Sinh ra trong gia đình có bố mẹ là những người tị nạn đến Mỹ, những cây bút xuyên văn hóa này đang từng bước đưa trải nghiệm cá nhân vào trang giấy, để độc giả có cái nhìn cận cảnh hơn về những góc khuất của phận người tị nạn, đồng thời nhìn nhận họ như những cá nhân với đầy đủ quyền cơ bản của một con người.
Ocean Vương
Chào đời tại vùng ngoại ô Sài Gòn vào năm 1988 rồi sang Mỹ định cư tại Connecticut từ năm lên 2, đối với Ocean Vương, tiếng Anh chính là đính đến của mình. Từ một người “đánh vật” với các con chữ để hiểu được ngôn ngữ xứ người, Ocean Vương đã trở thành nhà thơ với tuyển tập thơ đầu tiên mang tên Night sky with exit wounds (Tạm dịch: Bầu trời đêm với những vết thương chí mạng). Đây cũng chính là tập thơ mang về cho anh giải thưởng Whiting Award, Thom Gunn Award, và Forward Prizes – một giải thưởng thơ quan trọng của Anh quốc được ví như giải Oscars trong lĩnh vực thi ca – vào tháng 9 năm 2017. Khi nhận xét về nhà thơ trẻ tuổi này, Andrew Marr – trưởng ban giám khảo của Forward Prizes – đã nói bằng những lời lẽ không thể tuyệt vời hơn: “Ocean Vương là một tiếng nói mới đáng kinh ngạc. Tác giả đã băng qua nhiều vùng cảm xúc, từ những thương tổn tâm lý cá nhân đến lịch sử và cả những câu chuyện tưởng tượng bằng khả năng liên tưởng bậc thầy. Táo bạo và giàu hình ảnh, Night sky with exit wounds là một tập thơ đầu tay hoàn hảo được viết bởi một tài năng xuất chúng.”
Những ký ức tuổi thơ và tháng ngày gian khó mưu sinh cùng bà, mẹ và dì được Vương trải dài qua những trang viết. Câu chuyện về Ocean Vương bắt đầu từ hai thế hệ trước khi cậu chào đời, khi người lính trẻ Michigan với chiếc kèn trumpet trên lưng mang theo ước mơ “trở thành Miles Davis” gia nhập quân đội Mỹ và phải lòng “cô thôn nữ thất học đến từ những cánh đồng ruộng lúa”. Để rồi sau đó là sự ra đời của hai thế hệ nối tiếp gồm mẹ anh và anh. “Nhưng sau tất cả, ông bà tôi đã yêu nhau, và bài học lớn cho một người nghệ sĩ như tôi là cuộc đời phức tạp hơn rất nhiều so với những dòng tiêu đề. Và thơ ca xuất hiện khi tin tức không đủ để giải bày tất cả.”
Bà ngoại chính là người có ảnh hưởng lớn đến Vương. Bà đã dạy anh cách nhìn vào những bức trường trống như những tấm vải canvas để cho trí tưởng tượng bay cao bay. Và khi bắt đầu làm thơ, Vương đã học cách chừa lại một phần của tấm canvas đó cho độc giả. Thơ của Vương chính là cuốn hồi ký được viết bằng thơ, trong chừng mực nào đó có thể được xem như tiếng nói đại diện cho thế hệ người Việt trẻ xa xứ thời hậu chiến, dù bản thân anh chưa một lần có mặt trong cuộc chiến ấy.
Hiện tại, Ocean Vương đã xuất bản ba tập thơ gồm Burning (2010), No (2013), và Night sky with exit wounds (2016). Tốt nghiệp ngành văn học Anh thế kỷ 19 tại ĐH Brooklyn (Mỹ), Vương bắt đầu công việc giảng dạy tại Đại học Massachusetts Amherst vào mùa thu năm ngoái và hiện đang tập trung viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình.
Nguyễn Thanh Việt
Năm 2016 có lẽ là dấu son rực rỡ nhất trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Thanh Việt khi ông trở thành nhà văn người Mỹ gốc Việt đầu tiên đoạt giải thưởng văn học danh giá Pulitzer Prize cho tác phẩm đầu tay The Sympathizer (Tạm dịch: Cảm tình viên). Thành tựu đó không chỉ là niềm hân hoan của riêng tác giả, mà còn có ý nghĩa đối với cộng đồng văn chương người Việt tại Mỹ.
