Nhất là khi những tiểu tiết như ve áo suit và khuy măng đã loại ra khỏi trang phục, chất lượng của bộ cánh phải được thể hiện qua vải vóc. Vì vậy những chất liệu các quý ông nên cân nhắc bao gồm cashmere, da mềm, hay Irish linen. Không chỉ là casual chic, những chất liệu này rất quan trọng trong phong cách cổ điển lịch lãm nói chung.

 

Cuối cùng phải kể đến cách phối đồ. Các quý ông nên kết hợp những món đồ tinh tế với tinh thần tự tin và sẵn sàng bắt đầu ngày mới.

 

Trong công việc stylist, tôi đã từng hỗ trợ một khách hàng muốn nâng tầm phong cách công sở của mình. Ở vị trí lãnh đạo, ông không cần mặc suit nhưng vẫn muốn tạo nên hình ảnh lịch lãm và chuẩn mực. Tôi đã đưa ra cho ông một số lời khuyên như việc phối áo len cashmere cùng quần nỉ (thay vì áo polo và quần chinos) và thay thế đôi giày oxford cũ bởi một đôi loafer giản dị, tinh tế.

 

Phản ứng tích cực của mọi người xung quanh khiến ông càng tự tin trong những bộ cánh mới của mình. Và tuyệt vời thay, một số nhân viên và đồng nghiệp của ông cũng bắt đầu lên đồ theo phong cách như vậy. Ông thường nói với tôi: “Không ngờ bí quyết đơn giản như vậy! Một chút hiểu biết về phom dáng và chất liệu thôi cũng có thể thay đổi tất cả.”

 

Nghĩ cho cùng, từ những năm 1930 đến bây giờ, định nghĩa về trang phục tinh tế vẫn không hề thay đổi: đó chính là nét sành điệu pha với phong thái thanh nhã.

 

Simon Crompton là người sáng lập trang web permanentstyle.com và là tác giả của nhiều đầu sách về phong cách và trang phục nam giới. Ông hiện đang sống ở London.