Theo nghiên cứu của hãng đá quý Gemfields, sự yêu thích của người tiêu dùng với trang sức làm từ các loại đá màu như hồng ngọc, ngọc lục bảo và ngọc bích (sapphire) ngày càng gia tăng, nhất là với thế hệ Y (hay còn gọi là thế hệ Millennials – những người sinh trong giai đoạn 1980-2000).
Dù chỉ mới thành lập vào năm 2004, nhưng Gemfields giờ đã trở thành nhà cung cấp đá quý màu – hồng ngọc, ngọc lục bảo và thạch anh tím – hàng đầu thế giới, là đối tác thân thuộc của các thương hiệu trang sức danh tiếng như Chopard và Bulgari; đồng thời còn là chủ sở hữu của Fabergé, công ty kim hoàn được biết đến qua các tác phẩm trứng Phục sinh chế tác từ đá quý và kim loại hiếm.
“Chúng tôi nhận thấy nhiều nhà thiết kế trang sức có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành sử dụng đá màu làm chất liệu chủ đạo cho các tác phẩm mới của họ, từ đó tác động mạnh mẽ đến thị hiếu của người tiêu dùng và mặt bằng giá cả”, Sally Morrison, Giám đốc bán hàng và tiếp thị cho Gemfields Mỹ, cho biết.
“Trong khi cộng đồng biên tập thời trang và giới mộ điệu vẫn đang loay hoay tìm kiếm đề tài cuốn hút hơn những cái tên đã quá quen thuộc như kim cương, bạch kim hay vàng…; sắc màu đã tiến lên một bước để trở thành trào lưu mới đầy hấp dẫn. Ngoài ra, khả năng tiếp cận nguồn đá quý màu đáng tin cậy và có nguồn gốc minh bạch một cách dễ dàng hơn cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thị trường”.
Triển vọng thị trường
Truy xuất rõ ràng nguồn gốc của đá quý từ “hầm mỏ đến thị trường” được xem như tôn chỉ hoạt động của Gemfields. Công ty nắm giữ giấy phép khai thác tại các mỏ đá màu ở Zambia, Mozambique, Colombia và Sri Lanka, sau đó trực tiếp cung cấp cho các hãng chế tác trang sức hoặc thợ kim hoàn mà không qua tay trung gian. Chính sự minh bạch của Gemfields cũng như các thương hiệu đối tác đang góp công lớn giúp thị trường trang sức đá quý màu trỗi dậy.
“Gemfields là cái tên tiên phong trong việc thúc đẩy xu hướng này bằng cách nuôi dưỡng các tài năng thiết kế mới nổi và đầu tư nhiều chương trình giúp họ sáng tạo với đá quý màu. Hãng đá quý có trụ sở tại London cũng trở thành nguồn cung đá màu đáng tin cậy, đảm bảo số lượng lẫn chất lượng cho những thương hiệu hàng đầu. Đồng thời, công ty còn tập trung nguồn lực để định hướng và truyền cảm hứng cho người tiêu dùng toàn cầu về sức hấp dẫn của đá quý màu”, Morrison chia sẻ.
Để tìm hiểu về tiềm năng của đá màu trong ngành chế tác trang sức, Gemfields tiến hành một cuộc khảo sát tại Hoa Kỳ vào tháng 9.2016. Đối tượng là 4.000 người tiêu dùng trong độ tuổi từ 21 đến 64 đã mua hoặc nhận được đồ trang sức làm từ đá quý màu trong vòng 2 năm qua.
Mặc dù chiến lược tiếp thị và nhận thức về thương hiệu còn hạn chế, nhưng trang sức đá quý màu vẫn khá phổ biến tại thị trường Mỹ. Có tới 31% người tiêu dùng nữ tham gia khảo sát mua hoặc được tặng đồ trang sức có đính hồng ngọc, ngọc lục bảo hoặc ngọc bích kể từ năm 2014. Thế hệ Y chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn, với 41% trong số trên mua trang sức đá màu trong vòng 24 tháng qua. Họ tìm kiếm thông tin dựa trên các phương tiện truyền thông xã hội và thiết bị di động.
