“Mọi hạnh phúc trên đời đều bắt đầu từ bữa sáng nhàn nhã” - John Gunther, nhà ngoại giao xuất sắc của Hoa Kỳ, đã từng nói như vậy. Đúng thế, ẩm thực từ lâu luôn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Hơn cả một bữa ăn đơn thuần, ẩm thực mang đến niềm vui, khoái cảm, xa hơn nữa là tạo ra cầu nối trao đổi văn hóa.
Từ các tuyến giao thương buôn bán gia vị của thế giới cổ đại cho đến sự phát triển toàn cầu của các nền ẩm thực đa dạng ở các đô thị hiện đại, ẩm thực dường như luôn có sức mạnh lạ thường để kể những câu chuyện thú vị về lịch sử, con người và văn hóa của một khu vực hay vùng đất. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi du lịch ẩm thực đã nổi lên như một xu hướng phổ biến của ngành du lịch trên phạm vi toàn cầu.

Vị thế của ẩm thực trong nền kinh tế trải nghiệm
Trong vài năm trở lại đây, du lịch ẩm thực đang trở thành một xu hướng phổ biến. Báo cáo của Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới chỉ ra rằng 93% du khách hiện có thể được xem là “du khách ẩm thực”, theo đó, trải nghiệm ẩm thực đóng một vai trò quan trọng trong trải nghiệm du lịch tổng thể của họ. Một nghiên cứu gần đây của Marriott International đã cho thấy rằng 88% số người được hỏi thừa nhận lên kế hoạch cho kỳ nghỉ xoay quanh ẩm thực, nhấn mạnh ẩm thực là động lực chính cho du lịch sang trọng. Còn theo báo cáo Culinary Tourism Market Analysis Report 2024, quy mô thị trường du lịch ẩm thực toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 3.515,1 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,2% trong giai đoạn 2024-2032.
Quy mô thị trường du lịch ẩm thực toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức 3.515,1 tỷ USD vào năm 2032.
Hiển nhiên, hơn bất kỳ thực thể nào trong nền kinh tế trải nghiệm, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và nhà hàng trên khắp thế giới nhanh chóng nhận ra tiềm năng và cơ hội của mình, đặc biệt là các ông lớn trong phân khúc khách sạn và nghỉ dưỡng cao cấp.
Khi các ông lớn ngành khách sạn cao cấp chú trọng vào mảng F&B
Không giống như bộ phận phòng nghỉ, lâu nay F&B thường bị coi là dịch vụ hỗ trợ tiện ích chứ không phải là nguồn tạo doanh thu cốt lõi cho các khách sạn. Và dù muốn hay không, vẫn luôn tồn tại một mặc định rằng dịch vụ F&B của các nhà hàng trong khách sạn thường kém cạnh tranh hơn xét về khía cạnh giá cả thực đơn và trải nghiệm ăn uống so với các cơ sở ăn uống độc lập vốn rất nhạy bén với thị trường, thời cuộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh lên ngôi của du lịch ẩm thực, quan niệm này đang dần thay đổi.
Tại Việt Nam, theo quan sát của Robb Report Việt Nam, Marriott được xem là một trong những ông lớn đang góp phần làm thay đổi quan niệm đó. Các khách sạn của thương hiệu này như Sheraton Hanoi Hotel, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa và Sheraton Nha Trang Hotel & Spa đều tổ chức các chương trình du lịch ẩm thực đặc biệt, giới thiệu các món ăn truyền thống Việt Nam và đặc sản địa phương, các khóa học nấu ăn và tour du lịch ẩm thực Việt nhằm tôn vinh các đặc sản địa phương và nguyên vật liệu đặc trưng của bản địa.
Với việc coi các nhà hàng tại khách sạn như những cơ sở độc lập để thu hút không chỉ khách lưu trú, mà cả thực khách bản địa, Marriott đã tạo ra những trải nghiệm ẩm thực độc đáo, chất lượng cao mang phong cách riêng biệt nhằm biến các không gian nhà hàng và quán bar của mình trở thành điểm đến ẩm thực độc lập, tách biệt khỏi thương hiệu khách sạn.
Một trong những ví dụ điển hình là Oriental Pearl - nhà hàng buffet hải sản thuộc hệ thống Autograph Collection tại Vinpearl Landmark 81. Đây là điểm đến quen thuộc của cộng đồng địa phương bởi những món ăn đặc trưng riêng và cao cấp của mình như Đêm tiệc buffet trứng cá Caviar, “Phở chọc trời”. Với chương trình hợp tác cùng nhiều đầu bếp tài năng từ các khách sạn Marriott International khác, Saigon Café tại Sheraton Saigon Grand Opera Hotel mang đến nhiều trải nghiệm thú vị. Ngoài ra, nhà hàng Kumihimo tại JW Marriott Hotel Hanoi cũng đã trở thành một trong những nhà hàng Nhật Bản nổi tiếng nhất thủ đô, thu hút không chỉ khách hàng lưu trú tại khách sạn mà còn rất có sức hút với khách hàng địa phương và du khách quốc tế.
