Thế hệ Millennials và Gen Z thường bị gắn với nhiều tiếng xấu: nghiện mạng xã hội, lười biếng, đòi hỏi cao, thiếu ý thức học hỏi, và không biết cách cư xử trong môi trường làm việc. Tuy có nhiều định kiến thế hệ dựa trên những mặc định cố hữu, nhưng có một điều dường như luôn đúng: Millennials và Gen Z thích các giá trị trải nghiệm hơn hơn là giá trị vật chất.


Thế hệ ưa chuộng các giá trị trải nghiệm

Khảo sát gần đây của Knight Frank với 1.788 người trong độ tuổi 18-35 có thu nhập từ 125.000 đô la/năm trở lên cho thấy, gần một nửa số người được hỏi sẽ dùng tiền cho các trải nghiệm thay vì các món đồ vật chất. Trong số đó, 22% chọn các chuyến du ngoạn quốc tế và 20% chọn các trải nghiệm liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần (health & wellness). Đặc biệt, người giàu trẻ tuổi (thu nhập trên 1 triệu đô la/năm) ưu tiên giá trị sức khỏe và thể chất (24%), tiếp theo là các chuyến du lịch quốc tế (19%). Xu hướng này phù hợp với việc người giàu ở mọi lứa tuổi  ngày càng coi trọng sức khoẻ và tuổi thọ. Thế nên, ngành công nghiệp xa xỉ đang tìm cách điều chỉnh

những thay đổi về khẩu vị này bằng biến việc mua một chiếc đồng hồ Rolex hoặc siêu xe Lamborghini vào hành trình trải nghiệm mua sắm cao cấp. Gucci đã mở một chuỗi nhà hàng, Chanel hiện đang tổ chức chuổi sự kiện “Art of Living”, còn LVMH đang mở rộng lĩnh vực đầu tư kinh doanh của mình bằng các dự án trải nghiệm du ngoạn.

Tiền điện tử - khẩu vị đầu tư của người trẻ thành đạt

Mặc dù ưu tiên các giá trị trải nghiệm, nhưng người trẻ giàu có cũng quan tâm tới mục tiêu đầu tư, trong đó, tiền điện tử là một trong những ưu tiền hàng đầu. Theo Báo cáo Triển vọng Nhà đầu tư Bán lẻ Toàn cầu năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tiền điện tử đang trở thành lựa chọn đầu tư chính của thế hệ Millennials và Gen Z. Một phần lớn các nhà đầu tư trẻ phân bổ hơn một nửa danh mục đầu tư của họ vào tiền tệ kỹ thuật số. Xu hướng này không phải là hiện tượng nhất thời mà phản ánh sự thay đổi rộng rãi hơn trong cách các thế hệ mới tiếp cận rủi ro tài chính, niềm tin và kế hoạch đầu tư.

Dựa trên khảo sát 13.000 cá nhân ở 13 quốc gia, báo cáo cho thấy rằng, 62% Millennials có ít nhất một phần ba danh mục đầu tư là tiền điện tử, trong khi 35% Gen Z đầu tư hơn 50% vào tài sản kỹ thuật số.

Theo báo cáo, động lực thúc đẩy những nhà đầu tư này đặt cược nhiều vào tiền điện tử đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, từ khả năng tiếp cận công nghệ đến niềm tin vào các giá trị liên quan đến blockchain, cho đến ảnh hưởng của mạng xã hội và các nền tảng giáo dục kỹ thuật số.

Vì sao họ chọn tiền điện tử?

Báo cáo này cho thấy rằng, Millennials và Gen Z ưa chuộng tiền điện tử hơn các công cụ đầu tư truyền thống như quỹ tương hỗ, trái phiếu hay ETF. Khác với thể hệ cha anh, họ ít dựa vào cố vấn tài chính truyền thống, mà tìm hiểu thông qua các nền tảng tiền điện tử, nội dung từ người ảnh hưởng và cộng đồng trực tuyến.

70% Millennials và 66% Gen Z chọn tổ chức tài chính dựa trên giá trị đạo đức cá nhân, trong khi đó, tiền điện tử với tính phi tập trung, minh bạch rất phù hợp với tiêu chí này. Họ không chỉ quan tâm đến tiền điện tử, mà còn các tài sản thay thế và hoạt động tài chính mang tính xã hội.

Tỷ lệ chấp nhận tiền điện tử cao hơn ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, nơi quyền truy cập vào thị trường tài chính toàn cầu dễ dành hơn trong bối cảnh hạ tầng ngân hàng kém phát triển.

Có một điều thú vị là có 41% các nhà đầu tư trẻ này sẵn sàng để AI quản lý tài chính và sử dụng các ứng dụng ngân sách, cố vấn robot, nền tảng fintech tích hợp tiền điện tử.