Đây là ngày thứ hai của cuộc thi lướt sóng Tahiti Pro 2023. Tôi đang ngồi trên nóc một chiếc thuyền VIP cách Teahupo’o, một trong những vùng sóng nước nguy hiểm nhất thế giới, tầm 120m. Biểu tượng lướt sóng Kelly Slater vừa bị nuốt chửng bởi bức tường nước màu ngọc lam cuồn cuộn. Nước biển bắn tung tóe trên mặt tôi khi con sóng nuốt chửng Slater. Bên dưới tôi, Jack Robinson đến từ Úc, người được dự đoán sẽ giành chiến thắng trong sự kiện này, ngồi trên mép thuyền thực hiện các bài tập thở trước phần thi của mình. Xung quanh tôi, một đội thuyền kayak, ván trượt phản lực, ván lướt sóng và các tàu nhỏ nhấp nhô, hoạt động không ngừng nghỉ trên một “sân vận động nổi” dành cho người hâm mộ.
Với nhiều đối thủ - và hơn 1.400 cư dân của ngôi làng cùng tên với vùng biển này - cuộc thi năm nay là buổi thử lửa cho một sự kiện có quy mô toàn cầu lớn hơn nhiều trong thời gian vài tháng tới. Trong khi nhiều vận động viên hàng đầu thế giới sẽ tới Pháp vào tháng 7 để tham dự Thế vận hội Olympic Paris 2024, thì những vận động viên lướt sóng tài năng nhất sẽ tới đây, vùng tây nam của bán đảo nhỏ Tahiti Iti, để tranh huy chương vàng tại cuộc thi vốn mới chỉ diễn ra lần thứ hai trong lịch sử Olympic.
"Đây là cuộc thi lướt sóng lần thứ hai trong lịch sử Olympic diễn ra tại Tahiti Iti."
Các quan chức Olympic có thể đã chọn một địa điểm ngoài khơi nước Pháp, chẳng hạn như các thị trấn lướt sóng Biarritz hoặc Hossegor, nhưng về mặt lịch sử, Mẹ Thiên Nhiên mang đến nhiều con sóng lớn hơn cho Tahiti trong những tháng mùa hè. Thêm vào đó, lướt sóng có mối quan hệ văn hóa sâu sắc với khu vực. Môn thể thao này có nguồn gốc từ Polynesia và có từ thế kỷ 12; là môn thể thao của hoàng gia Polynesia. Teahupo’o cũng là nơi sở hữu những con sóng đầy thách thức khiến ngay cả những tay chơi giàu kinh nghiệm nhất cũng e ngại nhưng lại muốn chinh phục. Những rủi ro cao khi lướt sóng tại địa điểm đặc biệt này đảm bảo tăng lượng người xem.
Nằm trong vùng nước trong vắt của Nam Thái Bình Dương, bao bọc bởi những ngọn núi xanh biếc sắc ngọc bích, Teahupo’o (phát âm là TAY-a-hoo-poh-oh) là một trong những điểm lướt sóng khét tiếng nhất. Theo Hồi ký của Marau Taaroa, Nữ hoàng cuối cùng của Tahiti, xuất bản năm 1893, người đầu tiên lướt sóng tại đây thực ra là một phụ nữ đến từ đảo Raiatea, vào cùng năm. Mãi đến những năm 1980 mới có người dám thử lại, với cuộc thi đầu tiên được tổ chức vào cuối những năm 1990. Chris Malloy, nhà làm phim vốn từng là vận động viên chuyên nghiệp, đã nhân xét: “con sóng đã vĩnh viễn thay đổi bộ môn lướt sóng”.
Ngọn sóng huyền thoại
Trong điều kiện lý tưởng, Teahupo’o có thể cao tới hơn 6m. Con số nghe có vẻ nhỏ nhoi so với Jaws ở Maui hoặc Nazaré ở Bồ Đào Nha — có thể leo cao tới gần 25m. Tuy nhiên, chiều cao không phải là điều khiến Chopes, cách gọi trìu mến về con sóng này, trở nên đặc biệt. Đó là trọng lượng. Còn khi mô tả một con sóng có sức nặng, dân lướt sóng sẽ đề cập đến sự kết hợp giữa phần môi dày (phần sóng mạnh bắt đầu cuộn tròn) và lượng nước dâng lên phía sau nó.
Giống như hầu hết các điểm lướt sóng trên khắp Polynesia thuộc Pháp, Teahupo’o là điểm dừng nghỉ ở rạn san hô, với nước tràn trên bề mặt san hô sắc như dao cạo. Chopes là duy nhất vì chỉ cách rạn san hô gần 50m, với độ sụt lún của thềm đại dương là 15m. Khi những đợt sóng tiến vào bờ, sự chuyển đổi từ vùng nước sâu khiến chúng lao lên trên san hô trước khi đổ xuống như chớp với lực cực lớn.
