Nhìn vào tác phẩm “Ranh giới” cùng hình ảnh dây thép gai với màu đỏ máu rực lửa, tôi không khỏi liên tưởng đến làn sóng tị nạn, vượt biên tại châu Âu thời điểm vừa qua. Chị muốn truyền tải điều gì qua tác phẩm này?
Với “Ranh Giới”, tôi đã muốn nêu lên những vấn đề về biên giới, lãnh thổ, di dân, những giới hạn về địa lý, tìm hiểu căn nguyên của những thực trạng đớn đau đang làm rung chuyển thế giới hiện nay, như việc di dân hàng loạt ở vùng Địa Trung Hải năm nay hay gần đây nhất là bi kịch của hàng triệu người Rohingya chạy trốn khỏi Myanmar. Để nói lên sự cân bằng mong manh của thế giới liên quan đến vấn đề di dân, tôi đã tạo ra “Ranh Giới” theo cách tương phản và đối lập như một hình nón đảo ngược. Đây là một kiến trúc căng thẳng, có nguy cơ bị phá vỡ. Hình nón là biểu hiện của nón lá. Chiếc nón truyền thống ở đây được tái hiện như một vật thể hiện đại.
Khi xem “Ranh giới”, chúng ta thấy một mô-típ hình hoa lan tỏa tự nhiên với tất cả các đường cong hài hòa và gợi cảm. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các đường vân ấy được làm bằng dây thép gai trườn mình hung bạo, tượng trưng cho đường biên giới bất khả xâm phạm. Những dây thép gai này bảo vệ một số người nhưng cũng cự tuyệt một số khác. “Ranh Giới” cũng là một cuộc tự vấn về khái niệm ‘thuộc về’ và bản sắc. Tôi sống ở Paris từ năm 1 tuổi, vậy “Bản sắc của tôi là gì? Tôi là người Việt Nam? Tôi là người Pháp?” Có ai trả lời được những câu hỏi này? Tôi thì không.
Màu đỏ và cam, hai màu sắc rất phổ biến ở Việt Nam, thường thấy trong các chùa chiền, lễ hội, đã được thể nghiệm qua một biến thể gay gắt, sống động và hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được tính truyền thống. Với tôi, màu đỏ là màu sắc đối nghịch và mơ hồ nhất trong tất cả các màu. Nó thể hiện tình yêu và sự tức giận, hạnh phúc và hiểm nguy, nguồn sống và sự hủy diệt…. “Ranh giới” chứa đựng tất cả những nghịch lý này.
Với một tác phẩm mang tính thời sự và nét đương đại, tại sao chị lại chọn một chất liệu truyền thống như sơn mài? Sau “Ranh giới”, chị có kế hoạch tiếp tục thể nghiệm cùng sơn mài trong tương lai?
Việc đối mặt với một thiết kế hiện đại cùng kỹ thuật truyền thống – cũng là một phần của hai thái cực đối lập mà tôi vừa trình bày, đã là một trải nghiệm rất thú vị. Đó cũng là một thử thách đối với tôi, người chưa bao giờ có ái lực với sơn mài. Tôi đã nhìn thấy các sản phẩm sơn mài trong thời gian ở Việt Nam nhưng chưa bao giờ quan tâm đến chất lượng của nghệ thuật này cho đến khi tôi nhìn thấy những sản phẩm của Hanoia. Màu sắc, sự chính xác từ công đoạn thực hiện cho đến hoàn thiện đã khiến tôi rất thích thú, và cùng với đội ngũ của Thẩm Văn Sỹ, chúng tôi đã đạt được kết quả tuyệt vời đúng như tôi mong đợi. Sơn mài cho ta một không gian thể nghiệm rộng lớn và tôi rất mong muốn được khám phá thêm trong những sáng tạo trong tương lai.
Theo chị, chúng ta cần làm gì để đưa các tác phẩm sơn mài của Việt Nam ra thế giới, đồng thời gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật lâu đời này?
Bí quyết/kỹ thuật sơn mài của người Việt đã xuất hiện tại các cửa hàng ở nước ngoài. Từ bí quyết/kỹ thuật này, đã được hoàn thiện hơn trong các xưởng chế tác của Hanoia, chúng ta cần tạo ra các sản phẩm sơn mài hiện đại mang dấu ấn bản sắc Việt.
Tôi chỉ hy vọng rằng sơn mài sẽ truyền cảm hứng để các nhà thiết kế tạo ra những sản phẩm mới. Và như thế thì bí quyết/kỹ thuật sơn mài này sẽ tiếp tục được duy trì và cải tiến.
Sắp tới quay trở lại Việt Nam với tư cách người giảng dạy về Thiết kế Mỹ thuật và Phục trang trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ mùa thu, cảm xúc của chị khi trở thành người truyền dạy cho thế hệ tiếp theo của điện ảnh Việt Nam là gì? Điều gì khiến chị nhận lời tham gia chương trình?
