Nhiều kỹ nghệ thất truyền đã được hồi sinh trong những “cỗ máy thời gian” độc nhất vô nhị.

Kỹ nghệ truyền thống để làm nên những chiếc đồng hồ Métiers d’Art (có nghĩa là thủ công trong tiếng Pháp) không ngừng được phục chế và tôn vinh, đồng thời một số phương pháp mới tân tiến hơn cũng đang dần được áp dụng. “Métiers d’Art trong sản xuất đồng hồ cũng giống như tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Tất cả đều được thực hiện bằng tay nên mỗi sản phẩm đều mang đậm dấu ấn riêng biệt và sở hữu vẻ đẹp độc đáo”, Edouard Mignon, Trưởng bộ phận Phát triển sản phẩm của Cartier, cho biết.
Trong thời điểm ngành công nghiệp đồng hồ đang phát triển mạnh mẽ, những kỹ năng truyền thống lại càng được đánh giá và trân trọng hơn. Điều quan trọng là làm sao để gìn giữ được các ngành nghề truyền thống thông qua việc đào tạo lớp nghệ nhân mới, hơn thế nữa phải liên tục đầu tư cải tiến và phát huy óc sáng tạo trong tương lai.

Hình ảnh đầu chú báo cần tới 3.800 hạt vàng nhỏ cùng hơn 320 làm việc liên tục

Xưởng chế tạo Maison de Métiers d’Art mới của Cartier tại Chaus-de-Fonds (Thụy Sĩ) có tới 28 thợ thủ công chuyên làm việc với các chi tiết siêu nhỏ. Mignon chia sẻ: “Khi chế tác mặt đồng hồ đầu tiên theo phương pháp Mosaic (chạm) kiểu La Mã, chúng tôi phải làm mới gần như hoàn toàn kỹ nghệ này, bởi kích thước của mặt số có thể chỉ bằng 1%, thậm chí phần nghìn so với một bức tranh khảm lớn”.
Không nằm ngoài cuộc, Jaquet Droz đã trình làng bộ ba đồng hồ Petite Heure Minute Paillonné – minh chứng cho sự tinh thông bậc thầy trong kỹ nghệ tráng men paillonné. Mặt số được phủ vài lớp men nền, sau đó là các paillons (vân hoa vàng) và cuối cùng là một lớp men mềm (men trong).

 

Trong khi đó, Hermès tiếp cận Agnès Paul-Depasse, một nghệ nhân nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực straw marquetry (khảm rơm) cổ xưa. Họ đã nhờ ông tư vấn cách tạo nên một mặt số độc đáo khi ứng dụng rơm, chất liệu hữu cơ, mà không sợ bị biến đổi cấu trúc theo thời gian. Cũng dùng phương pháp truyền thống, nhưng Paul-Depasse đã có một chút biến tấu khi chọn loại rơm từ lúa mạch đen cho trọng lượng nhẹ hơn, sau đó nhuộm màu, cắt ghép để tạo nên một mặt đồng hồ có hoa văn dạng chữ V (đường zigzac và hình ô chữ nhật nhỏ) mô phỏng theo mẫu cà-vạt của Hermès. Kết quả, tuyệt tác Arceau Marqueterie de Paille đã giúp Hermès để lại dấu ấn đậm nét trên bản đồ của ngành công nghiệp đồng hồ toàn cầu.
“Đó chỉ là một thách thức để chúng tôi thử xem liệu có thực hiện được hay không. Và thực tế chúng tôi đã làm được”, Philippe Delhotal, Giám đốc sáng tạo của La Montre Hermès, nói. “Trên thực tế, chúng tôi thật sự rất hứng thú với ý tưởng khảm rơm vì phương pháp này chưa từng được thực hiện bởi bất cứ thương hiệu nào trước đó”.