"Chiều cao không phải là điều khiến con sóng này đặc biệt mà là sức nặng của nó."
“Rạn san hô đã phát triển hoàn hảo để hấp thụ năng lượng của sóng trong khoảng cách ngắn nhất vốn tạo ra kỳ quan thiên nhiên độc đáo này” - ngôi sao lướt sóng Laird Hamilton chia sẻ với Robb Report. “Đó là một làn sóng thẳng đứng với phần cuộn như chiếc thùng khổng lồ. Đó là một trong những con sóng lớn nhất trên Trái đất”. Năm 2000, Hamilton đã viết lại lịch sử lướt sóng khi chinh phục thứ được mệnh danh là “Làn sóng Thiên niên kỷ” tại đây. Cho đến thời điểm đó, Teahupo’o được coi là quá nguy hiểm để thử khi nó đạt đến một kích thước nhất định. Hamilton, người tiên phong trong môn lướt ván kéo, đã nhờ một chiếc Jet Ski kéo anh ta vào nơi vẫn được coi là một trong những con sóng nặng nhất từng được con người trải nghiệm. Tạp chí Surfer đã xuất bản một trang bìa đáng nhớ về việc Hamilton bị đánh bại chỉ với dòng chữ “ôi chúa ơi. . .” trước con sóng dữ này.
Ở một số nơi, rạn san hô chỉ ẩn sâu khoảng 0.5m dưới mặt nước và phần cuộn sóng có thể hoạt động giống như một máy chém bằng nước nếu nó kẹp chặt lại trước khi người lướt sóng thoát ra khỏi phần ống rỗng của sóng, được gọi là thùng. Nếu bị sóng nuốt chửng, Hamilton sẽ không còn đường thoát.
Làng Teahupo’o có đội tuần tra an toàn mặt nước để theo dõi các vận động viên trong các cuộc thi. Tuy nhiên, một số ít người lướt sóng đã thiệt mạng ở đây và nhiều người về nhà với những vết thương nghiêm trọng. Dù là một người đam mê lướt sóng nghiệp dư và sống bán thời gian ở Maui để tận hưởng những con sóng của Hawaii, nhưng ngay cả vào một ngày sóng êm nhất, tôi cũng không dám thử Teahupo’o.
Trải nghiệm để đời
Trên tàu của tôi, Caitlin Simmers, một vận động viên 18 tuổi mới nổi đến từ California, đội mũ bảo hiểm trước khi thi đấu để bảo vệ thêm. Cô cho hay những vết sẹo trên chân chính là kỷ niệm về cơn thịnh nộ của rạn san hô. (Cô kỳ vọng sẽ về đích thứ hai trong cuộc thi dành cho nữ và giành được một suất tham dự Olympic). Ngay cả những vận động viên chuyên nghiệp cũng tiếp cận nơi này với sự lo lắng. Người đã đánh bại Simmers, Caroline Marks đến từ Mỹ sẽ tranh tài ở Thế vận hội Mùa hè,đã gọi Teahupo’o là “một trong những con sóng đẹp nhất nhưng đáng sợ nhất” mà cô từng kinh qua. Kauli Vaast và Vahine Fierro, hai công dân Tahiti sẽ đại diện cho Pháp tại Olympic vào mùa hè tới, đều là những ứng cử viên đặc biệt tại Tahiti Pro. Vaast sống gần khu vực này và lần đầu tiên lướt Chopes vào năm 8 tuổi. Fierro mô tả với Robb Report về “một con sóng với rất nhiều diễn biến khó lường”. “Lần đầu tiên lướt sóng ở đây khi mới 15 tuổi, nhưng tôi sợ đến mức không dám thử lại trong hai năm sau”. Tuy nhiên, thời gian ở biển đã giúp cô hiểu và khai thác sức mạnh của Teahupo’o. Cô thậm chí còn vượt qua đương kim vô địch Olympic người Hawaii, Carissa Moore.
Trừ việc lướt sóng, Tahiti Iti có thể không nằm trong tầm ngắm của bạn. Đây là nơi hoàn toàn đối lập với vẻ hào nhoáng và quyến rũ của Paris hoặc thậm chí là Bora Bora gần đó, hòn đảo mà phần lớn khách du lịch Mỹ ghé thăm khi đến Polynesia thuộc Pháp. Đây là một mảnh thiên đường nhiệt đới vẫn giữ được nét hoang sơ.
“Tất cả các giác quan của bạn phát triển hết công lực tại đây” - cựu vô địch lướt sóng thế giới C. J. Hobgood chia sẻ khi tôi tình cờ gặp anh tại sự kiện. “Không chỉ là sóng - đó là hòn đảo. Mọi thứ trông có vẻ không tưởng như ở một chiều thức 5D nào đó. Những ngọn núi dường như xếp chồng lên nhau và tỏa ra sắc xanh sống động. Bạn rẽ sang phải và những con sóng xanh hơn cả xanh này đang vỡ ra. Khi đó cầu vồng có thể xuất hiện trên bầu trời. Vẻ đẹp nguyên sơ khiến bạn choáng ngợp khi lần đầu tiên đến nơi đây”.