Trước khi nổi tiếng khắp thế giới với giải Pulitzer, cuốn sách đầu tay của người con Tây Nguyên này cũng đã nhận được nhiều giải thưởng như Giải tiểu thuyết đầu tay Center for Fiction 2015, huy chương Carnegie cho Tiểu thuyết xuất sắc của Hiệp hội Thư viện Mỹ, giải Tiểu thuyết văn học châu Á – Thái Bình Dương của Hiệp hội Thư viện châu Á – Thái Bình Dương, giải thưởng PEN/Faulkner dành cho Tiểu thuyết, giải PEN/Robert W. Bingham dành cho Tiểu thuyết đầu tay. Tại Việt Nam, The Sympathizer vẫn đang trong quá trình chuyển dịch sang tiếng Việt để sớm ra mắt độc giả trong nước. Tuy nhiên, như để thỏa lòng mong đợi của người yêu mến, vào cuối năm 2017, The Refugees – tập truyện ngắn được ông viết vào năm 1997, tức trước cả thời điểm viết The Sympathizer, và mãi đến năm 2014 mới hoàn tất – đã được xuất bản tại Việt Nam với tên gọi Người tị nạn. Đây là một tập truyện gồm 8 truyện ngắn về thân phận những người Việt tị nạn trên đất Mỹ. Chứa đựng những câu chuyện ám ảnh, đó là điều chắc chắn mà người đọc có thể hình dung ngay từ tiêu đề, nhưng vượt lên trên tất cả, Người tị nạn chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm, rằng người tị nạn không phải là “vấn đề” hay “cơn khủng khoảng”, mà là những con người bằng xương bằng thịt, cũng có những ưu khuyết điểm giống như bạn, vẫn đang nỗ lực mỗi ngày trong cuộc chiến sinh tồn của chính mình. Do đó, khi được hỏi về tựa sách cũng như thời điểm ra mắt cuốn sách của mình, Nguyễn Thanh Việt đã thẳng thẳn đáp, “Thông qua tựa sách, tôi muốn bày tỏ rõ quan điểm rằng chứng bài ngoại và nỗi sợ mà nhiều người đang bộc lộ trước làn sóng tị nạn, chẳng hạn như từ Trung Đông thời gian qua, là một bước lùi trong tiến trình phát triển của lịch sử. Hầu hết người Mỹ không muốn đón nhận người Việt tị nạn vào năm 1975, nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ chẳng ai còn nhớ tới điều này. Thay vào đó, người Mỹ gốc Việt thường được nhắc đến như những tấm gương tiêu biểu cho khía cạnh tích cực của việc nhập cư.”
Sinh ra tại Buôn Mê Thuột và theo gia đình sang Mỹ định cư vào năm 1975, hiện tại, ngoài công việc giảng dạy và viết sách, Nguyễn Thanh Việt còn là cây bút phê bình văn hóa cho The Los Angeles Times, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng người Việt tại hải ngoại.
Jenny Zhang
Sinh ra tại Thượng Hải, Trung Quốc và theo gia đình đến Mỹ tị nạn vào năm lên 5, Jenny Zhang là một tiếng nói mới khác, thầm kín nhưng táo bạo, về thân phận người Mỹ gốc Hoa, qua những câu chuyện được kể trong tập truyện ngắn đầu tay Sour Heart do Random House xuất bản. Phần nào giống với Ocean Vương, Jenny Zhang tự nhận ngôn ngữ chính là một trong những “cú tâm chấn đầu đời” và không lấy làm ngạc nhiên khi giờ đây nó lại là nguồn vui, niềm an ủi lớn nhất của mình. “Viết lách đã trở thành chốn ẩn dật bình yên của tôi, nơi tôi không bị chú ý về cách phát âm, nơi người ta không nhìn vẻ mặt rồi hiểu sai về những điều mà tôi đang nghĩ trong đầu.”
Với khả năng xóa nhòa ranh giới giữa tiểu thuyết và tự truyện, Jenny như vừa kể câu chuyện của chính mình, vừa thuật lại nhiều mảnh đời tị nạn khác, trong đó mỗi câu chuyện đều gợi lại vô số trải nghiệm về thời niên thiếu của những đứa trẻ gốc Hoa dưới những lát cắt xuyên thế hệ, xuyên lục địa. Từ những con phố nghèo, những cuộc trốn chạy, sự căng thẳng giữa các thế hệ, cảm giác lạc lõng, những đứa trẻ tự xoay xở, hành vi bạo lực cho đến sự hiếu kỳ của tuổi mới lớn về tình dục, tất cả đều giống như những mảnh ghép của chiếc kính vạn hoa được Jenny kể lại bằng chất giọng thẳng thắn, bộc trực nhưng cũng chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc.
Điểm dễ nhận thấy ở Sour Heart là hầu hết các nhân vật đều nỗ lực vượt qua sự nghèo khó, những ký ức ám ảnh thời thơ ấu để tìm thấy vẻ đẹp trong nghịch cảnh. Khi được hỏi về điều này, nữ nhà thơ, nhà văn 33 tuổi cho biết, “Không ai muốn mình trở thành đối tượng bị thương hại, nhưng đó lại là những gì xảy ra với các cộng đồng người tị nạn. Tôi vừa là người bi quan vừa là người mơ mộng, thích lý tưởng hóa cuộc sống. Có những ý nghĩ hơi ngông cuồng nhưng tôi luôn ý thức được thực tại cũng như mức độ khả thi của chúng. Có lẽ đó cũng chính là dấu ấn là tôi để lại trong những câu chuyện trên.”
Trước khi được biết đến rộng rãi với Sour Heart, Jenny Zhang từng sáng tác thơ, và đã xuất bản hai tập thơ gồm Dear Jenny và We Are All Find. Cô vốn là cây bút thường xuyên của tạp chí tuổi mới lớn Rookie từ năm 2011 đến 2014 trước khi gia nhập chương trình quảng bá sách của nữ diễn viên, nhà văn kiêm đạo diễn truyền hình nổi tiếng Lenna Dunham – người đã giúp xuất bản Sour Heart và đưa tài năng sáng tác của Jenny đến với đông đảo độc giả.