Là phức hợp của silicat kali, oxit chì và một số chất phụ gia khác, pha lê được đánh giá cao vì khả năng phản chiếu ánh sáng tốt. Nhưng lý do sâu xa hơn lại nằm ở sức mạnh và độ bền của chất liệu này. Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì khó có thể phân biệt chúng với thuỷ tinh, nhưng với những con mắt sành sỏi thì pha lê vượt xa thuỷ tinh về chất lượng.
Pha lê có khả năng phản chiếu ánh sáng nhiều hơn nhờ các bề mặt góc cạnh, biến chất liệu này trở nên hoàn hảo cho đèn chùm, ly rượu và trang sức. Khối lượng, độ dày, độ mịn, đường cắt và nét sắc sảo là các nhân tố khác tạo nên điểm khác biệt. Nhờ vào thành phần chì, pha lê nặng hơn thuỷ tinh. Mặt khác, nhờ có chì mà công việc tạo hình cho chúng dễ dàng hơn. Bề mặt pha lê láng mịn hơn, và phát ra âm thanh cao khi va chạm.
Từ đèn chùm hoành tráng cho đến những chiếc bình tinh tế hay lọ đựng nước hoa sang trọng là mấu chốt hoàn hảo cho các thiết kế nội thất, và có ngạc nhiên hay không khi cả ba thương hiệu này đều đến từ nước Pháp?
1. Lalique
Thành lập vào năm 1888, Lalique nổi tiếng bởi các thiết kế trang trí như pano, đài phun nước hay bàn và đèn chùm. Cha đẻ của nhãn hiệu này, René Jules Lalique, là bậc thầy chế tác thuỷ tinh và trang sức trong thời kỳ Art Decor. Từng thiết kế trang sức cho Cartier và Boucheron, ông rẽ hướng sang thiết kế trang sức, và nhiều đồ nội thất khác cho thương hiệu của riêng mình. Các tác phẩm của ông xuất hiện ở nhiều buổi đấu giá như Sotheby’s và Christie’s. Thiết kế với trung tâm là phụ nữ lấy cảm hứng từ thời kỳ Art Nouveau (Tân Nghệ Thuật). Một trong những thiết kế nổi tiếng nhất của ông, bộ sưu tập Bacchentes khắc hoạ hình ảnh nữ quyền bằng phong thái thanh lịch và tinh tế nhất.
Qua nhiều thập kỷ, Lalique đã hợp tác với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng bao gồm Bentley, Salvatore Ferragamo và Parmigiani Fleurier. Ngoài ra, quá trình hợp tác với hãng đồng hồ Thuỵ Sĩ đã cho ra đời ba chiếc đồng hồ để bàn đáng chú ý đậm nét Haute Horlogerie và kỹ nghệ chế tác kim cương tuyệt vời nhất.
2. Baccarat
Là nhà máy chế tác thủy tinh đầu tiên, Baccarat, đã chứng tỏ hãng không chỉ đơn thuần là một nhà sản xuất ly thủy tinh và gương bằng cuộc đột phá vào năm 1816, khi bắt đầu sản xuất pha lê. Chưa đầy một thập kỷ sau đó, công ty nhận hợp đồng hoàng gia đầu tiên khi chế tác một bộ sưu tập ly hoàn chỉnh cho Louis XVIII – đơn đặt hàng được cho là đã khởi đầu cho trào lưu sử dụng đa dạng các loại ly khác nhau cho nhiều mục đích khác nhau. Ngày nay, nhãn hiệu pha lê này nổi tiếng về các sản phẩm ly pha lê, ly sâm-panh, bình rượu và chặn giấy.
Nhìn sơ qua cấu trúc và thiết kế của một sản phẩm có thể dễ dàng nhận biết được thời đại mà tác phẩm của Baccarat phản ánh; đường nét ly uốn lượn của những năm 1900s, trong khi những thiết kế mang tính góc cạnh và hình học hơn lấy cảm hứng từ thời kỳ Art Deco.
Để kỉ niệm 250th ngày thành lập vào năm 2014, Baccarat đã cho ra đời bộ cờ vua Harcourt Chess Game bằng pha lê đen (midnight crystal) và thủy tinh hữu cơ. Mỗi thiết kế được chế tác thủ công từ thủy tinh Harcourt n3, và có số lượng giới hạn là 50 sản phẩm.
Những kiệt tác thanh tao này không chỉ được trưng bày tại phòng triển lãm của hãng, mà ở cả Baccarat Hotel & Residences New York – là công trình đầu tiên được trang hoàng bằng 12,000 mảnh pha lê Baccarat. Hành lang và lối vào phòng và các dãy phòng được lát bằng kính Baccarat Harcourt kết hợp cùng các chất liệu tương tự. Khách sạn khai trương vào tháng Ba năm 2015 là sản phẩm của hai nhà thiết kế nội thất người Pháp Dorothée Boisier và Gilles, họ đã sử dụng pha lê của Baccarat xuyên suốt công trình, từ trần nhà mái vòm phủ mica cho đến những bức tường nếp gấp bằng lụa.
3. Daum
Pha lê Daum là bản thu nhỏ của những ngày đầu trào lưu avant garde trong lĩnh vực chế tác pha lê. Thành lập vào năm 1897, Daum khởi đầu bằng công nghệ sản xuất ly thủy tinh. Trong thời kỳ Art Nouveau, hãng đã chuyển sang thiết kế bình hoa, đèn chùm và các đồ dùng nghệ thuật. Để vươn tới nhiều đối tượng khách hàng hơn, hãng đã tiến hành thử nghiệm với bảng màu sắc đa dạng. Thành công này khiến Daum gây tiếng vang lớn tại các buổi trưng bày sản phẩm tại nhiều triển lãm và hội chợ trên thế giới về thời kỳ Art Deco tại Chicago.
Sự độc đáo của Daum được tạo nên bởi pâte de verde, một loại hình nghệ thuật đã từng bị mất đi. Người Ai Cập xưa dùng loại hình này để hòa màu sắc vào thủy tinh, trong đó, thủy tinh vụn được đóng thành một khối trước khi hợp nhất lại với nhau trong lò nung. The Nettle and the Spider: Homage to Victor Hugo là tác phẩm tiêu biểu với thiết kế bình hình nón mang đậm chất thiên nhiên, được đấu giá tại Tokyo vào năm 1984 với giá 290,000$. Chiếc bình mô tả những cành hoa dại cùng hai câu thơ của Hugo trong bài Contemplations chạm khắc ở mặt bên.