Ngành công nghiệp ô-tô buộc phải thay đổi để thích nghi với xu thế thời đại.

Với công suất lên tới 950 mã lực cùng tốc độ tối đa 350 km/giờ, Aston Martin Valhalla mang tham vọng nắm ngôi “bá chủ” trong phân khúc siêu xe lai hợp.

Vì sao phải thay đổi?

Bền vững không phải là điều gì đó mới mẻ với ngành ô-tô. Trên thực tế, chiếc xe điện đầu tiên của thế giới đã được phát triển tại Scotland vào những năm 60 của thế kỉ 19. Đến những năm 2000, chiếc Toyota Prius được xem như một phương tiện mang tính “cách mạng” của ngành vận tải. Ngày nay, các quy định của pháp luật và sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng là 2 nguyên nhân chính tạo ra xu thế bền vững trong ngành ô-tô.

Từ năm 1970, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật về không khí sạch, giúp Cơ quan bảo vệ môi trường nước này đưa ra các quy định về mức khí thải cho phép đối với các phương tiện vận tải. Trong khi đó, châu Âu vừa đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng về việc cắt giảm khí thải, đặc biệt là khí CO2. Từ năm 2013, EU đã thông qua Chương trình không khí sạch với những mục tiêu cụ thể cho năm 2020 và 2030. Kể từ năm 2019, nhiều thương hiệu đã phải ráo riết chạy đua với thời gian để đáp ứng mục tiêu mà EU đề ra cho năm 2020. Tính tới thời điểm này, cả EU và Mỹ đều có những mục tiêu đầy tham vọng về xe điện cho giai đoạn từ 2030-2035.

Lotus E-R9, một concept tuyệt đẹp đại diện cho thế hệ xe đua chạy điện trong tương lai. Cả động cơ lẫn tính năng khí động học của xe đều ở mức lý tưởng.

Bên cạnh đó, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng cũng là yếu tố quyết định chiến lược sản xuất trong ngành ô-tô. Chiếm khoảng 64% dân số thế giới, các thế hệ Y và Z đang là nhóm khách hàng quan trọng – yếu tố khiến các hãng xe phải điều chỉnh chiến lược của mình. Một số thăm dò chỉ ra rằng, với thế hệ Z, phạm trù “đạo đức” – mà cụ thể ở đây là tính bền vững – đóng vai trò quan trọng trong các quyết định tiêu dùng. Tựu trung, tính bền vững cùng những phương thức sản xuất thân thiện với môi trường đang trở thành tâm điểm trong chiến lược phát triển của các thương hiệu xe hơi. Tuy nhiên, mọi giải pháp đều phải dựa trên sự hiểu biết thấu đáo về phạm trù nêu trên.

 

Nội hàm & giải pháp

Để hiểu vai trò của sản xuất bền vững trong ngành công nghệ ô-tô, chúng ta cần hiểu nội hàm của khái niệm này. Về cốt lõi, sản xuất bền vững hay sản xuất “xanh” nhắm đến việc cắt giảm lượng chất thải và hạn chế tác động tới môi trường. Thông thường, điều này đồng nghĩa với việc áp dụng các quy trình sản xuất và các thiết kế theo các tiêu chuẩn có lợi cho môi trường. Với bản thân nhà sản xuất, giá trị thương hiệu và cơ hội kinh doanh tăng lên một cách đáng kể. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cũng được cắt giảm thông qua việc cắt giảm lượng chất thải và tái sử dụng các loại nguyên vật liệu. Ngoài ra, việc sử dụng các quy chuẩn và sản phẩm “xanh” cũng giúp các nhà sản xuất giảm bớt gánh nặng và rào cản về mặt pháp lý liên quan đến bảo vệ môi trường.

