Mark Brazier-Jones là một nghệ sĩ, nhà thiết kế nội thất bậc thầy, đồng thời là nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới. Với sự độc lập trong quan điểm và tầm nhìn, Mark Brazier-Jones đã tạo nên những tuyệt tác điêu khắc, đèn và đồ nội thất vừa cổ điển, vừa siêu thực mang phong cách Art Nouveau, Baroque và Rococo. Khách hàng của Mark Brazier-Jones là các ngôi sao showbiz, giới hoàng gia, và các nhà sưu tập nghệ thuật. Đó là Công tước và Nữ công tước xứ Devonshire tại Chatsworth House, Brad Pitt, Sir Bob Geldof, Courtney Love, Peter Marino, Angelina Jolie, Sylvestor Stallone, Sir Paul Smith, Lady Aliai Forte, Stephen Webster, Ozwald Boateng, Ngài Elton John, Yasmin Mills, Amanda Eliasch, Janet Jackson, Lord McAlpine, Kelly Hoppen, Mick Jagger, Madonna, Karl Lagerfeld, Gloria, Princess von Thurn und Taxis, Yasmin & Simon Le Bon.

 

Kể từ thời điểm bắt đầu sự nghiệp vào năm 1983 với tư cách là thành viên sáng lập Creative Salvage Group, Brazier-Jones đã sáng tạo nên bộ sưu tập thể hiện khái niệm nghệ thuật công năng. Và dù hình thức có xa xỉ đến đâu thì các tác phẩm của ông vẫn tuân theo một quy tắc nghiêm ngặt nhằm tôn vinh giá trị công năng.

Bàn console Akarsh với đá thạch anh tím được sử dụng cho mặt bàn, trong khi tinh thể thạch anh tím được sử dụng cho phần đế.

Thiên phú nghệ sĩ

 

Brazier-Jones sinh năm 1956 tại New Zealand, sau đó cùng gia đình chuyển đến Vương quốc Anh ở tuổi 12. Ông lấy bằng Cử nhân điêu khắc gốm sứ, và trong suốt thập niên 1970 – đầu những năm 1980, ông làm việc trong lĩnh vực video ca nhạc, thiết kế và tổ chức dàn nhạc cho các nhạc sĩ Elton John, David Bowie và những người khác.

 

Cuộc gặp gỡ giữa Brazier-Jones, Tom Dixon và Nick Jones của ban nhạc Funkapolitan đã tạo nên mối thâm giao để Brazier-Jones cho ra đời các tác phẩm điêu khắc từ xe đẩy hàng và ô tô cũ khi ban nhạc biểu diễn (Dixon cũng tạo ra các tác phẩm điêu khắc từ kim loại phế liệu trên sân khấu khi biểu diễn cùng ban nhạc). Năm 1983, Brazier-Jones, Dixon và Jones thành lập Creative Salvage Group, sau đó có sự tham gia của nhà thiết kế người Pháp André Dubreuil.

 

Triển lãm đồ nội thất nghệ thuật hàn lâm đầu tiên của nhóm đã bán hết vé và ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình.

Đèn trần Photon Chandelier. 

Hành trình sáng tạo

 

Sau một vài năm, Brazier- Jones tập trung cho mảng thiết kế và chuyển đến vùng nông thôn Hertfordshire, nơi ông thành lập xưởng trong khuôn viên một nhà khotừthếkỷ16.Vớisự hỗ trợ của một nhóm nhỏ, Brazier-Jones thiết kế và sản xuất mọi thứ từ bàn console và đèn sàn cho đến giường ngủ và gương.

 

“Tôi luôn coi các tác phẩm của mình như những món đồ trang sức cho không gian sống. Và đó chính là nghệ thuật công năng (functional art). Khách hàng của tôi là những người đầu tư vào nghệ thuật. Ngày càng có nhiều tác phẩm hướng tới thời trang cao cấp – đó là những tác phẩm độc đáo, lấy cảm hứng từ các khách hàng của tôi.” - Brazier- Jones từng chia sẻ.

Tủ Fish Cabinet thiết kế riêng cho Andreas von Einsiedel.

Các tác phẩm để đời

 

Tudor meets 21st Century Rock and Roll tại National Trust là bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đương đại mang dấu ấn đặc sắc của Mark Brazier-Jones. Bộ sưu tập được trưng bày tại cung điện Tudor cũ ở Basingstoke, và Brazier- Jones là nghệ sĩ đầu tiên được mời tham gia vào gian trưng bày nội thất của National Trust.

 

Mẫu bàn console Akarsh là một tạo tác ấn tượng khác của Mark Brazier-Jones. “Bản chất của vạn vật trong thế giới vật chất... một chất vật lý vĩnh cửu lan tỏa khắp nơi và không thể nhận thấy được.” - niềm đam mê này được truyền tải bằng sự kết hợp của đá thạch anh tím xa hoa, được đẽo thô với đồng và điêu khắc tinh xảo. Đá thạch anh tím được sử dụng cho mặt bàn, trong khi tinh thể thạch anh tím được sử dụng cho phần đế. Tác phẩm này là độc nhất vô nhị và được thực hiện thủ công hoàn toàn.

Bàn Amethyst Petal thể hiện sự pha trộn giữa tự nhiên và phi tự nhiên, điêu khắc và vật liệu nhân tạo.