Trong những năm qua, thiết kế vỏ bọc của những dòng sản phẩm dưỡng da và trang điểm ngày càng nhận được sự quan tâm, mặc dù đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có giải thưởng nào vinh danh mảng công nghiệp này cả.

 

Một trong những ví dụ điển hình về thiết kế vỏ bọc tinh tế chính là dòng sản phẩm Haguro của thương hiệu Abé & Mason. Nhỏ nhắn mà trĩu nặng trong lòng bàn tay, mỗi sản phẩm Haguro ánh sắc xanh như một viên ngọc được tạc những dòng chữ vàng – biện minh cho giá tiền 210 USD. Đi kèm trong bộ sản phẩm là biểu tượng của sự xa hoa đúng nghĩa: một chiếc thìa nhỏ vàng kim, đáng yêu, và hoàn toàn vô dụng.

Bộ sản phẩm ba bước của Abé & Mason bao gồm chiếc thìa vàng kim để lấy kem giữ ẩm từ hũ.

Chiếc thìa vàng trong bộ sản phẩm Haguro được làm từ kẽm oxit (ZnO) với khúc cong nhẹ để phục vụ cho việc lấy và thoa kem dưỡng. Quá trình thiết kế và tuyển chọn những chiếc thìa kem như vậy có thể kéo dài vài năm với hàng trăm mẫu thử nghiệm. Sau cùng đây là thiết kế đã được lựa chọn để đi kèm với dòng sản phẩm Haguro. Tuy nhiên, sự thật là chiếc thìa này – cùng những chiếc thìa nhỏ tương tự – không mấy khi được chủ nhân sử dụng. Sau phút huy hoàng yên vị trên hũ kem dưỡng, chúng sẽ kết thúc sự nghiệp của mình trong thùng rác hoặc lọ thuỷ tinh rỗng.

 

Người thiết kế dòng sản phẩm, ông Richard Manville đã hoà hợp những màu sắc tự nhiên của phong cảnh phía nam bang California và miền bắc Nhật Bản để tạo ra màu xanh ngọc huyền ảo tựa bầu trời trong những bức tranh truyền thống của xứ Phù Tang. “Đây quả là một quá trình dày công, tôi đã phải trăn trở về từng chi tiết nhỏ nhất,” ông Manville kể lại. “Tuy nhiên, quyết định chọn chiếc thìa vàng được đưa ra khá nhanh và đơn giản.”

Những mẫu thìa nhỏ đi kèm với hũ kem dưỡng da từ các thương hiệu cao cấp như La Mer, Augustinus Bader và Orveda.
Lịch sử của những chiếc thìa tí hon khá phong phú. Trong thập kỷ 1990, Estée Lauder là thương hiệu tiên phong trong việc sử dụng hình ảnh những chiếc thìa lấy kem trong chiến dịch quảng cáo.


Theo thông tin của bà Linda Wells – chuyên gia chăm sóc da, tổng biên tập và nhà sáng lập của tạp chí Allure, hiện là columnist của tạp chí Air Mail Look – từ trước đến nay, sản phẩm của các thương hiệu dưỡng da cao cấp thường xuyên đi kèm theo một chiếc thìa. “Chúng chẳng có công dụng gì mà lại còn khá phiền phức,” bà chia sẻ cảm nhận.


Ở một luồng ý kiến khác, ông Richard Bradley – nhà thiết kế sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất Stephen Gould (chuyên cung cấp mẫu mã cho các thương hiệu nổi tiếng như Fenty và Burt’s Bees) – cho rằng những chiếc thìa này phục vụ mục đích an toàn vệ sinh, ngoài ra, còn mang lại trải nghiệm xa hoa. “Khi nhìn vào một hũ kem với chiếc thìa nhỏ đặt bên cạnh, người ta cảm thấy sự tỉ mỉ trong khâu thiết kế và sản xuất,” ông chia sẻ. “Nhưng liệu khách hàng có sử dụng chúng hay không? Tôi không chắc.”

Thương hiệu La Prairie còn thiết kế đế cắm cho chiếc thìa nhỏ đi kèm sản phẩm Supreme Balm Cleanser.