Sản xuất bền vững là kết quả của việc đánh giá quy trình sản xuất một cách kỹ lưỡng. Thông qua quy trình này, các công ty có thể rà soát những điểm mấu chốt như hao hụt năng lượng hay sự lãng phí trong quy trình sản xuất để từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. Một thí dụ điển hình phải kể đến Ford, hãng xe Mỹ với những quy trình sản xuất “xanh” kể từ thập niên 20 của thế kỉ XX. Thời đó, Ford được biết đến với nhiều cấu kiện xe hơi làm từ “Fordinite” – một loại vật liệu tổng hợp làm từ cao su, Silic, thân lúa mạch cùng một số phụ gia khác nhằm thay thế cho gỗ truyền thống. Chưa dừng lại ở đó, hãng xe Mỹ còn chế ra loại mút xốp làm từ đậu nành để sử dụng cho ghế ngồi. Cho đến ngày nay, Ford vẫn là thương hiệu tiên phong trong việc sử dụng các loại vật liệu bền vững cùng những quy trình sản xuất ít gây hại cho môi trường.

Trong khi Ford tạo ra mút xốp làm từ hạt đậu nành thì Audi tham vọng chinh phục địa hình bằng dòng xe điện mang thiết kế hầm hố. Đây là hai thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực công nghệ.

Trong ngành xe hơi, cắt giảm trọng lượng cũng góp phần làm thay đổi khả năng vận hành của phương tiện và thay đổi tác động tới môi trường. Về cơ bản, cắt giảm trọng lượng giúp xe cộ giảm mức tiêu thụ nhiên liệu. Phần lớn xe cộ hiện nay được chế tác từ nhôm và thép. Giải pháp thay thế là các loại vật liệu tổng hợp giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và chi phí bảo hiểm.

Một giải pháp đang rất phổ biến trong xu thế phát triển bền vững chính là xe điện. Từng bị coi là “lạc lõng” khi mới xuất hiện, xe điện đang dần trở thành tâm điểm trong ngành ô-tô và dự kiến chiếm tới 50% doanh số xe du lịch toàn thế giới trong vài thập kỷ tới. Vẫn còn những lo ngại về yếu tố môi trường liên quan đến việc sản xuất pin cho xe điện hay việc đốt nhiên liệu hóa thạch để lấy điện sạc pin cho xe. Tuy nhiên, các thương hiệu xe hơi vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những loại pin hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn.

Thương hiệu BMW gắn liền với những dự án “xanh” liên quan đến cây Kenaf hay khai thác quặng lithium để chế tạo pin xe.

Tựu trung, khủng hoảng khí hậu không còn là chuyện bên lề. Nó là sự thật mang tính khoa học mà tất cả các ngành nghề đều phải tìm cách thích nghi.

Ngành công nghiệp xe hơi không thể làm ngơ trước lượng khí thải và rác thải tạo ra trong quá trình sản xuất. Trên thực tế, đây là một trong những ngành gây ô nhiễm nặng nề nhất. Điều cấp thiết là các thương hiệu phải thừa nhận thực tế để thay đổi quy trình sản xuất thông qua các công nghệ như trí tuệ nhân tạo hay thiết kế phái sinh.

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng 9 mang chủ đề “The New Look of Luxury”)

 

 


KHÁM PHÁ NGAY TOP 10 BÀI HAY TRÊN ẤN PHẨM ROBB REPORT VIETNAM SỐ THÁNG 9 “THE NEW LOOK OF LUXURY”

Di sản hai thập kỷ của Bentley và Breitling

 

Xu thế bền vững: Vì sao ngành xe hơi cần phải đổi mới?

 

Diện mạo mới của thị trường bất động sản hạng sang thời đại dịch

 

Bốn thánh địa sức khỏe thu hút giới thượng lưu thế giới

 

Liệu một nhà hàng vắng bóng các món thịt có thể thu hút thực khách?

 

Những xu hướng nào đang thịnh hành trong kỷ nguyên New Luxury?

 

AirCar: Chiếc ôtô bay biến giấc mơ thành hiện thực

 

Gặp gỡ Nico Samaras – Tay cựu binh Thủy quân Hoa Kỳ với đam mê độ xe đích thực

 

Giám đốc điều hành Joolux: “Hãy khởi nghiệp khi còn trẻ vì bạn không còn nhiều thời gian đâu”

 

Chiếc đồng hồ “lai” guitar độc bản mang dấu ấn tiên phong của ArtyA