Tùy biến xe động cơ đốt trong
Xe điện được ví như những “con tàu viễn tưởng” đang lăm le xâm chiếm trái đất. Tuy nhiên, tương lai xe điện thế nào thì chẳng ai dám chắc. Thực tế, xe động cơ đốt trong vẫn chưa dừng sứ mệnh chinh phạt của mình. Sức mạnh và vẻ đẹp của những cỗ máy trang bị động cơ V8 hay V12 vẫn là điều không cần bàn cãi. Chất âm của động cơ đốt trong vẫn là thứ gì đó thật sự khác biệt.
Trên nền tảng của khối động cơ truyền thống, các chuyên gia tùy biến tạo ra vô số kiệt tác với sức hút thật khó lý giải. Nói đâu xa, ngay từ giữa năm nay, Aston Martin giới thiệu chiếc Valour với số lượng chỉ 110 xe nhân kỷ niệm 110 năm thành lập thương hiệu. Chỉ trong tích tắc, toàn bộ số xe nói trên đã tìm thấy chủ nhân với mức giá khởi điểm không dưới 1 triệu đô mỗi chiếc. Cũng dễ hiểu thôi, đây là dòng xe chỉ xuất hiện một lần duy nhất theo kiểu xe sưu tầm. Thiết kế thân xe bằng sợi carbon của Valour được lấy cảm hứng từ các mẫu xe nổi tiếng của Aston Martin vào những năm 70 và 80 như V8 Vantage nguyên bản 1977, hay thậm chí là kiểu dáng vạm vỡ trên chiếc Vantage V600 tăng áp kép của những năm 90.

Tại Việt Nam, Porsche cũng vừa bàn giao 1 trong 2.500 chiếc 911 Dakar cho một doanh nhân mê dịch chuyển. Vài chiếc tiếp theo cũng đang trên đường về với mảnh đất hình chữ S. Điều gì đã khiến những vị khách chịu chơi bỏ ra gần 20 tỉ đồng để mua một chiếc 911 với vẻ ngoài hầm hố lạ thường? Ngoài thiết kế khác biệt, đó còn là khả năng Offroad vốn không phải thế mạnh của các siêu xe gầm thấp. Các chuyên gia tùy biến của Porsche đã khéo léo tạo nên một chiếc “xe độ chính hãng” với giá nóc hầm hố, khung chống lật cứng cáp, ghế ngồi gân guốc cùng khả năng nâng gầm tới 30mm. Thật ra, không ít hãng độ bên ngoài đã từng “hô biến” những chiếc 911 để tạo nên một thiết kế với vẻ đẹp hút hồn. Tuy nhiên, năng lực và sức bền của những chiếc xe độ kiểu này là điều chẳng ai dám chắc.
Nói về tùy biến xe hơi, Bentley và Rolls-Royce xứng đáng ngự trị ở hai vị trí đầu tiên. Ngoài chiếc Batur với sức hút chưa hề thuyên giảm sau vài năm ra mắt, Bentley còn bổ sung không ít mẫu xe tùy biến cao độ với dấu ấn của bộ phận Mulliner. Mới vài tháng trước, Bentley Việt Nam đã ra mắt chiếc Bentayga EWB Azure “nhằm hướng đến khả năng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho hành khách và người lái, bên cạnh các giá trị hưởng thụ xa hoa vốn có.” Chiếc xe hơi lúc này không chỉ mang trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” mà thiên về yếu tố “nhân sinh”. Tùy biến không giới hạn nó là chỗ đó.

Nói về giới hạn hay trí tưởng tượng trong chuyện tùy biến, thương hiệu Rolls-Royce nên được liên tưởng đầu tiên. Mọi ước muốn hay ý nghĩ của khách hàng đều được hiện thực hóa một cách sinh động. Mới đây nhất, thương hiệu Anh quốc tiếp tục phô diễn nghệ thuật coachbuild (chế tác thân xe) với hai chiếc Droptail độc bản sau các kiệt tác mang tên Sweptail và Boat Tail ra mắt vài năm trước. Đầu tiên là chiếc La Rose Noire lấy cảm hứng từ loài hoa hồng Black Baccara có xuất xứ từ nước Pháp. Để tạo nên mẫu xe tùy biến phức tạp bậc nhất trong lịch sử thương hiệu, các nghệ nhân phải mất gần 2 năm để ghép 1603 phiến gỗ cho phần nội thất. Trong khi đó, phần sơn ngoại thất đòi hỏi tới 150 bước hoàn thiện khác nhau. Chưa dừng lại ở đó, Rolls-Royce còn chế tác một bộ ly sâm-panh độc đáo dành riêng cho vị khách quý tộc.
Sau La Rose Noire, Rolls-Royce tiếp tục giới thiệu kiệt tác mang tên Amethyst Droptail - chiếc mui trần lấy cảm hứng từ đá Thạch anh tím - loại đá quý gắn liền với tháng sinh của con trai vị chủ nhân đặt hàng chiếc xe. Amethyst Droptail được chế tác một cách kỳ công theo phong cách tối giản. Đây cũng là chiếc Rolls-Royce có phần ốp gỗ lớn nhất trong lịch sử. Đặc biệt, các nghệ nhân đã dày công khảm đá quý Thạch anh lên nhiều khu vực nội - ngoại thất của chiếc Rolls-Royce nhằm tạo nên một diện mạo vô cùng hào nhoáng. Chiếc xe được bàn giao cho chủ nhân trong một sự kiện trang trọng đầy tính riêng tư. Thế mới hay, với những kiệt tác siêu sang theo kiểu truyền thống, người ta không chỉ tùy biến chiếc xe mà tùy biến cả những dịch vụ thượng lưu đậm chất hưởng thụ.
Độ xe trong thời điện hóa
Công việc độ xe điện có sự khác biệt rất lớn so với phương thức độ xe truyền thống. Lúc này, thay vì tập trung vào yếu tố cơ khí, các chuyên gia độ xe chuyển sang yếu tố phần mềm. Về cơ bản, xe điện giống như những chiếc máy tính gắn lên bốn bánh xe, việc của thợ độ lúc này là cố gắng hiểu được ngôn ngữ lập trình của chiếc xe. Công suất động cơ và mô-men xoắn là những thước đo tối thượng trong nghề độ xe truyền thống. Thợ độ tìm cách nâng cấp động cơ hay bổ sung các hệ thống nạp khí cưỡng bức như tăng áp hay lai hợp.

Với xe điện cũng vậy. Tuy nhiên, việc nâng cấp động cơ lúc này đồng nghĩa với việc nâng cấp sức mạnh của phần mềm. Công suất của mô-tơ điện, việc quản lý pin, tái tạo năng lượng hay thậm chí kiểm soát lực kéo đều được vận hành với các thuật toán tích hợp bởi nhà sản xuất. Phương thức tiếp cận thông qua phần mềm cho phép chuyên gia can thiệp vào việc phân phối sức mạnh, thay đổi mô-men xoắn và quản lý năng lượng. Lúc này, chiếc xe sẽ được tinh chỉnh để có được khả năng tăng tốc kinh ngạc hay tăng cường khả năng phanh tái tạo khi vận hành trên đường đua. Với xe điện độ, tốc độ không phải là thứ duy nhất. Cái người ta quan tâm không hẳn là chất âm V12 đầy mê hoặc mà là yếu tố bền vững liên quan đến chuyện môi trường. Dĩ nhiên, cũng nhờ phần mềm, các kỹ sư có thể tạo nên tiếng bô giả lập sôi động không kém các dòng xe máy xăng đang trên đà tuyệt chủng.