Vừa qua, giới mộ điệu đồng hồ đã có dịp chiêm ngưỡng những mẫu Royal Oak và Millenary trong không gian sang trọng của cửa hàng The Hour Glass S&S tại Union Square (Quận 1, Hồ Chí Minh).
The Hour Glass S&S – Đơn vị phân phối chính hãng thương hiệu đồng hồ Audemars Piguet tại Việt Nam – đã giới thiệu đến các tín đồ những mẫu đồng hồ Royal Oak và Millenary cũng như các câu chuyện lịch sử thú vị cùng kỹ nghệ nổi bật mà thương hiệu sử dụng để chế tác nên bộ vỏ đặc trưng của những chiếc đồng hồ cao cấp này.
Trong khi Royal Oak đã trở thành mẫu đồng hồ biểu tượng, gây dựng nên thành công của Audemars Piguet trong gần 50 năm qua thì bộ sưu tập Millenary lại mang một thiết kế hoàn toàn khác biệt giữa vẻ đẹp của thẩm mỹ và cơ khí.
Audemars Piguet là một trong số những “đại thụ” trong ngành chế tác đồng hồ, khai sinh tại Le Brassus, Vallée de Joux của Thụy Sĩ từ năm 1875 bởi hai nghệ nhân Jules Louis Audemars và Edward Auguste Piguet. Đến nay, thương hiệu Audemars Piguet đã 145 năm tuổi, trải qua rất nhiều thăng trầm cũng như các biến cố lịch sử nhưng vẫn là công ty “cha truyền con nối” duy nhất còn lại trong ngành đồng hồ và vẫn được sở hữu bởi chính gia đình của hai nhà sáng lập là Audemars và Piguet (thế hệ thứ 4).
Royal Oak – thiết kế thay đổi ngành đồng hồ đương đại thế giới
Sự xuất hiện lần đầu tiên của Audemars Piguet Royal Oak là một cơn địa chấn đã làm rung chuyển thế giới đồng hồ và tạo nên sức ảnh hưởng đáng kể cho đến tận ngày nay. Khi ra mắt năm 1972, Royal Oak đã nhận không ít chỉ trích. Đây là chiếc đồng hồ thể thao đầu tiên có bộ vỏ bằng thép không gỉ, thoát khỏi khuôn mẫu của những chiếc đồng hồ đeo tay thịnh hành lúc bấy giờ.
“Phù thủy” tạo nên thiết kế Royal Oak – Gerald Genta cho hay nguồn cảm hứng đến từ chiếc mũ bảo hiểm thợ lặn truyền thống và cái tên Royal Oak được lấy theo tên của chiến hạm “Royal Oak” của Thủy Quân Hoàng Gia Anh (The Royal Navy), cũng được đặt tên theo “Cây sồi Hoàng Gia Anh” từng cứu mạng vua Charles đệ Nhị lẩn trốn sau thất bại tại trận chiến Worcester vào năm 1651. Một điểm thú vị khi đây cũng chính là chiếc chiến hạm thứ 8 của Thủy Quân Hoàng Gia Anh lại tương ứng với 8 chiếc đinh ốc lục giác trên niềng đồng hồ.
Royal Oak Tourbillon Extra-thin
Năm 1986, Audemars Piguet ra mắt chiếc đồng hồ tourbillon mỏng nhất thế giới với độ dày vỏ chỉ 5,5mm, lồng tourbillon được làm từ hợp kim titan và cũng là chiếc đồng hồ đầu tiên trên thế giới có hệ thống tourbillon được mang ra mặt trước của đồng hồ nhằm tôn lên vẻ đẹp của cỗ máy này, mở đầu xu hướng phô trương tourbillon của ngành chế tác đồng hồ đỉnh cao.
Gần 30 năm sau, thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ tiếp tục ra mắt Royal Oak Tourbillon Extra-thin, một di sản của của chiếc Tourbillon đầu tiên đồng thời kế thừa thiết kế kinh điển Royal Oak huyền thoại. Có thể ví von rằng, trong một căn phòng tràn ngập những người đeo Royal Oak, thì Royal Oak Tourbillon Extra Thin là chiếc “Royal Oak” của những chiếc Royal Oak khác.
Royal Oak Tourbillon Extra-thin hiện tại là chiếc duy nhất được The Hour Glass S&S phân phối tại Việt Nam. Chiếc đồng hồ này đã chính thức được Audemars Piguet đưa vào bộ sưu tập Di Sản (Legacy) và đã ngừng sản xuất, càng làm cho những người sành chơi đồng hồ khao khát sở hữu chiếc đồng hồ này trong bộ sưu tập của mình.
Audemars Piguet Millenary
Khai thác một hướng đi mới, Audemars Piguet đã lấy cảm hứng từ sự phức tạp, khó hiểu nhưng quyến rũ và duyên dáng của phái đẹp đưa vào bộ sưu tập mới Millenary để chinh phục những quý cô đương thời. Cái tên Millenary được đặt để kỉ niệm giai đoạn này khi cả thế giới chuẩn bị bước vào thế kỉ mới.
Bên trong bộ vỏ eclipse là mặt đồng hồ chỉ giờ lệch sang hướng 3 giờ. Mặt số phụ chỉ kim giây tiếp tục lệch tâm xuống hướng 7 giờ so với mặt số chính. Thiết kế lệch tâm này là dấu ấn của nét thẩm mĩ Neo-classical thời kì hưng thịnh suốt thế kỉ 18. Tất cả các chi tiết như viền mặt đồng hồ, một số cầu máy, kim đồng hồ đều được chế tác bằng vàng.
Kiến trúc lệch tâm làm cho mặt đồng hồ còn một khoảng hở có chủ đích. Phần còn lại của cỗ máy và toàn bộ phần lưng được thiết kế mở, tạo hiệu ứng 3D với các chi tiết máy xếp tầng lớp có chiều sâu và khoang rỗng thú vị, hút ánh sáng ở các góc cạnh khác nhau, phô diễn độ hoàn thiện và bánh xe cân bằng.
Đặc biệt hơn, những thợ kim hoàn Ba Lan đã sáng tạo ra một cách dệt dây đeo bằng kim loại quý đặc trưng, cạnh tranh với kiểu Milan, đều sử dụng những sợi vàng nhỏ đan vào nhau thành một dải dài mượt mà. Đây là kĩ nghệ có từ thời trung cổ thường được dùng để dệt áo giáp lưới cho kị sĩ. Điều khác biệt nhất giữa kĩ nghệ Ba Lan và kĩ nghệ Milan là ở múi đan, nếu người Milan đan các mũi cùng hướng thì người Balan đan nghịch hướng, cũng vì vậy mà sở hữu độ phức tạp cao hơn. Bộ dây đeo “dệt” kiểu Ba Lan đổ mượt mà, ôm lấy cổ tay một cách nhẹ nhàng, tựa như một lớp da thứ hai. Tuy nhiên, tính chất sản xuất thủ công của kĩ nghệ này là trở ngại để khó có thể sản xuất số lượng quá lớn.