Hình thức cung cấp dịch vụ quản lý tài sản gia đình (family office) đã trải qua một bề dày lịch sử hàng nghìn năm nay, bắt đầu từ năm 1600 trước công nguyên tại Nhật Bản và Trung Hoa. Vào những năm 1800 và 1900, các hoạt động này phát triển thành lĩnh vực cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho các gia đình giàu có. Để đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng của các khách hàng cá nhân giàu có trên thế giới, nghề quản lý tài sản gia đình đã được nâng cấp lên một tầm cao mới và phát triển rộng rãi trên toàn cầu thành một ngành công nghiệp thực thụ với việc quản lý hàng tỷ đô-la. Nhiều công ty quản lý tài sản gia đình được biết đến trên thế giới như Fleming Family & Partners và Oracle đang hoạt động rất tốt trong lĩnh vực này.
Nói ngắn gọn, đây là dạng công ty tư nhân chịu trách nhiệm quản lý các danh mục đầu tư cho một hoặc nhiều gia đình giàu có. Nguồn vốn của công ty chính là tài sản của chính gia đình đó thường được tích lũy qua nhiều thế hệ. Các công ty quản lý vốn gia đình này cung cấp các dịch vụ cá nhân, từ việc quản lý nhân viên làm việc cho gia đình và tổ chức các chương trình du ngoạn cho thành viên gia đình cho đến quản lý tài sản, kế toán và hoạt động chi trả lương hay quản lý các vấn đề liên quan đến bảo hiểm, thừa kế, điều phối các dự án từ thiện…. Một công ty quản lý tài sản gia đình cụ thể vận hành với mức 1 triệu đô-la Mỹ, do đó, tài sản ròng của gia đình mà nó quản lý ít nhất phải trên mức 100 triệu đô-la Mỹ. Gần đây, nhiều công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản gia đình còn tiếp nhận các thành viên “ngoại đạo” – nghĩa là những người không phải là thành viên của gia tộc.
Giờ đây, dịch vụ được cung cấp không chỉ bởi một cá nhân, mà cả một tổ chức đa chức năng, giúp chủ nhân giải quyết các vấn đề hiện hữu, từ quản lý tài chính, kế toán, bảo trì du thuyền, trang trại, bất động sản cho đến thừa kế, từ thiện và các vấn đề liên quan khác cần sự tư vấn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Các chuyên gia thực thi công việc này chủ yếu là các luật sư, các nhà quản lý đầu tư, các chuyên gia quản lý bất động sản hoặc tư vấn thuế. Nghề quản lý tài sản của các gia tộc có nét tương đồng với lĩnh vực quản lý tài sản cá nhân (wealth management). Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, sự khác biệt chủ yếu giữa hai lĩnh vực này nằm ở chỗ, quản lý tài sản cá nhân là nơi kiếm tiền, còn quản lý tài sản gia đình lại là nơi chi tiền. Quản lý tài sản cá nhân là trung tâm thu lợi nhuận, nơi tiền bạc của bạn được sinh sôi nảy nở, còn quản lý tài sản gia đình là trung tâm chi phí với mục đích chính là bảo toàn nguồn vốn cho chủ nhân. Khách hàng chi trả phí dịchvụ cho các chuyên gia thực hiện việc tư vấn cho gia đình mình.
Khách hàng của các công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản gia đình là những tỷ phú, triệu phú, và các nhà quản lý doanh nghiệp cao cấp. Có hai loại công ty hoạt động trong lĩnh vực này: công ty phục vụ gia đình giàu có với tài sản ít nhất 100 triệu đô-la Mỹ (single family office); và công ty phục vụ từ 2 đến 500 cá nhân và gia đình giàu có (multi family office).
Con số các công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản gia đình giàu có nhất ở châu Âu đang không ngừng tăng lên, một phần bởi số lượng các khách hàng giàu có đang ngày càng trở nên thất vọng với chất lượng dịch vụ của một số công ty quản lý tài sản tư và ngân hàng cá nhân (wealth management & private banking). Nhiều gia tộc giàu có tại châu Âu đã lập ra các công ty quản lý tài sản của mình, chẳng hạn như Sainsburys, the Pears và the Guinnesses.
Theo Wharton Global Family Alliance, một tổ chức trực thuộc Trường Wharton của Đại học Pennsylvania, trên thế giới hiện có khoảng 1,000 công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản gia đình. Còn theo Richard C. Wilson, tác giả cuốn sách “The Family Oficce Book”, con số này là 10.000, và tác giả dự báo, đến năm 2020, con số này sẽ là 20.000. Tuy nhiên, không phải gia tộc nào cũng có thể mở công ty quản lý, bởi chi phí để vận hành một công ty hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, kế toán, pháp lý, giáo dục và dịch vụ concierge như vậy cũng không hề nhỏ. Một lý do nữa là các công ty này khó có thể tìm kiếm nhân sự cao cấp, am hiểu tường tận các nghiệp vụ chuyên môn sâu như những đồng nghiệp của họ tại các ngân hang tên tuổi. Theo khảo sát của Merrill Lynch & Campden Research, chi phí trung bình để vận hành một văn phòng như vậy chiếm 0.6% giá trị tài sản mà họ quản lý.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã kéo các khách hàng giàu có từ những ngân hàng tên tuổi đến với các công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản gia đình nhờ những giải pháp quản lý tùy biến theo yêu cầu cá nhân, phù hợp với các nhà đầu tư trong điều kiện khó khăn. Thông thường, các công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản gia đình có danh mục đầu tư dài hạn hơn so với các nhà quản lý tài sản tư.
Trên thế giới, Thuỵ Sĩ và Luân Đôn được xem là hai trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý tài sản gia đình. Tuy nhiên, hai trung tâm này đang dần mất đi vị thế của mình do con số người giàu có ở châu Á đang tăng nhanh, kéo theo nhu cầu dịch chuyển của các công ty hoạt động trong lĩnh vực này sang châu Á. Theo một báo cáo của Boston Consulting Group, trong 5 năm tới, tỷ lệ người giàu có ở châu Á, bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản, đang được kỳ vọng tăng lên gấp đôi so với số người giàu có của thế giới. Theo đó, Singapore cũng đang nhanh chóng trở thành trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý tài sản cá nhân. Nhiều công ty tên tuổi thế giới đã mở văn phòng tại xứ đảo quốc này như Franklin Templeton Investments, Alta Advisers Ltd.
Còn tại Nga, công ty quản lý tài sản gia đình đầu tiên thuộc quyền sở hữu của Nicolay Tsvetkov, ông chủ hãng Nikoil Financial. Ban đầu, công ty này chỉ phục vụ các thành viên trong gia tộc mình. Dần dần, do nhu cầu của thị trường, công ty phát triển thành tập đoàn với nhiều chi nhánh. Khách hàng của công ty là các doanh nhân người Nga, chủ sở hữu doanh nghiệp trong độ tuổi từ 33 đến 55, có gia đình và đang muốn chuyển tài sản cho các thế hệ kế thừa. Họ là những người có tài sản từ 20 đến 150 triệu đô-la Mỹ. Những khách hàng này thường muốn tìm những dịch vụ uy tín, sẵn sàng chi trả cho sự đa dạng cũng như chất lượng dịch vụ, thậm chí ở mức rất chi tiết, đòi hỏi tính riêng tư.