Đây là năm thứ 5 kể từ khi thành lập Gặp gỡ mùa thu. Trần Anh Hùng, người hướng dẫn bộ môn đạo diễn từ khi mới được thành lập, luôn cập nhật cho tôi về sự tiến triển của nó. Cũng nhờ sự nhiệt huyết của tất cả những người đã tham gia vào cuộc phiêu lưu tuyệt vời này, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều bộ phim Việt được sản xuất và xuất hiện tại các liên hoan phim quốc tế.
Thật tuyệt khi có thể tham gia vào hoạt động này và chia sẻ kinh nghiệm của tôi trong một lĩnh vực không được giảng dạy tại các trường điện ảnh Việt Nam, đó là nghệ thuật chỉ đạo, phục trang và trang trí. Tôi hy vọng rằng, ít nhất, tôi cũng có thể chuyển tải một số ý tưởng để cải thiện tầm nhìn nghệ thuật, phương pháp tổ chức khi làm phim và cách tư duy về hình ảnh tổng thể của một bộ phim.
Đứng ở vị trí nghệ sĩ, tự sáng tác ra một tác phẩm hay ở vị trí thiết kế mỹ thuật, phục trang, làm việc nhóm để tạo ra một bộ phim hoàn chỉnh, chị cảm thấy cái nào khó hơn? Điều gì cuốn hút chị ở những hoạt động sáng tạo khác biệt này?
Tôi cần có thời gian để làm việc một mình trước khi điều hành một đoàn làm phim 50 người. Đây là một công việc chuẩn bị tương đối cô độc nhưng cần thiết, sau khi đã nghe và thảo luận với Trần Anh Hùng. Sau đó, tôi làm việc theo nhóm và luôn phải rất cẩn thận, chắc chắn rằng mọi người hiểu được điều tôi muốn nói và không có sự hiểu lầm nào. Đó là một công việc căng thẳng vì tôi phải tuân theo lịch trình rất nghiêm ngặt. Trước đó là cả một công tác chuẩn bị lâu dài, và cuối cùng là bước nhảy lớn nhất: khi bắt đầu bấm máy. Đối với công việc này, không có sự tập luyện hoặc làm thử!
Làm việc với một nhóm lớn mệt mỏi về mặt tâm lý hơn so với khi sáng tạo một mình… Chúng ta phải hiểu nhau và tất nhiên phải thảo luận nhiều để truyền đạt tầm nhìn cũng như dự định về cách thực hiện điều đó. Tuy nhiên, thậm chí là một nhà thiết kế, tại một điểm nào đó, tôi cũng phải làm việc với một đội ngũ để tạo ra sản phẩm của mình, không giống như họa sĩ hay nhà văn, những người ấy không cần ai trừ bản thân họ.
Từ quá trình học vấn, giáo dục và sự tò mò của bản thân đã giúp tôi tiếp cận với nhiều nền văn hóa và cho phép tôi luân chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác một cách dễ dàng. Đó là một sự may mắn.
Vẽ một vật thể cũng tương tự như quá trình tạo ra thế giới thị giác của một bộ phim: khả năng đánh giá, xác định đúng và nhạy cảm để có thể đem đến cho người xem một cảm giác đặc biệt. Thật đẹp biết bao khi chúng ta đem cảm xúc và ý nghĩa đến cho người biết thưởng thức chúng. Khi tạo ra một vật thể, tôi hình dung về “cuộc sống” của nó và cảm động khi có người chọn nó, trân quý nó, nó trở nên gắn bó với cuộc sống của họ đến mức trở thành một vật thể rất quen thuộc và tình cảm. Và nếu vật thể đó có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia, thì không có gì có thể làm tôi vui hơn.
Một bộ phim cũng phải tồn tại với thời gian, và bị ảnh hưởng bởi thời trang. Về điều này, tôi cố gắng để đạt được cái “đẹp” với sự đơn giản và chính xác, mà không làm mất đi sự tinh tế. Hơn nữa, Leonardo da Vinci đã từng nói “Đơn giản là sự tinh tế tột bậc”.
Gắn bó với điện ảnh qua nhiều vai trò khác nhau, chị có cơ hội được tới thăm nhiều vùng đất, nơi nào đem lại cho chị một cảm xúc đặc biệt?
Nếu tôi phải chọn hai nơi thì đó sẽ là Hà Nội và Tokyo. Tại Hà Nội, nơi quay bộ phim ‘Mùa hè chiều thẳng đứng’, chúng tôi đã sống gần một năm trong ngôi nhà ở Phố Hàng Trống. Trong ngôi nhà đó, có 4 thế hệ phụ nữ: bà ngoại tôi, mẹ tôi, tôi và con gái 2 tuổi của tôi. Lúc đó, tôi không nghĩ rằng đây là những khoảnh khắc đặc biệt và sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Bà tôi qua đời ngay sau khi quay. Lần cuối cùng tôi gặp bà ngoại là ở Hà Nội.
