Trang phục vintage có một sức hút khủng khiếp, đủ để trở thành thứ tài sản đặc biệt trong danh mục đầu tư của những nhà đầu tư thông minh.
Trong khi nhiều nhà đầu tư tỏ ra ưa chuộng các loại tài sản truyền thống, thì một số người thích mạo hiểm lại chọn cách đầu tư vào những “vật thể lạ” bởi tiềm năng hấp dẫn từ tỷ lệ lãi sau khi được điều chỉnh theo rủi ro. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực thời trang vintage có thể hưởng mức lợi nhuận ổn định từ 10 đến 20% mỗi năm, thậm chí có những món đồ còn mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn thế rất nhiều. “Khoảng chục năm về trước, việc sưu tập các món đồ thời trang được xem là mốt” – Karen Augusta, chủ nhân của Augusta Auctions, hãng đấu giá hàng đầu Bắc Mỹ trong lĩnh vực thời trang vintage, cho biết.

Chiếc áo kimono của cựu siêu mẫu Jerry Hall đã được bán với giá 8.120 bảng Anh

“Giống như bất cứ món hàng tiêu dùng nào, trang phục vintage cũng có thể mang lại nguồn lợi nhuận cho nhà đầu tư. Một nhà đầu tư thông minh cần phải nhận biết rõ sự khác biệt giữa trang phục vintage và trang phục may đo cao cấp (haute couture) – trang phục được thực hiện với các chuẩn mực khắt khe của Nghiệp đoàn may đo cao cấp”.
Chìa khóa thành công của việc đầu tư vào trang phục vintage nằm ở lòng tin giữa người bán và người mua. Theo lời khuyên của các chuyên gia, nhà đầu tư mới vào nghề nên tham gia vào các cuộc đấu giá do những hãng đấu giá danh tiếng tổ chức để tránh mua phải hàng nhái, hàng giả. Mặc dù các hãng đấu giá truyền thống được nhiều người ưa chuộng, nhưng một số trang web đấu giá trực tuyến cũng mang lại hiệu quả không kém, chẳng hạn như hãng đấu giá istdibs ở New York (www.istdubs.com).

Không thể không kể đến chiếc váy huyền thoại của Audrey Hepburn

Để giúp các nhà đầu tư, Clair Watson, chuyên gia tư vấn thời trang vintage của istdibs cho rằng, “bạn cần xác định thời đại ra đời của trang phục, nhà thiết kế hoặc phong cách mình quan tâm, biết cách cân bằng tính phổ biến của món đồ với số lượng sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường. Cũng nên xem xét các món đồ ít được biết đến của những nhà thiết kế đã qua đời hoặc nhãn hiệu đã ngừng hoạt động. Ví dụ các nhà thiết kế Mỹ như Roy Halston Frowick và Norman Norell”.
Trong lịch sử thời trang, trang phục vintage từng được bán với giá cao ngất ngưỡng. Món đồ đắt giá nhất có lẽ là chiếc váy đen nhỏ mà Audrey Hepburn từng mặc trong bộ phim Breakfast at Tiffany’s. Chiếc váy huyền thoại này được bán với giá 467.200 bảng Anh tại một phiên đấu giá của Christie’s vào năm 2006.
Các chuyên gia đều có chung một nhận định rằng, những thương hiệu trứ danh như Hermès và Dior sẽ tiếp tục thống trị thị trường, nhưng các nhà đầu tư khôn ngoan hơn cần phải dự đoán được xu hướng, đi trước thời đại. “Nên để ý đến các nhà thiết kế và nhãn hiệu chưa thực sự được gọi là vintage, có nghĩa là chưa có tuổi thọ trong nghề khoảng 20 năm, chẳng hạn như Alexander McQueen hay Erdem – đây là những thương hiệu tốt để đầu tư, đặc biệt là các bộ sưu tập quan trọng của họ”, Carmen Haid, nhà sáng lập Atelier-Mayer, phát biểu.