Tại sảnh của Peninsula Hong Kong, một nhóm du khách Mỹ đang bàn luận sôi nổi về kỳ nghỉ trượt tuyết sắp tới.
“Trượt tuyết ở Pháp vẫn rẻ hơn rất nhiều so với ở Whistler...”. “Ông nội của hướng dẫn viên nhóm chúng tôi đã thành lập khách sạn Aman - ông ấy hẳn là người hướng dẫn trượt tuyết giàu nhất ở đó...” “Mọi người đều biết rằng nơi trượt tuyết tốt nhất là ở Aspen chứ không phải là một nơi nào khác...”
Kể từ khi Hồng Kông mở cửa biên giới trở lại vào năm 2022 và bỏ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc vào tháng 2/2023, hàng triệu du khách đã đổ xô đến xứ sở này, từ cả châu Âu, châu Á, châu Đại Dương, lẫn Trung Hoa đại lục. Theo Tổng cục Du lịch Hồng Kông, tháng 7 đã chứng kiến hơn 612.000 du khách đến từ các thị trường bên ngoài đại lục, gần 164.000 người trong số đó đến từ các thị trường “xa bờ” như Mỹ, Anh và Úc.
Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 65,15 triệu khách du lịch đến đây hàng tháng vào năm 2018, trước khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bắt đầu. Dân số Hồng Kông hiện đã giảm trong ba năm liên tiếp và luật an ninh quốc gia của Trung Quốc đã khiến một số doanh nghiệp quốc tế phải di dời đến Singapore. Đối với du khách, điều này đặt ra mối lo ngại thực sự: Liệu điện thoại và máy tính xách tay của tôi có bị theo dõi không? Tôi có thể nhập cảnh vào nước này nếu đăng tweet ủng hộ người biểu tình không? Internet có bị kiểm duyệt không? Điều gì xảy ra nếu tôi nhiễm Covid?
Và mặc dù bạn vẫn có thể đọc The New York Times, nhưng những câu hỏi đó gần như không có câu trả lời rõ ràng. Những người trong ngành du lịch cho rằng một số điểm đến dù có sự nhạy cảm riêng nhưng vẫn được khách du lịch yêu thích. Chẳng hạn, bạn sẽ không được phép công khai xúc phạm nhà vua ở Thái Lan, không được báng bổ tôn giáo ở phần lớn các quốc gia Trung Đông, hoặc không được nhai kẹo cao su ở Singapore.
Bảo chứng tốt nhất và nổi bật nhất về một Hồng Kông đang hồi sinh thuộc về Regent. Sau đợt nâng cấp toàn diện của kiến trúc sư Chi Wing Lo, khách sạn 497 phòng, trong đó có 129 phòng suite, giờ đây đã lột xác ngoạn mục
Giờ đây, ở Hồng Kông, bạn đừng nên bàn tán về các vấn đề chính trị. Các chuyên gia khách sạn khác trong khu vực nói với Robb Report rằng họ tin tưởng vào tương lai của Hồng Kông và thách thức thực sự của thành phố này ít liên quan đến chính trị mà liên quan nhiều hơn đến những vấn đề hậu cần, cụ thể là tình trạng thiếu chuyến bay nghiêm trọng.
“Trong sáu tháng qua, tôi đã học được rất nhiều điều về ngành hàng không” - Carson Glover, Phó chủ tịch tiếp thị và truyền thông thương hiệu của Khách sạn Peninsula, chia sẻ. “Các chuyến bay vẫn còn rất hạn chế. Vé vẫn đắt. Thực tế của vấn đề là chúng tôi vẫn bị thách thức bởi khả năng thể chất của một người để đến được Hồng Kông. Việc họ có muốn đến hay không lại là một cuộc thảo luận khác.”
Tuy nhiên, Peninsula - được biết đến với đội xe 14 chiếc Rolls- Royce Phantom - không hề nao núng. Khách sạn đang thúc đẩy việc tăng cường đặt chỗ bằng những trải nghiệm mới mẻ - đáng chú ý nhất là chương trình tham quan bến cảng với tiệc trà chiều trên chuyến phà Ngôi sao (Star Ferry) 125 tuổi và các sự kiện mua sắm được cá nhân hóa trong khu trò chơi điện tử của khách sạn. Tuy nhiên, những thứ này nhắm đến người Trung Quốc nhiều hơn là khách du lịch phương Tây.
Các thương hiệu khác cũng đang đặt cược vào sự phục hồi trở lại. Một số thương hiệu, chẳng hạn như JW Marriott, đã đầu tư vào lĩnh vực ẩm thực cao cấp và giành được các ngôi sao Michelin, trong khi những nơi khác, chẳng hạn như Landmark Mandarin Oriental, đang đề xuất các ưu đãi phòng lưu trú cao cấp. Langham đã giới thiệu căn hộ Innotier Suite - một phòng ngủ mới được trang bị công nghệ, chẳng hạn như túi đựng quần áo khử trùng UVC và khẩu trang có thể tái sử dụng. Năm ngoái, Fullerton thậm chí còn gây được tiếng vang lớn hơn khi ra mắt tại đây, một khu nghỉ dưỡng rộng lớn gồm 425 phòng ở Ocean Park với danh sách các tiện nghi ấn tượng, bao gồm cả một trang trại đang hoạt động.
Tuy nhiên, bảo chứng tốt nhất và nổi bật nhất về một Hồng Kông đang hồi sinh thuộc về Regent. Bị trì hoãn từ lâu, Regent Hong Kong mới đánh dấu sự trở lại của IHG, thương hiệu đã cải tạo lại InterContinental phía trước bến cảng, ở Tây Kowloon - một tòa nhà từng mang thương hiệu Regent vào đầu thập niên 1980.
Sau đợt nâng cấp toàn diện của kiến trúc sư Chi Wing Lo, khách sạn 497 phòng, trong đó có 129 phòng suite, giờ đây đã lột xác ngoạn mục, bao gồm đồ nội thất điêu khắc tùy biến và quầy tiếp tân có thiết kế ấn tượng từ mã não.
Dịch vụ tại đây đặc biệt chu đáo. Nhà hàng bít tết náo nhiệt và nhà hàng Quảng Đông hai sao Michelin đang thu hút rất đông du khách. Và hồ bơi trên sân thượng cho phép bạn nhìn xuống cửa hiệu Cartier ngay gần lối đi dạo của Đại lộ Ngôi sao, được thiết kế lại vài năm trước bởi kiến trúc sư James Corner từ HighLine.
Michel Chertouh, Giám đốc điều hành của Regent, cho biết thêm rằng khoản đầu tư của chính phủ vào khu vực bến cảng xung quanh khách sạn – nơi có cả Bảo tàng Nghệ thuật cùng Bảo tàng Vũ trụ Hồng Kông và được bao quanh bởi một chuỗi các khu mua sắm sang trọng – có tác dụng rất lớn, đặc biệt là với thị trường đại lục. Ông hy vọng công suất phòng sẽ đạt mức 75% vào năm 2024.
Vậy khi nào phần còn lại của thế giới sẽ quay trở lại? “Đó là điều chúng tôi không thể kiểm soát được. “Sẽ mất thời gian để Hồng Kông lấy lại vị thế là trung tâm, nhưng có rất nhiều điều đang diễn ra mà có thể không rõ ràng nếu nhìn từ xa. Có rất nhiều thứ hấp dẫn.” – Chertouh chia sẻ.
Minh hoạ: Lars Leetaru