Chúng tôi cũng đã sống 1 năm ở Nhật Bản cho ‘Rừng Na Uy’. Tôi đã biết rất nhiều về nước Nhật trước khi đến đó: về văn học, hai tác giả yêu thích của tôi là Kawabata và Tanizaki, những bộ phim và đặc biệt là những tác phẩm của Ozu, về kiến trúc và nhất là Tadao Ando mà tôi đã khám phá trong thời gian học tại Camondo, thời trang của Yohji Yamomoto, nhà tạo mẫu đã hỗ trợ tôi về trang phục cho các liên hoan phim và tôi cũng đã làm người mẫu cho một chiến dịch quảng cáo của họ….
Điều khiến tôi thích thú nhất khi ở Nhật là tắm nước nóng Onsen. Một trong những nơi đầu tiên chúng tôi đến là ở Izu. Tôi thực sự đã rất cảm động khi được ở cùng với mẹ và con gái tôi trong chính ngôi nhà trọ ryokan, nơi Kawabata đã ở 80 năm trước để viết Izu Dancer.
Chị có nhớ sự nghiệp diễn xuất của mình, điều gì cản trở chị quay trở lại trong một vai diễn mới? Chị mong muốn được thử sức mình ở một kịch bản hay nhân vật như thế nào ?
Khi đứng trước máy quay, tôi đã có những khoảnh khắc tuyệt vời và đó đều là những kỷ niệm. Hiện tại, tôi muốn thử sức trong một bộ phim hành động mà tôi phải chiến đấu chống lại zombie.
Một ngày bình thường của chị sẽ diễn ra như thế nào?
Việc đầu tiên tôi làm vào buổi sáng khi thức dậy là nghe nhạc. Sau đó, tôi uống 1 ly nước chanh ấm, một thìa dầu ôliu và bắt đầu 1 ngày của mình. Tôi thường dành buổi sáng cho công việc. Tôi vẽ, nghiên cứu và đọc sách, với con mèo nằm trên đùi. Buổi chiều, tôi luôn cố gắng tập 50 phút yoga xen giữa các buổi hẹn và công việc. Mỗi khi thời tiết tốt, tôi đi bằng xe đạp và cũng để đi chợ cho bữa tối. Tôi sống ở trung tâm Paris, khu Marais. Tôi thực sự thích đi bộ ở đó. Tôi luôn khám phá được những điều mới mẻ: chi tiết của một mặt tiền, một mẫu trang trí trên đá, một cái cây mới được trồng…
Lúc 17 giờ 30, tôi cố gắng dừng mọi hoạt động để chuẩn bị bữa tối. Anh Hùng cũng giúp tôi chuẩn bị, khi có thể. Anh ấy là một trợ lý rất giỏi! (cười lớn) Tôi dành khoảng 2 giờ để nấu ăn và nghe đài cùng lúc. Sau bữa tối, Hùng và tôi cùng uống trà, nghe nhạc, nói với nhau về những gì đã làm trong ngày, về con cái, công việc đang tiến triển. Trao đổi về nhạc và kiến trúc luôn toạ cho chúng tôi cảm giác là tinh thần đã được rèn luyện đầy đủ để chúng tôi có thể làm việc của mình.
Đôi nét về TRẦN NỮ YÊN KHÊ
Trần Nữ Yên Khê sinh năm 1968 tại Việt Nam, di cư đến Pháp từ khi còn nhỏ. Cô theo học ngành Thiết kế và Kiến trúc nội thất tại trường Đại học Camondo Paris. Cô chạm chân tới điện ảnh lần đầu khi tham gia thử vai cho bộ phim tốt nghiệp của một sinh viên chuyên ngành điện ảnh, và đó chính là người chồng tương lai Trần Anh Hùng.
Trần Nữ Yên Khê và đạo diễn Trần Anh Hùng đã cùng tạo nên rất nhiều bộ phim tiếng Việt đáng nhớ như Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng, Xích lô… Trong đó, Mùi đu đủ xanh từng được đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar năm 1994.
Ngoài vai trò diễn viên, Trần Nữ Yên Khê còn là Thiết kế mỹ thuật cho Eternity, Xích lô và Mùi Đu Đủ Xanh, Thiết kế bối cảnh và Thiết kế phục trang trong bộ phim Rừng Na Uy. Với vị trí này, cô từng được đề cử giải Thiết kế phục trang xuất sắc nhất tại Liên hoan phim châu Á năm 2011.