Kết quả khảo sát còn cho thấy người tiêu dùng định vị trang sức đá màu gắn liền với cuộc sống thường nhật thay vì những sự kiện quan trọng, với 38% đồng ý rằng loại trang sức này là quà tặng lý tưởng trong suốt cả năm và không dành riêng cho một dịp đặc biệt nào. Ngoài ra, 43% phụ nữ được khảo sát cho biết họ thường xuyên đeo trang sức đính đá quý màu hàng ngày, 24% đeo ít nhất một lần trong tuần, và 7% chỉ đeo khi dự tiệc.
Đối với người tiêu dùng thuộc thế hệ Millennials, màu sắc và độ tinh khiết của đá quý là thuộc tính đáng giá hơn hẳn trọng lượng. Theo khảo sát của Gemfields, mặt bằng giá của trang sức đá quý màu khoảng 1.386 USD. Trong đó, các đấng mày râu chi trung bình 2.048 USD để mua một sản phẩm; còn nhóm khách hàng giàu có với thu nhập 100.000 USD trở lên sẵn sàng bỏ ra con số 2.499 USD cho mỗi món trang sức.
Lựa chọn thay thế đầy màu sắc
Fabergé đã đưa nghiên cứu của công ty mẹ Gemfields vào thực tế với chiến lược định vị đá quý màu như một lựa chọn thay thế cho kim cương. Các bậc thầy kim hoàn nước Nga đang khiến người tiêu dùng có cái nhìn mới mẻ hơn về nhẫn đính hôn, vượt qua tư duy “kim cương là mãi mãi” truyền thống bằng một chiếc dịch tiếp thị kỹ thuật số đầy màu sắc.
Video quảng cáo #SayYesInColour của Fabergé nhằm giới thiệu bộ sưu tập nhẫn đính hôn ngọc lục bảo, hồng ngọc và ngọc bích của hãng nhận được nhiều phản ứng tích cực từ người tiêu dùng toàn cầu. Dù không đính viên kim cương đắt đỏ nhưng chỉ cần làm người phụ nữ của mình cảm thấy hạnh phúc, thì một chiếc nhẫn đính đá quý vẫn đáng để phái mạnh cân nhắc.
“Thế hệ Y khao khát được thể hiện bản thân và khẳng định dấu ấn khác biệt. Đá quý màu hoàn toàn phù hợp với nhu cầu này. Ngoài ra, quan điểm của họ ít truyền thống hơn thế hệ trước và sẵn sàng chào đón màu sắc mới mẻ trong cuộc sống, đeo trang sức lộng lẫy hàng ngày chứ không cần chờ đợi những dịp đặc biệt”, Morrison nhận định.
Trang sức đá quý màu nổi lên thành lựa chọn hấp dẫn xuất phát từ sự thay đổi trong ý thức hệ và quan điểm của thế hệ Y, họ không quá xem trọng kim cương như các bậc cha anh. Chuẩn mực xã hội đã thay đổi rất nhiều trong vài năm gần đây, đặc biệt khi thế hệ Millennials chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số. Họ thấy không cần thiết phải cố gắng mua bằng được chiếc nhẫn kim cương để cầu hôn, cũng chẳng mấy bận tâm đến giá trị hôn nhân truyền thống.
“Người tiêu dùng thích đá quý màu bởi khả năng tỏa sáng dù đứng một mình hay khi kết hợp với kim cương, chỉ một viên đá nhỏ cũng đủ khiến chủ nhân cảm thấy thật cá tính”. Xu hướng này có thể đe dọa đến ngành công nghiệp kim cương với doanh số phụ thuộc phần lớn vào nhẫn đính hôn. Tuy nhiên chưa thể đoán trước được điều gì, bởi với nhiều người, kim cương vẫn là biểu tượng của đẳng cấp và hôn nhân vĩnh cửu.