Trang sức luôn là thứ hấp dẫn mọi người, có lẽ là bởi truyền thống và văn hóa tiêu dùng trên thế giới. Đôi khi, người ta có thể bán chuỗi vòng cổ của mình để lấy tiền mua sắm nhu yếu phẩm, hoặc cũng có thể sử dụng trang sức như món quà hồi môn. Dù không phải lúc nào cũng là món đồ lấp lánh thu hút mọi nhà đầu tư, nhưng trang sức cổ có thể mang lại cho bạn không chỉ niềm vui, mà còn cả nguồn thu nhập hấp dẫn. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất mà nhà đầu tư thường gặp phải khi đầu tư vào trang sức cổ là việc xác định các món đồ có giá trị cũng như lợi ích có được từ chúng. Vì thế, kiến thức về trang sức cổ là điều đóng vai trò quan trọng. Có thể bạn sẽ phải đích thân sục sạo tại các cửa hiệu trang sức, thông qua các diễn đàn, gặp gỡ các nhà buôn đồ cổ, hoặc thậm chí là tham dự các triển lãm hay đấu giá trang sức để tìm hiểu về món đồ mình muốn đầu tư.
Một món trang sức đích thực sẽ luôn có giá trị vào bất cứ thời nào. Và theo các chuyên gia kim hoàn, trang sức cổ luôn được xem là lĩnh vực đầu tư ổn định. Các lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế, nhưng trang sức cổ thì luôn giữ được sức hút của mình, kể cả trong những điều kiện bất lợi của nền kinh tế.
Theo ý kiến của các chuyên gia kim hoàn, trang sức hiện đại ít được các nhà đầu tư quan tâm. Cũng giống như hội họa, thương hiệu của món trang sức được coi là một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định sự thành công của thương vụ đầu tư. Các nhà sưu tập có xu hướng chọn trang sức được chế tác vào đầu thế kỷ 20 của những hãng tên tuổi như Cartier, Van Cleef & Arpels, Boucheron hay Tiffany. Thông thường, nhẫn và khuyên tai được săn đón hơn, trong khi trâm cài ít được quan tâm hơn. Sản phẩm trang sức của Christian Dior mới đây cũng bắt đầu được giới đầu tư đón nhận. Có thể dễ dàng nhận ra rằng, do tâm lý an toàn trong đầu tư, nên các nhà sưu tập có xu hướng chọn lựa những tên tuổi uy tín để bảo toàn tài sản của mình trước bất cứ rủi ro phát sinh nào.
Tại các phiên đấu giá của Christie’s, bộ sưu tập trang sức hồng ngọc và kim cương do Cartier chế tác năm 1951 được đấu giá từ 800.000 – 1,2 triệu đô la. Còn bộ sưu tập “Vẻ thanh lịch phi thời gian” gồm 67 món đồ trang sức được chế tác từ đầu thế kỷ 20 của các hãng nổi tiếng như Boucheron, Cartier, Mauboussin, Ostertag, Tiffany & Co, Van Cleef & Arpels và Harry Winston luôn được giới đầu tư săn đón. Bộ sưu tập trang sức này phản ánh hầu hết các giai đoạn và phong cách quan trọng nhất trong nghệ thuật chế tác trang sức cũng như đá quý của thế kỷ 20.
Những món trang sức của người nổi tiếng luôn là thứ tài sản có giá trị cao, chẳng hạn như chiếc vòng cổ của Marie Antoinette – con gái của hoàng hậu Maria Theresa và vua nước Áo Francis Đệ Nhất – vòng cổ nạm kim cương “Diamond Riviere” hay viên ngọc trai La Peregrima nổi tiếng thế giới của nữ hoàng Anh Mary; vương miện Poltimore của công chúa Margaret; và gần đây nhất là chiếc vòng cổ “Infinite Cascade” bằng vàng hồng 18K và được gắn 1,237 viên kim cơng, 6 viên ngọc trai lớn.
Vào năm 2011, hãng Christie’s đã tổ chức phiên đấu giá đồ trang sức của nữ diễn viên huyền thoại Elizabeth Taylor. Tại đây, chiếc nhẫn kim cương 33 ca-rat do chồng bà tặng đã được bán với giá 7,6 triệu đô-la Mỹ, còn chiếc vòng cổ La Peregrina của hãng Cartier đã được trả giá 10,5 triệu đô-la Mỹ, trong khi viên kim cương hình trái tim Taj Mahal mà Burton đã tặng cho Taylor vào ngày sinh nhật lần thứ bốn mươi tuổi của bà đã được trả giá 9 triệu đô-la Mỹ.
Những món trang sức do các nghệ nhân kim hoàn chế tác vào thập niên 60 cũng rất được ưa chuộng. Sản phẩm kim hoàn của các nghệ nhân người Anh như Andrew Grima, John Donald hay Stuart Devlin được đánh giá cao. Theo nhiều chuyên gia, trang sức mang dấu ấn và phong cách cá nhân của từng thời kỳ lịch sử cũng được ưa chuộng. Những chiếc nhẫn mang phong cách của thời kỳ Edward – thời kỳ được bắt đầu ở Anh vào đầu thập niên 1900, khi những viên kim cương nhỏ li ti lần đầu tạo thành hiện tượng thời trang được yêu thích – rất được ưa chuộng. Trang sức mang phong cách Belle Epoque – trào lưu văn hóa khởi nguồn từ Pháp trong thời kỳ trước Thế chiến I 1890-1914 gắn những viên kim cương xoắn tua – cũng được đánh giá cao.
Trang sức mang phong cách của thời kỳ Phục Hưng và Victoria cũng được giới đầu tư quan tâm. Do trang sức của thời kỳ Phục Hưng còn rất hiếm nên thường được đánh giá cao hơn thời Victoria, vì thế, nhà đầu tư sẽ có xu hướng ưa chuộng trang sức của thời kỳ này. Các mẫu trang sức của Lalique và Guimard mang phong cách Art Nouveau – một phong cách trang trí phổ biến vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 (1890–1905) với đặc trưng bởi việc ứng dụng kính, men và đá màu – cũng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư.
Điều quan trọng là bạn cần tỉnh táo trong các quyết định đầu tư của mình. Đừng mơ hái sao trên trời nếu ngân sách của bạn có hạn. Nên nhớ rằng, bạn có thể mua những món trang sức với giá dưới 1000 đô-la, trong khi người khác có thể bỏ ra cả triệu đô-la. Vì thế, hãy luôn tỉnh táo với các quyết định của mình!