Một loạt nhà hàng phong cách Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ấn Độ... sẽ được Accor triển khai ra mắt trong thời gian tới.
“Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành điểm đến trải nghiệm ẩm thực yêu thích, nơi mà thực khách bản địa sẽ gặp gỡ, thưởng thức ẩm thực và chia sẻ cùng nhau. Chúng tôi đang thấy sự tăng trưởng từ 5-10% hàng tháng trong số lượng thực khách địa phương ghé thăm các nhà hàng của Marriott tại Việt Nam – một kết quả tích cực minh chứng cho hiệu quả hoạt động khuyến mãi và truyền thông nhắm đến thực khách địa phương trong thời gian qua. Tính đến tháng 5 năm 2024, số lượng Hội viên Marriott Bonvoy đã tích điểm từ chi tiêu ẩm thực cũng tăng đáng kể so với kết quả cả năm 2023. Số liệu này là mảnh ghép chứng minh thêm về xu hướng nêu trên.” - Petr Raba - Phó Chủ tịch phụ trách Ẩm thực, Khu vực châu Á Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc) của Marriott International – chia sẻ cùng Robb Report Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chương trình ưu đãi và hoạt động ẩm thực độc quyền định kỳ dành cho Hội viên Marriott Bonvoy là những ý tưởng thú vị của thương hiệu. Ví dụ, chương trình “Eat Out” mang đến ưu đãi độc quyền cho du khách bằng trải nghiệm ẩm thực tại khắp các nhà hàng & quán bar với mức giá hấp dẫn, và Hội viên cũng có thể tích điểm, đổi điểm thưởng cho những chi tiêu của mình. “Các giải thưởng ẩm thực dành cho AKUNA tại Le Méridien Sài Gòn với ngôi sao Michelin danh giá hay việc French Grill tại JW Marriott Hà Nội và Hemisphere Steak & Seafood Grill tại Sheraton Hà Nội lọt vào danh sách Michelin Selected Guide 2024 là những thành tựu phản ánh sự cống hiến của chúng tôi trong việc mang lại trải nghiệm ẩm thực vượt trội cho khách hàng.” - ông Petr Raba bổ sung.
Một tên tuổi khác của ngành khách sạn – Tập đoàn Accor – cũng đang góp phần làm thay đổi diện mạo lĩnh vực F&B. Việc bổ nhiệm cựu giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của KSL Capital Partners, Tony Chisholm, vào vị trí phó chủ tịch phụ trách mảng F&B của hai thị trường châu Á và khu vực Trung Đông, châu Phi & Thổ Nhĩ Kỳ (MEAT) đang cho thấy chiến lược đầu tư bài bản vào mảng kinh doanh này.
Theo đó, các nhà hàng Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ấn Độ... sẽ được thương hiệu triển khai trong vài năm tới, với sự dịch chuyển rõ nét từ các nhà hàng dành cho bữa sáng sang những nhà hàng độc lập để thu hút không chỉ khách lưu trú tại khách sạn, mà còn cả thực khách địa phương. Kể từ khi đảm nhận vai trò này vào tháng 7 năm 2023, Chisholm đã phát triển 10 concept mới. Một trong số đó là Gemma’s Kitchen & Bar, nhà hàng đầu tiên dự kiến khai trương tại Novotel Nairobi vào quý 4 năm 2024.

Được biết, Chisholm chính là người lên ý tưởng cho Mad Cow Wine & Grill tại Pullman Sài Gòn vào năm 2017 khi còn là giám đốc quốc gia của thương hiệu này tại Việt Nam. Hiện nay, Accor có năm nhà hàng Mad Cow ở châu Á, và Chisholm đặt mục tiêu tạo ra 30 nhà hàng concept mới vào cuối năm nay. Trước đó, vào năm 2021, Accor cũng đã hợp tác cùng Tập đoàn Bulldozer để ra mắt nền tảng cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà cho người dùng cũng như phục vụ ăn uống tại phòng cho khách lưu trú. Nền tảng này có tên gọi Kitch-In, sử dụng mạng lưới khách sạn cũng như kiến thức chuyên môn của Accor để chuẩn bị đồ ăn trong các căn bếp ảo và công cụ giao hàng để cung cấp cho khách hàng đồ ăn từ nhiều nhà hàng lâu đời cũng như các thương hiệu mới.