Ông Rob Robinson – chuyên gia hoá học mỹ phẩm và nhà sáng lập thương hiệu BeautyStat – cho biết mục đích chính của những chiếc thìa này là giảm thiểu tối đa tiếp xúc bên ngoài, tránh việc đưa vi khuẩn trên đầu ngón tay vào sản phẩm, từ đó dẫn đến vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, giờ đây, các thương hiệu mỹ phẩm và chăm sóc da cao cấp đều sử dụng những hoá chất bảo quản an toàn, nên việc dùng thìa để lấy kem ra không còn thiết yếu nữa.

 

Trên thực tế, các bác sĩ và chuyên gia da liễu chưa bao giờ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thìa để lấy kem dưỡng. Trước đến nay, đa số mọi người vẫn lấy và thoa kem bằng tay mà không gặp phải bất cứ vấn đề nào về an toàn vệ sinh và sức khoẻ. Trong những forum về chăm sóc da, nhiều người đưa ra giả thiết rằng rủi ro chính đến từ những hũ kem không kín khí, dẫn đến sản phẩm bị tiếp xúc với những yếu tố mầm bệnh mỗi khi mở nắp. Một số người khác cho rằng điều quan trọng nhất là người dùng cần phải rửa tay trước khi bắt đầu liệu trình dưỡng da và ngưng sử dụng ngay khi sản phẩm có biến đổi bất thường.


“Các thương hiệu không việc gì phải thiết kế ra vô số những chiếc thìa lấy kem cả,” một người dùng chia sẻ thêm.


Dù vô hay hữu dụng đi chăng nữa, có vẻ như loài người đã thiết kế và sản xuất thìa dưỡng da từ hàng ngàn năm về trước. Một trong những hiện vật thú vị nhất được trưng bày tại bảo tàng Metropolitian Museum of Art là hình nộm một nữ thần đang bơi lội với hai cánh tay đưa ra nâng một chiếc hũ nhỏ có nắp đậy. Một số chuyên gia tại bảo tàng cho rằng chiếc hũ đã từng được dùng để chứa mỹ phẩm hoặc kem dưỡng da, và hình nộm nữ thần đi kèm hẳn là một chiếc thìa.

Các chuyên gia cho rằng món cổ vật này đã được sản xuất từ khoảng 3400 năm về trước.

Tuy nhiên, qua cuộc trao đổi chi tiết, chuyên gia giám tuyển Diana Craig Patch – người chịu trách nhiệm khu trưng bày Mỹ thuật Ai Cập tại Bảo tàng Met – cho rằng đây có thể là một trường hợp đặt tên chủ quan hoặc sai thuật ngữ. “Theo tôi, hiện vật này đơn thuần là một chiếc hũ.” Bà Patch cho biết thêm rằng hầu hết những món cổ vật được Bảo tàng Met phân loại là “thìa mỹ phẩm/dưỡng da” đều thuộc tầng lớp quý tộc đương thời, được khai quật tại các di tích đền thờ, và khả năng cao đã từng được sử dụng cho mục đích tín ngưỡng, thậm chí là trong tang lễ.

 

Mặc dù vậy, có nhiều minh chứng cho thấy người Ai Cập cổ đại từng sử dụng nhiều loại dụng cụ trang điểm bằng gỗ hoặc xương. “Con người đã trang điểm mắt từ khoảng năm 3500 trước Công Nguyên,” bà Patch lý giải giả thuyết này bằng việc các nhà khảo cổ học đã khai quật nhiều bức tượng với mí mắt được tô xanh ngọc. Hơn thế nữa, người ta đã tìm thấy nhiều hũ đựng mỹ phẩm và dụng cụ trang điểm thuộc sở hữu của mọi tầng lớp trong xã hội Ai Cập cổ đại, từ thường dân tới Pharaoh. Một trong số những hiện vật đó là que tán mắt hai đầu, từng được dùng lấy màu để kẻ hoặc tô lên mí mắt. Ngoài ra họ cũng thường xuyên chăm sóc da và giữ ẩm bằng hỗn hợp mỡ động vật trộn tinh dầu thơm. “Nhưng ngay cả từ thời đó, người ta cũng lấy và thoa kem dưỡng bằng tay, không cần tới chiếc thìa nào cả,” bà Patch cười.