Ở làng Tea-hupo’o, bạn sẽ tìm thấy những nhà khách do gia đình sở hữu như Vanira Lodge, một tập hợp gồm ba căn nhà gỗ một tầng ẩn mình ở Te Pari (“những vách đá” trong tiếng Tahiti), cũng như A Hi’ o To Mou’a, được vận hành bởi thương hiệu trang phục đi bộ đường dài Heeuri Explorer.
Những người lướt sóng chuyên nghiệp thường được chào đón bởi cùng một gia đình dân bản địa từ năm này qua năm khác. (Trong Thế vận hội, các vận động viên sẽ được bố trí trên một con tàu neo đậu ở vùng cát ngoài khơi để tránh làm hỏng đáy biển.) Hobgood kể với tôi rằng anh đã đến thăm “gia đình người Tahiti đã nhận cưu mang mình” trong gần hai thập kỷ. Trong 5 năm qua, anh đã đến Teahupo’o để giúp huấn luyện viên Moore và hiện ở với gia đình nuôi của cô. “Họ đưa chúng tôi đi những chuyến đi bộ đường dài mà bạn sẽ không bao giờ biết được và cả những câu chuyện phong phú về nơi này,” anh nói. “Và mọi thứ họ chuẩn bị cho chúng tôi trong bữa ăn, từ mứt chanh dây đến tương ớt, đều là tự làm”.
Bố già của Teah-upo’o
Ngoài việc được một gia đình Tahiti chăm sóc, điều may mắn kế tiếp chính là được Raimana van Bastolaer hướng dẫn riêng. Với những du khách mới đến đây lần đầu, Tahiti Iti khó tiếp cận hơn nhiều so với các hòn đảo khác. Bạn sẽ cần một người địa phương chỉ dẫn mình nơi cần đến và van Bastolaer chính là nhân vật ấy.
Sinh ra và lớn lên ở thủ đô Papeete, anh là một trong những người dân địa phương đầu tiên lướt Chopes, và trong nhiều năm, kiến thức sâu rộng về con sóng này đã khiến anh có biệt danh là “Bố già của Teah-upo’o”. Anh đã ở đó cùng Hamilton vào ngày VĐV người Mỹ có cú lướt sóng đi vào lịch sử. Van Bastolaer thậm chí còn làm huấn luyện viên bán thời gian tại Surf Ranch, công viên tạo sóng ở trung tâm California của Slater. Ngoài thân hình chắc nịch, tinh thần thể thao đáng nể và việc không ngừng theo đuổi niềm vui, anh chẳng khác gì Rob Gronkowski của môn lướt sóng. Mọi người đều muốn ở bên anh ấy. Ở tuổi 48 tuổi, van Bastolaer đã trở thành người dẫn đường cho du khách, từ Julia Roberts, Margot Robbie và Jason Momoa đến Mark Zuckerberg và Hoàng tử Harry. Đại sứ không chính thức của Tahiti sống bằng niềm đam mê lướt sóng. Thông qua công ty của mình, Raimana World, anh chỉ đưa một hoặc hai vị khách/lần tham gia các chuyến du lịch lướt sóng riêng trên hai quần đảo trung tâm của Polynesia thuộc Pháp: Quần đảo Society (nơi Tahiti tọa lạc) và Tuamotus; anh dự kiến sẽ sớm thêm Fiji vào danh sách. Một số khách hàng của anh đi bằng du thuyền riêng hoặc thuê du thuyền thông qua Pelorus.
Van Bastolaer mỗi năm chỉ có được một hoặc hai khách hàng đủ kinh nghiệm để được huấn luyện chinh phục Teahupo’o. “Hầu hết chỉ muốn đến gần con sóng để cảm nhận năng lượng và nghe tiếng gầm của nó”, anh cho biết. “Thế là đủ để khiến bạn tăng adrenaline”.
Người dân địa phương cực kỳ bảo vệ các điểm lướt sóng của họ. Riêng van Bastolaer tránh xa các kỳ nghỉ phổ biến. “Vì tôn trọng, tôi không đưa khách hàng ra lướt sóng nếu có nhiều hơn một vài người ở dưới nước. May mắn thay, tôi có được những phương tiện giúp chúng tôi tránh xa đám đông.” van Bastolaer đưa khách lên đảo bằng trực thăng, du thuyền hoặc thuyền phản lực, sau đó đi lướt sóng bằng RIB (thuyền bơm hơi cứng) hoặc Jet Ski tốc độ cao. Hầu hết các ngày anh dành trung bình từ hai đến ba tiếng để lướt sóng, và anh còn tham gia vào các hoạt động khác như lặn với ống thở, xem cá voi (tháng 7 đến tháng 11) và tổ chức tiệc nướng tại nhà mình.